Suýt phải cắt bỏ chân trái vì bị vi khuẩn hiếm gặp tấn công vết trầy xước ngoài da
Từ một vết trầy xước nhỏ ở ngón chân trái, do chủ quan, tự điều trị tại nhà, ông Ngô Văn Nam bị một loại vi khuẩn hiếm gặp tấn công gây nhiễm trùng lan rộng suýt phải cắt bỏ chân trái...
Ngày 28/11, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình (Đà Nẵng) cho biết, các bác sĩ của Bệnh viện vừa cứu chữa thành công, giữ được chân trái cho bệnh nhân bị nhiễm loại vi khuẩn lạ.
Trước đó, trong lúc lao động, ông Ngô Văn Nam (54 tuổi, Đà Nẵng) bị thương nhẹ ở các ngón 3, 4 bàn chân trái. Tuy nhiên do chủ quan, vết thương nhỏ và không chảy máu nhiều, nên ông đã tự điều trị tại nhà và tiếp tục sinh hoạt bình thường sau đó.
Và chỉ sau một thời gian ngắn, chân trái ông Nam đã bị nhiễm trùng nặng. Ông Nam đã được gia đình vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Gia Đình với hai ngón chân trái đã chuyển đen, chảy dịch và đau nhức. Sau thăm khám, ê-kip bác sĩ khoa Ngoại nhận định hai ngón chân đã hoại tử. Khi đối mặt với nguy cơ mất đi chân trái vì một vết thương nhỏ, ông Nam và người thân đã rất bàng hoàng và lo lắng bởi ông là lao động chính của gia đình.
Bác sĩ CKI Huỳnh Đắc Anh, khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình chia sẻ về quá trình điều trị cho bệnh nhân Nam: “Đây là trường hợp đặc biệt, khi bệnh nhân nhiễm một loại vi khuẩn rất hiếm gặp ngoài da (Proteus), tình trạng nhiễm trùng diễn tiến rất nhanh, lúc này bàn chân trái đã hoại tử nặng, chúng tôi quyết định phẫu thuật cắt bỏ bàn chân và đặt VAC thì tình trạng bệnh nhân có cải thiện. Tuy nhiên, sau đó, vi khuẩn lại tiếp tục tấn công lên phần cẳng chân và đùi”. Đáng lo ngại hơn, khi kiểm tra tầm soát, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân Nam bị tiểu đường type 2.
Mặc dù nguy cơ phải cắt bỏ cả chân là rất cao, ê kip bác sĩ đã quyết định tiếp tục thực hiện phẫu thuật cắt lọc, loại bỏ tổ chức hoại tử với mong muốn giữ lại chân cho bệnh nhân. Đến ngày 2/11, tình trạng nhiễm trùng giảm hoàn toàn, vết thương lên mô hạt tốt, ông Nam được phẫu thuật để xoay vạt da tạo mỏm cụt ở cổ chân và ghép da. Sau đó, da sống đã che phủ dần được bề mặt vết thương. Trải qua 6 cuộc phẫu thuật và tích cực điều trị, chăm sóc vết thương cũng như điều chỉnh đường huyết tối ưu, hiện tình trạng của bệnh nhân Nam đã ổn định.
Qua trường hợp của bệnh nhânvừa kể, bác sĩ CK I Huỳnh Đắc Anh, khoa Ngoại, Bệnh viện Gia Đình khuyến cáo, khi có các vết thương dù chỉ là rất nhỏ, người bệnh không nên tự ý điều trị tại nhà mà cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra và chăm sóc vết thương, giúp vết thương được kiểm soát tốt hơn, tránh nguy cơ nhiễm trùng và tổn thương lan rộng. Ngoài ra, việc khám sức khỏe định kỳ là vô cùng cần thiết để tầm soát và phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm, ngăn nguy cơ dẫn đến những biến chứng nặng nề.