Sốt xuất huyết ở Hà Nội tiếp tục tăng mạnh

Thứ Hai, 24/10/2022, 16:19

Trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn TP Hà Nội tiếp tục tăng mạnh với 1.420 ca, tăng 386 ca so với tuần trước. Dự báo, tháng 11 và 12 tới sẽ là đỉnh dịch sốt xuất huyết tại miền Bắc.

Ngày 24/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Thủ đô trong tuần qua (tính từ ngày 14 đến 21/10) lại tiếp tục tăng mạnh với 1.420 ca (tăng 386 ca so với tuần trước đó) ở 30 quận, huyện. Đặc biệt, trong tuần qua Thủ đô có thêm 38 ổ dịch mới.  

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 8.199 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 5 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã và 517/579 xã, phường, thị trấn. 

Cũng từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 720 ổ dịch sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại còn 156 ổ dịch đang hoạt động tại 25 quận, huyện.

Sốt xuất huyết ở Hà Nội tiếp tục tăng mạnh -0
Nhiều ca sốt xuất huyết nặng phải nhập Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.

Theo Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, trong 20 ngày tháng 10, bệnh nhân sốt xuất huyết có chỉ định phải nhập viện tăng vọt, lên tới 250 ca. Các bệnh nhân đến chủ yếu từ các quận, huyện như Đan Phượng, Thường Tín, Hoài Đức, Long Biên…, sau đó lan vào các quận như Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai…

Đặc biệt, nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết hết sốt “tưởng khỏi”, không ngờ sau đó nhập viện vì biến chứng. Nhiều người khi bị sốt thì nghĩ là do COVID-19, cúm hoặc một số bệnh khác, không nghĩ mình mắc sốt xuất huyết. Chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5, lúc đó máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ quá thì mới đến bệnh viện. Khi đó, bệnh nhân phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử. Một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng, men gan tăng, suy gan, suy thận. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã ghi nhận bệnh nhân suy đa tạng phải lọc máu.

Để chẩn đoán chính xác bệnh nhân sốt xuất huyết cũng như mức độ giảm tiểu cầu, theo các bác sĩ, người bệnh cần làm xét nghiệm máu. Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình từ 150-450G/L. Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50G/L, mức nghiêm trọng là 10-20G/L. 

Trần Hằng
.
.
.