Suy thận, tổn thương gan do sốt rét “nhập cảnh”, cảnh báo nguy cơ lây muỗi truyền bệnh

Chủ Nhật, 05/06/2022, 09:54

Từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, Việt Nam tiếp nhận 4 ca sốt rét “nhập cảnh” từ châu Phi về, trong đó có ca đã bị suy thận, suy gan do đến viện muộn. Tại phía Bắc, bệnh sốt rét đã không xuất hiện nhiều năm, nhưng ở một số địa phương phía Nam, sốt rét vẫn lưu hành và thường nhiều vào đầu và cuối mùa mưa, khi muỗi Anopheles phát triển.

Sốt rét là bệnh truyền nhiễm, lây từ người bệnh sang người lành qua muỗi nên phải hết sức thận trọng, đặc biệt là sốt rét có thể trở thành sốt rét ác tính gây tử vong.

Du học sinh mắc sốt rét ác tính từ châu Phi về

Ngày 4/6, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh viện đang điều trị cho 2 ca sốt rét ác tính nhập cảnh từ châu Phi về. Ca bệnh đầu tiên là nữ du học sinh 24 tuổi, trú tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh nhập cảnh từ Cameroon. Sau khi về nước, du học sinh này bị sốt, đến ngày thứ 6 được xét nghiệm máu và phát hiện ký sinh trùng sốt rét. Bệnh nhân lập tức được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Thời điểm vào nhập viện, nữ du học sinh đã hôn mê, vàng da, mật độ ký sinh trùng sốt rét cao, thiếu máu và nước tiểu có màu nâu đỏ.

Ca bệnh thứ hai là nam bệnh nhân 63 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, nhập cảnh từ Bờ Biển Ngà đến sân bay Tân Sơn Nhất. Bệnh nhân sốt trên đường di chuyển, khi tới sân bay đã được công ty đưa vào một bệnh viện xét nghiệm, có dương tính với sốt rét. Qua xét nghiệm cho thấy nam bệnh nhân mắc sốt rét ác tính với mật độ ký sinh trùng cao, suy thận, tổn thương gan, nhiễm toan acit lactic.

sốt rét.jpg -0
Bác sĩ Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai khám cho bệnh nhân sốt rét.

Theo TS.BS Hồ Đặng Trung Nghĩa, Trưởng khoa Nhiễm Việt - Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, cả 2 bệnh nhân được điều trị tại khoa chăm sóc tích cực với thuốc đặc trị sốt rét và phối hợp nhiều phương tiện điều trị hỗ trợ. Sốt rét ác tính là bệnh cảnh nặng có suy nội tạng, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Nếu bệnh nhân vào viện sớm, xử trí kịp thời, tỷ lệ cứu sống, hồi phục cao. Nhưng nhiều bệnh nhân do không biết mắc sốt rét, dễ nhầm lẫn sang bệnh khác dẫn tới đến viện muộn.

Trước đó, vào cuối tháng 5, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận 2 bệnh nhân mắc sốt rét đều nhập cảnh từ Angola về, trong đó có trường hợp đang mang thai 6 tháng chị N.T.H (32 tuổi, Hà Nội). Chị H đi lao động tại Angola được 8 năm và đã từng bị sốt rét vào năm 2021, lần này trở về từ Angola được 1 tuần. Trước khi vào viện 3 ngày, chị sốt cao rét run thành cơn, chủ yếu sốt về chiều tối. Sau cơn sốt vã mồ hôi nhiều, kèm nôn, buồn nôn, đau đầu nhiều, chị đã được Viện Sốt rét-ký sinh trùng-côn trùng Trung ương làm xét nghiệm và chẩn đoán là sốt rét. Do có thai và kèm bệnh lý hạ tiểu cầu cần theo dõi nên chị H được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.

Cả 2 bệnh nhân đã bị sốt ngay sau khi về Việt Nam nhưng y tế địa phương không để ý yếu tố dịch tễ là đi từ châu Phi về nên đã bỏ sót, không phát hiện ra bệnh.

Không thể chủ quan

Sốt rét vẫn là bệnh nằm trong chương trình phòng, chống quốc gia, thuốc điều trị gồm Artesunate, Arterakin và được Bộ Y tế cung cấp theo chương trình miễn phí. Những năm gần đây, ca mắc sốt rét ngày càng giảm, ca bệnh nặng và tử vong cũng ít đi. Tuy nhiên, tại khu vực phía Nam như một số tỉnh Tây Nguyên, Lâm Đồng, Bình Phước vẫn ghi nhận ca bệnh. Theo nhận định của các bác sĩ, do bệnh sốt rét ngày càng ít gặp nên các ca bệnh đến viện thường muộn. Các triệu chứng sốt rét không điển hình rầm rộ nên dễ gây nhầm với các bệnh khác như cảm cúm, COVID-19, sốt xuất huyết hay nhiễm trùng tiết niệu…

Tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh gần đây thường gặp các ca bệnh sốt rét nhập cảnh từ châu Phi về. PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp sốt rét trở thành ác tính với triệu chứng sốt cao liên tục, có thể đi vào hôn mê sau 3-5 ngày, nguy hiểm đến tính mạng. Kèm theo hôn mê là suy đa phủ tạng (gan, thận, phổi,..) hoặc thiếu máu, co giật, hạ đường huyết. Tuy nguy hiểm song sốt rét nếu được điều trị kịp thời, đúng thuốc và thuốc tốt thì các chức năng sẽ dần hồi phục”.

Theo các bác sĩ, khi người bệnh có biểu hiện rối loạn ý thức, sốt cao liên tục, đau đầu dữ dội, tiêu chảy nhiều... là dấu hiệu tiền ác tính. Tỷ lệ tử vong do sốt rét ác tính thể não gây ra là từ 20 - 50%. Do vậy, theo khuyến cáo của PGS.TS Đỗ Duy Cường, người dân trở về từ nước có sốt rét cần được khám sàng lọc, điều tra dịch tễ và xét nghiệm ngay xem trong máu có ký sinh trùng sốt rét hay không và cần khai báo y tế với cơ quan chức nă ng. Khi có biểu hiện sốt cần đi khám ngay để tránh nhầm lẫn và bỏ sót, bởi sốt rét có thể trở thành sốt rét ác tính và nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài ra, người đi về từ vùng lưu hành sốt rét như Bình Phước, các tỉnh vùng Tây Nguyên, Lào, Campuchia, người trước đó có truyền máu hoặc có mắc sốt rét gần đây, nếu sốt thì nên đến các cơ sở y tế khám bệnh, xét nghiệm chẩn đoán sốt rét. Hiện nay, bệnh sốt rét có thể chẩn đoán dễ dàng bằng xét nghiệm phết máu và test nhanh.

Hiện nay, ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc điều trị có nguy cơ lan rộng; muỗi truyền bệnh sốt rét lưu hành ở nhiều nơi và đã kháng một số hóa chất diệt muỗi, làm giảm hiệu quả của các biện pháp phòng bệnh sốt rét. Các địa phương có bệnh sốt rét lưu hành, đặc biệt là các vùng trọng điểm về sốt rét và sốt rét kháng thuốc, chính quyền các cấp và ngành y tế địa phương cần tích cực phòng, chống bệnh sốt rét, tuyên truyền người dân sử dụng các biện pháp bảo vệ cá nhân (ngủ màn tẩm hóa chất, dùng kem xua muỗi...). Khi phát hiện ổ bệnh phải xử lý ngay nhằm ngăn chặn và cắt đứt nguồn lây nhiễm ra cộng đồng.

Trần Hằng
.
.
.