Tăng cường phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, an toàn trong lĩnh vực y tế tại TP Hồ Chí Minh
Theo bác sĩ Hồ Văn Hân, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, các vấn đề liên quan đến tình hình an ninh, trật tự (ANTT) trong lĩnh vực y tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn còn khá phức tạp; xung quanh hoạt động của các bệnh viện vẫn xuất hiện nhiều vấn đề tồn tại, chưa thể giải quyết triệt để.
Trong đó, tình trạng "cò bệnh viện" vẫn còn tồn tại, do tình trạng quá tải, một số bệnh nhân ở xa đến bệnh viện khám bệnh, chữa bệnh (KCB) với tâm lý nôn nóng được khám sớm nên dễ bị "cò" dụ dỗ dẫn đến KCB tại các cơ sở, phòng khám tư nhân gần khu vực xung quanh bệnh viện. Các đối tượng "cò" đa phần là dân địa phương cầm đầu, chúng thường xuất hiện và hoạt động trở lại khi không có mặt của lực lượng Công an địa phương.
Mặc dù chính quyền địa phương đã kiên quyết xử lý để giải quyết tình trạng "cò bệnh viện" như bắt giữ, mời làm việc, xử phạt hành chính các đối tượng về hành vi gây rối trật tự công cộng, đã lập hồ sơ, chụp hình, yêu cầu đối tượng viết cam kết để phục vụ cho việc xử lý nếu tái phạm.
Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký khám bệnh, cải tiến quy trình KCB, tiếp tục quán triệt đến toàn thể viên chức không liên hệ với "cò khám bệnh". Tuy nhiên tình trạng "cò" vẫn tồn tại và chưa giải quyết triệt để. Đáng nói hiện nay, các bệnh viện gặp không ít khó khăn khi "cò khám bệnh" tỏ ra hung hãn, hăm dọa, tấn công bảo vệ bệnh viện và nhân viên y tế khi được mời ra ngoài.
Ngoài ra, tình trạng sử dụng giấy tờ giả vẫn xảy ra. Thời gian gần đây, khi thực hiện các thủ tục hành chính về cấp giấy phép hoạt động KCB, chứng chỉ hành nghề, Sở Y tế đã phát hiện nhiều trường hợp sử dụng giấy tờ giả, giấy tờ không hợp lệ. Đáng chú ý số vụ việc nhân viên y tế, cơ sở KCB sử dụng giấy tờ giả có chiều hướng gia tăng, các đối tượng làm bằng giả hoạt động tinh vi khó phát hiện, trong khi đó người sử dụng bằng giả lại chỉ bị phạt hành chính.
Trong thời gian vừa qua, Thanh tra Sở Y tế cũng tiếp nhận nhiều phản ánh của người dân, cơ sở bán thuốc, các nhà hàng về việc có người gọi điện thoại tự xưng là cán bộ Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh hăm dọa để gây áp lực yêu cung cấp thông tin về số CCCD, địa chỉ nhà, giấy phép kinh doanh... của người dân. Ngoài ra, Thanh tra Sở còn tiếp nhận thông tin của một số phòng khám tư nhân phản ánh việc bị một số đối tượng yêu cầu đưa tiền để không bị kiểm tra, xử lý hoặc giảm nhẹ hình phạt xử lý vi phạm hành chính.
Khi phát hiện các vụ việc như trên, Thanh tra Sở Y tế đã thông báo trên cổng thông tin điện tử của Sở và chuyển thông tin đến Công an thành phố để xác minh, xem xét, xử lý.
Đáng nói, tình trạng hoạt động không phép, quảng cáo sai sự thật trong lĩnh vực y tế và đối phó cơ quan chức năng diễn biến cũng rất phức tạp. Trong những năm qua, nhất là giai đoạn sau đại dịch COVID-19, nhiều vấn đề mới phát sinh trong công tác quản lý hành nghề trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, bao gồm: Số cơ sở hành nghề y, dược ngày càng tăng cao, hiện thành phố đã có hơn 20.000 cơ sở hành nghề y, dược (hơn 9.000 cơ sở y và gần 11.000 cơ sở dược), trong đó có hơn 99% là cơ sở tư nhân; vấn đề "lấn sân" của một số cơ sở làm đẹp (do UBND quận, huyện hoặc Sở Kế hoạch Đầu tư cấp giấy chứng nhận kinh doanh) sang lĩnh vực y tế (do Sở Y tế cấp phép)…
Số lượng quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội rất lớn và đa dạng. Việc quảng cáo, hành nghề, đào tạo trái phép, đặc biệt là trong lĩnh vực thẩm mỹ đã và đang gây ra nhiều hậu quả, thậm chí gây ra biến chứng, di chứng, tử vong, gây tâm lý bất an cho người có nhu cầu làm đẹp. Số lượng đơn thư phản ánh liên quan đến chất lượng dịch vụ và tổn thất tài chính chiếm 78%.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Sở Y tế phát hiện việc có tính chất phức tạp, có tổ chức chuyên nghiệp, cơ sở hoạt động KCB không phép, sử dụng mạng xã hội để quảng cáo gian dối, dẫn dụ khách hàng.
Khi bị Thanh tra Sở Y tế phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính, các cơ sở này liên tục thay đổi pháp nhân, cá nhân đăng ký kinh doanh trên cùng một địa chỉ sau hoặc di chuyển qua nhiều quận khác nhau để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhằm thu lợi bất chính. Đặc biệt, trong một số vụ việc có người vi phạm pháp luật và người bị hại cũng là người nước ngoài. Các hành vi này có dấu hiệu của tội phạm về tội Quảng cáo gian dối và tội Lừa dối khách hàng để thu lợi bất chính. Sở Y tế đã chuyển Công an thành phố nhiều vụ việc nêu trên.
Trước các tình trạng phức tạp nêu trên, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hồ Văn Hân cho biết, Thanh tra Sở, các phòng nghiệp vụ có liên quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ các đơn vị nghiệp vụ của Công an thành phố trong công tác đảm bảo ANTT tại Sở Y tế nói riêng và tại các cơ sở KCB trên địa bàn thành phố nói chung trong công tác kiểm tra, xác minh, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đồng thời phối hợp tổ chức phổ biến, tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.
Để khuyến khích, kêu gọi người dân cùng tham gia giám sát và cung cấp thông tin khi phát hiện các cá nhân, tổ chức hoạt động không phép trong lĩnh vực y tế, hoạt động "chui" "trá hình", Sở Y tế đã triển khai nhiều giải pháp để đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận thông tin phản ánh. Qua 4 năm triển khai đã thu được kết quả tích cực, trung bình mỗi năm, số lượng thông tin phản ánh qua ứng dụng "Y tế trực tuyến" khoảng 1.700 tin/tổng số 3.200 (đơn + tin phản ánh) chiếm tỷ lệ 53%.
Ngoài ra, Sở Y tế thiết lập 2 số điện thoại đường dây nóng (Sở Y tế: 0967771010; Thanh tra Sở Y tế: 0989401155) và hộp thư điện tử: thanhtra.syt@tphcm.gov.vn để tiếp nhận thông tin phản ánh.