Tái nhiễm COVID-19: Bệnh có nặng hơn lần đầu?
Trong những ngày qua, nhiều người đã bị tái nhiễm COVID-19, trong đó có cả người lớn và trẻ em, có người đã tiêm đủ 3 liều vaccine. Nhiều F0 lo lắng, liệu bị tái nhiễm COVID-19 có nặng hơn lần mắc đầu? Một số phụ huynh có con mắc COVID-19 cũng tìm hỏi bác sĩ, liệu con họ có mắc lần hai hay không và nghe nói lần mắc sau nặng hơn lần trước nên khá lo lắng.
Một biến chủng khó nhiễm 2 lần
Cách đây 1,5 tháng, chị Nguyễn Quỳnh Nga (Quảng Ninh) mắc COVID-19 và đã khỏi bệnh. Ngày 5/3, chị thấy đau đầu, nghẹt mũi, rát họng, test COVID-19 lại thấy dương tính. “Lần này tôi đau đầu kinh khủng, người mệt bải hoải”, chị Nga cho biết.
Tương tự, tại Hà Nội, nhiều người nhiễm COVID-19 từ trước Tết Nguyên đán và đã tái nhiễm sau đó chỉ 1 tháng. Chị Phạm Phương Nhung, ở quận Tây Hồ cho biết: “Đúng 4 tuần sau khi khỏi bệnh, tôi đã nhiễm COVID-19 lại. Lần này triệu chứng của tôi là đau đầu, húng hắng ho”. Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh, nhiều khả năng tái nhiễm COVID-19 là người đã mắc chủng Delta nay nhiễm chủng Omicron. Về nguyên tắc, các trường hợp tái nhiễm là mắc chủng khác. Cùng một biến chủng mà tái nhiễm là rất đặc biệt hiếm, có thể do cơ địa kém.
BS Khanh chỉ ra, một thời gian dài ở TP Hồ Chí Minh, dịch COVID-19 toàn chủng Delta và không có tái nhiễm biến chủng này. Khi xuất hiện chủng Omicron thì khả năng tái nhiễm là có. “May mắn triệu chứng tái nhiễm nhẹ hơn. Đặc biệt người đã mắc chủng Delta, nay tái nhiễm Omicron triệu chứng đều nhẹ”, BS Khanh cho biết.
Theo BS Trương Hữu Khanh, thế giới đều công nhận chủng Omicron rất nhẹ so với biến chủng Detal, khả năng gây bệnh nặng và tử vong thấp hơn. Trẻ em mắc biến chủng Omicron cũng nhẹ, đau họng thoáng qua, có trẻ sốt cao nhưng chỉ sau 24 -36 giờ là hết. Đặc biệt ở Omicron có 2 triệu chứng rõ ràng: Mệt mỏi rất kỳ lạ nhưng không liên quan đến hô hấp và kéo dài 2-3 ngày; đổ mồ hôi nhiều. “Hai triệu chứng này không đáng lo ngại, chỉ cần nghỉ ngơi, uống nước ấm thì bớt đổ mồ hôi. Còn lại các triệu chứng khác chỉ thoáng qua”, BS Khanh nhận định.
Theo BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bệnh nhân tái nhiễm COVID-19 sau khoảng 1 tháng khỏi bệnh, triệu chứng nhẹ hơn lần đầu và được tư vấn tự cách ly điều trị tại nhà, không cần nhập viện.
Theo giải thích của BS Phúc, sau khi khỏi COVID-19, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại sự xâm nhập virus SARS-CoV-2. Mặc dù vậy, lượng kháng thể sinh ra của mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào cơ địa, bệnh nền... Nếu kháng thể không đủ mạnh, người khỏi bệnh chủ quan không tuân thủ 5K, khi tiếp xúc F0 mang biến chủng mới sẽ có nguy cơ tái nhiễm, như lần đầu tiên, người bệnh nhiễm chủng Delta, lần thứ hai có thể nhiễm chủng Omicron.
Người nhiễm biến chủng Omicron có triệu chứng khác Delta
Nhiều người lo ngại bệnh nặng hơn khi họ tái nhiễm COVID-19 lần hai. BS Khanh cho biết, nhiễm chủng Delta hay Omicron đều theo dõi giống nhau, quan trọng nhất là lắng nghe cơ thể mình, tuân thủ 5K để không phát tán virus cho mọi người xung quanh. “Nhiễm chủng Omicron triệu chứng đau rát họng thời gian ngắn, chỉ khoảng 1,5-2 ngày, người bệnh uống nước ấm hoặc ăn sữa chua sẽ giảm đau. Nếu không ho thì không nên uống thuốc ho. Nếu đau họng quá uống giảm đau Paracetamol, không nên quá lo lắng với triệu chứng đau họng”, BS Khanh nói.
Tuy nhiên, theo BS Khanh, triệu chứng đau họng xuất hiện trong 1-2 ngày đầu khi bệnh khởi phát, nhưng một số người thấy đau họng uống kháng sinh là không đúng. Kháng sinh chỉ có thể uống sau ngày thứ 3-4 phát hiện dương tính mà xuất hiện đau họng, khi đó đã có bội nhiễm. BS Khanh cũng lưu ý, may mắn cơn sốt của người mắc biến chủng Omicron ngắn hơn, nhẹ hơn chủng Delta. Tuy nhiên, có người sốt cao, có người sốt nhẹ, đặc biệt có người lạnh run dù không sốt cao.
“Có 2 triệu chứng của người mắc chủng Omicron là sốt và rét run (không nhiều). Tất cả triệu chứng đó giải quyết bằng thuốc hạ sốt. Người bệnh uống thuốc giảm đau hạ sốt thông thường như Paracetamol, Panadol vì thời gian sốt ngắn không cần biện pháp gì đặc biệt. Ngoài ra người bệnh phải uống nước ấm, uống đủ nước, ăn sữa chua để hỗ trợ thêm”, BS Khanh nói.
BS cũng cho rằng, người bị tái nhiễm thì triệu chứng mau hết, không quá lo lắng test đi test lại. Nếu nhiễm lần đầu có thể là chủng Delta hoặc Omicron, với người đã tiêm đủ liều vaccine sẽ hết sau 7 ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính.
“Nếu trường hợp tái nhiễm chủng Omicron không có gì phải lo lắng, không phải muốn nhanh hết là hết nhanh được, do kháng thể của từng người và liều vaccine đã tiêm. Kể cả với người uống thuốc kháng virus để hết nhanh cũng không phải, thuốc kháng virus chỉ giúp ngăn ngừa bệnh nặng lên và chỉ sử dụng cho người có nguy cơ chuyển nặng. Nếu test lại âm tính là bình thường và người còn 2 vạch đậm cũng là bình thường, quan trọng là sức khỏe của mình. Chúng ta test lại ở ngày thứ 7-10, có người 14 ngày, thậm chí 21 ngày mới âm tính, nên không cần test thường xuyên cho tốn tiền, chủ yếu thấy sức khỏe của mình bình thường là được”, BS Khanh nói.
Khi khỏi COVID-19 thì bao lâu đi làm trở lại? Theo BS Khanh, đối với những nước châu Âu và Mỹ sau khi chủng Omicron quét qua, họ nhận thấy 3-5 ngày đi làm được rồi, vì đặc tính của Omicron lây rất nhanh, bệnh nhẹ và khỏi rất nhanh; thời gian phát virus ra môi trường ngắn, thời gian lây ngắn. Nhưng ở nước ta phải theo quy định của Bộ Y tế.
F0 điều trị tại nhà, sau 7 ngày cách ly, điều trị và có kết quả test nhanh âm tính do nhân viên y tế hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa thì được dỡ bỏ cách ly. Nếu vẫn còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vaccine.
Còn F0 điều trị tại bệnh viện phải điều trị ít nhất 5 ngày, giảm các triệu chứng lâm sàng, hết sốt (không dùng thuốc hạ sốt)... trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên và có kết quả test PCR âm tính hoặc nồng độ virus thấp hoặc test nhanh âm tính thì được ra viện. Ngược lại sẽ phải tiếp tục cách ly đủ 10 ngày (không nhất thiết phải làm lại xét nghiệm).
Theo khuyến cáo của BS, người khỏi bệnh COVID-19 không nên chủ quan, phải giữ ấm cơ thể, bổ sung dinh dưỡng để không bị hậu COVID-19. Đặc biệt phải tuân thủ 5K, cố gắng ít tiếp xúc với mọi người trong vòng 7 ngày từ khi xét nghiệm âm tính để giảm ít nhất lây nhiễm.