Sốt xuất huyết tăng mạnh

Chủ Nhật, 12/06/2022, 08:27

Sốt xuất huyết đang tăng rất mạnh tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Theo Bộ Y tế, từ đầu năm tới nay, nước ta ghi nhận 43.600 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 22 trường hợp tử vong, nhiều người phải nhập viện vì rất nặng. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 53%, tử vong tăng 17 trường hợp.

Dự báo của các chuyên gia, theo chù kỳ 5 năm một lần, năm 2022 sẽ là đỉnh dịch của sốt xuất huyết. Bộ Y tế cảnh báo, hiện đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, dự báo dịch sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới và có thể bùng phát trên diện rộng.

TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang căng mình chống dịch sốt xuất huyết khi số ca mắc đang tăng cao, số nhập viện và tử vong nhiều. Tại TP Hồ Chí Minh chỉ trong 1 tuần cuối tháng 5, đầu tháng 7 đã xuất hiện 111 ổ dịch sốt xuất huyết ở 79 phường, xã thuộc 20/22 quận, huyện. Theo cảnh báo của CDC TP thì từ nay đến cuối năm, có thể xảy ra dịch sốt xuất huyết. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm, TP đã ghi nhận 11.722 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 66,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số ca nặng là 209 ca, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Sốt xuất huyết tăng mạnh -0
Diệt muỗi, loăng quăng để ngăn chặn sốt xuất huyết.

Điều đặc biệt sốt xuất huyết ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có nhiều trẻ em bị nặng phải nhập viện trong tình trạng thở máy, lọc máu. Nguyên nhân là do cha mẹ tưởng con sốt do viêm họng hoặc bị COVID-19, nên đến viện muộn. Theo Ths.BS Lê Phan Kim Thoa, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, có nhiều trẻ bị trì hoãn việc đi khám vì phụ huynh tự chẩn đoán bệnh cho trẻ. Có trường hợp trẻ sốt cao, người thân nghi ngờ bị COVID-19 nên tự cách ly tại nhà hoặc có những bé bị sốt sau tiêm phòng COVID-19 lại tưởng là sốt do tiêm mà không đến bệnh viện sớm. Cá biệt, đã có trường hợp nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết với sốt phát ban nên tự điều trị sai cách. Vì vậy, khi trẻ sốt cao, phụ huynh nên cho con đi thăm khám vì có rất nhiều nguyên nhân gây sốt ở trẻ em.

BS Thoa cũng lưu ý, trẻ bị sốt xuất huyết cần hạn chế vận động mạnh vì có thể gây chấn thương, đặc biệt trong những ngày có thể xảy ra biến chứng như ngày thứ 3 đến thứ 7 của bệnh. Cần chú ý chọn thuốc hạ sốt nhóm Paracetamol, không tự ý dùng thuốc hạ sốt khác mà không có ý kiến của bác sĩ vì có thể gây ra các biến chứng nặng như tổn thương gan, não hay xuất huyết nặng. 

Theo Bộ Y tế, báo cáo của các địa phương cho thấy, so với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc sốt xuất huyết tại nước ta đã tăng 53%, tử vong tăng 17 trường hợp, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam. Đến nay đã có hơn 43.600 ca mắc, 22 người tử vong vì sốt xuất huyết. 22 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh (6), Bình Dương (5), Tây Ninh (3), Đồng Nai (3), Đồng Tháp (1), Sóc Trăng (1), Bạc Liêu (1), Long An (1), Bình Phước (1). Theo cảnh báo của Bộ Y tế, hiện đang là cao điểm mùa dịch, số ca mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, dự báo số mắc thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Tại phía Bắc, số ca mắc sốt xuất huyết cũng bắt đầu tăng từ cuối tháng 5 và đầu tháng 6 do thời tiết mưa nhiều, độ ẩm tăng cao, làm cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Nhi Trung ương; Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn; Bệnh viện Thanh Nhàn… tiếp nhận nhiều ca sốt xuất huyết đến khám, những ca phải điều trị hầu hết đều nặng. 

Trước số ca mắc sốt xuất huyết và tử vong gia tăng, Bộ Y tế yêu cầu các Viện đầu ngành lập ngay các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương phòng chống sốt xuất huyết, đặc biệt là các tỉnh, huyện, vùng nóng ghi nhận số mắc và tử vong do sốt xuất huyết cao để tập trung hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật và hóa chất, vật tư phòng chống sốt xuất huyết.

TH
.
.
.