Số F0 liên tục tăng, Hà Nội chống dịch ra sao?

Chủ Nhật, 28/11/2021, 08:59

Sau hơn một tháng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, số ca mắc COVID-19 của Hà Nội tăng cao. Trong 11 ngày liên tiếp, Thủ đô đều vượt mốc trên 200 ca bệnh mỗi ngày, trong đó một nửa là ca mắc cộng đồng; có nhiều ổ dịch phức tạp, lây lan nhanh.

Hà Nội đã xây dựng kịch bản như thế nào để thích ứng linh hoạt, an toàn, ứng phó với diễn biến dịch phức tạp hơn nữa trong thời gian tới. Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với BS Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội xung quanh vấn đề này.         

PV: Xin ông cho biết tình hình dịch COVID-19 của Hà Nội hiện nay và dự báo nguy cơ trong thời gian tới?

BS Khổng Minh Tuấn: Trong hơn một tháng qua, số ca bệnh COVID-19 tại Hà Nội có sự gia tăng liên tục sau mỗi tuần. Cụ thể, trong tuần 44, số ca mắc trung bình là 33,6 ca/ngày; tuần 45, số ca mắc trung bình là 85,1 ca/ngày (tăng 2,5 lần so với tuần 44); tuần 46, số ca mắc trung bình là 148,7 ca/ngày (tăng 1,7 lần so với tuần 45); tuần 47, số ca mắc trung bình là 240,5 ca/ngày (tăng 1,6 lần so với tuần 46). Đặc biệt trong 11 ngày gần đây, số ca mắc mới đều vượt mốc trên 200 ca bệnh mỗi ngày, có ngày lên tới gần 300 ca, phân bố hầu hết ở 30 quận, huyện của thành phố.

Trước đây, tỷ lệ mắc ở trẻ em dưới 18 tuổi thường dưới 10%, tỷ lệ mắc tập trung chủ yếu ở độ tuổi lao động do có sự di chuyển và giao lưu nhiều. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ mắc trên đối tượng trẻ em dưới 18 tuổi đã tăng lên trên 20% so với tổng số ca mắc mới.

 Dự báo từ nay đến trước, trong và sau Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2022, tình hình dịch bệnh COVID-19 sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp, số ca mắc mới có thể còn gia tăng. Việc gia tăng số ca mắc COVI-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội sau khi thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh theo Nghị quyết 128 của Chính phủ đã được dự báo từ trước. Vì vậy, mặc dù số mắc mới có gia tăng, nhiều chùm ca bệnh có diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

PV: Trong 11 ngày qua, số ca mắc của Thủ đô liên tục trên 200 ca/ngày, có ngày gần 300 ca, với nhiều chùm ca bệnh phức tạp, lây lan nhanh. Ông đánh giá thế nào về các ổ dịch hiện nay và nguy cơ phát sinh thêm các ổ dịch mới?

BS Khổng Minh Tuấn: Trên địa bàn thành phố đang có 12 chùm ca bệnh có diễn biến phức tạp, trong đó có 6 chùm ca bệnh có số mắc cao từ 100 - 300 ca (chùm ca bệnh tại Phú Đô, Nam Từ Liêm; chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm; La Thành, Giảng Võ, Ba Đình; Trần Duy Hưng, Cầu Giấy; Khu công nghiệp Đài Tư, Long Biên; Yên Nội, Đồng Quang, Quốc Oai).

Chùm ca bệnh có diễn biến phức tạp và có số mắc cao nhất là chùm ca bệnh tại Phú Đô, Nam Từ Liêm, với 315 ca, trong đó tại Phú Đô là 270 ca, 45 ca liên quan đến chùm ca bệnh này có địa chỉ tại 12 quận, huyện khác. Chùm ca bệnh này diễn ra từ ngày 9/11, đến nay đã qua 16 ngày nhưng vẫn tiếp tục ghi nhận ca mắc mới trong khu phong tỏa.

Tiếp đến là chùm ca bệnh tại chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm. Chùm ca bệnh này cho đến nay đã kéo dài 25 ngày, với 306 ca mắc tại 10 quận, huyện, trong đó huyện Gia Lâm có 243 ca. Sau 21 ngày phong tỏa toàn xã, đến nay còn 2/9 thôn của xã vẫn tiếp tục phải phong tỏa chặt. Nguyên nhân xuất hiện các chùm ca bệnh có diễn biến phức tạp, kéo dài là do phát hiện muộn và công tác khoanh vùng không chặt chẽ. Nhiều người khi xuất hiện triệu chứng hoặc có yếu tố dịch tễ đã không kịp thời khai báo, tự mua thuốc ho, sốt để uống, chỉ khi có diễn biến bệnh tăng lên mới đi xét nghiệm và khi xác định dương tính với SARS-CoV2 thì đã tiếp xúc, lây nhiễm cho nhiều người.

Bên cạnh đó, tại các khu phong tỏa, người dân chưa chấp hành tốt việc cách ly người với người, nhà với nhà, nghĩa là vẫn có sự giao tiếp giữa các hộ liền kề. Ngoài ra, còn yếu tố khách quan nữa đó là một số khu dân cư có chùm ca bệnh có mật độ dân cư đông, nhà cửa chật chội, khả năng tiếp xúc và lây nhiễm cao, ví dụ như chùm ca bệnh phường Giảng Võ, Ba Đình hiện nay.

Số F0 liên tục tăng, Hà Nội chống dịch ra sao? -0
BS Khổng Minh Tuấn.

PV: Mỗi ngày Hà Nội phát hiện trên 100 ca bệnh cộng đồng, theo ông đâu là nguyên nhân?

BS Khổng Minh Tuấn: Hiện nay, do việc tiêm vaccine đã được bao phủ, vì vậy nhiều người có tư tưởng chủ quan, không thực hiện 5K trong sinh hoạt và giao tiếp cùng với sự nới lỏng các hoạt động đã dẫn tới sự gia tăng ca mắc mới trong cộng đồng. Chính vì vậy để phòng, chống dịch bệnh cho cá nhân, mỗi người dân cần thực hiện tốt phương châm phòng, chống dịch là vaccine + 5K. Khi có bất kỳ một triệu chứng nào của bệnh, hoặc khi có yếu tố tiếp xúc với nguồn bệnh phải khai báo y tế để được tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm nhất các ca bệnh.

PV: Mỗi ngày, Hà Nội ghi nhận trên 200 ca F0 có gây áp lực cho hệ thống điều trị hay không? Nếu số ca mắc mới ở Thủ đô tiếp tục tăng cao, TP có cho triển khai điều trị F0 nhẹ, không triệu chứng ở nhà hay không?

BS Khổng Minh Tuấn: Việc tiếp nhận điều trị F0 ở Hà Nội vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Hà Nội đã có phương án đáp ứng điều trị cho 100.000 bệnh nhân. Hiện nay, số ca mắc của thành phố mới đang có gần 10.000 bệnh nhân (1/10 khả năng) đang phải điều trị tại các cơ sở điều trị tập trung. Vì vậy, trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục điều trị F0 tập trung.

PV: Có ý kiến cho rằng Hà Nội không nên lạm dụng xét nghiệm gộp mẫu và phải tuân thủ đúng quy trình xét nghiệm để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo. Với tình hình dịch tại Thủ đô hiện nay, xin ông cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?

BS Khổng Minh Tuấn: Xét nghiệm gộp là chỉ đạo chung của Bộ Y tế nhằm giảm chi phí. Khi xét nghiệm gộp phải thực hiện đúng quy trình và không để xảy ra sai sót, tránh lây nhiễm chéo.

PV: Với tỷ lệ tiêm vaccine của Hà Nội như hiện nay, xin ông cho biết, biện pháp phong tỏa của TP có gì thay đổi hay không? Hà Nội bắt đầu triển khai tiêm vaccine cho trẻ em, kết quả bước đầu thế nào, thưa ông?

BS Khổng Minh Tuấn: Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục nới lỏng thêm các hoạt động khi điều kiện cho phép để phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Đối với công tác khoanh vùng cách ly y tế, khi có các chùm ca bệnh tại cộng đồng sẽ được thực hiện theo phương châm hẹp nhất, an toàn, nguy cơ đến đâu phong tỏa đến đó.

Hà Nội bắt đầu triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ ngày 23/11, đến hết ngày 25/11, TP đã tiêm được 235.199 mũi vaccine/310.040 trẻ (75,86%) từ 15-17 tuổi tại 30 quận/huyện/thị xã. TP tiếp tục tiêm vét để 100% trẻ ở lứa tuổi này đủ điều kiện được tiêm mũi 1. Từ ngày 27/11, Thủ đô triển khai tiêm cho trẻ 14 tuổi (khối lớp 9).

PV: Hà Nội đang triển khai cách ly F1 tại nhà (trừ 4 quận nội thành), công tác kiểm tra, giám sát ra sao để không lây nhiễm chéo ra người thân và cộng đồng, thưa ông?

BS Khổng Minh Tuấn: Bộ Y tế đã có Công văn số 5599/BYT-CMT hướng dẫn về cách ly y tế F1 tại nhà. Đối tượng theo công văn này ngoài F1, còn có người ở cùng nhà với F1 được cách ly cùng với F1 tại nhà và người trực tiếp chăm sóc, hỗ trợ F1 được cách ly cùng với F1 tại nhà. Để được cách ly tại nhà, F1 phải có nhà ở riêng lẻ hoặc căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư. Phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Khuyến khích lắp camera để giám sát người cách ly.

F1 phải chấp hành nghiêm các quy định về thời gian cách ly y tế tại nhà; có cam kết với chính quyền địa phương; không ra khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly; không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như những người khác; không tiếp xúc với động vật nuôi. Luôn thực hiện thông điệp “5K” và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Cài đặt, bật và khai báo y tế hằng ngày trên ứng dụng VHD hoặc Bluezone trong suốt thời gian cách ly.

Để chống lây nhiễm chéo, yêu cầu đối với ở cùng nhà với F1 là không để người già, người có bệnh nền cần chăm sóc y tế ở cùng nhà với người cách ly. Không tiếp xúc với người cách ly, hạn chế đi ra ngoài khi không cần thiết, thực hiện thông điệp “5K” và phải ghi chép đầy đủ các mốc tiếp xúc trong thời gian có người cách ly tại nhà.

UBND xã, phường, tổ COVID-19 cộng đồng tổ chức quản lý, giám sát nghiêm việc cách ly y tế tại nhà, không để người được cách ly đi ra khỏi phòng cách ly; giám sát y tế đối với người cách ly trong thời gian cách ly và sau khi kết thúc cách ly. Chúng ta đã có Luật rồi, nếu F1 cách ly tại nhà mà không tuân thủ, đi ra ngoài, làm lây lan dịch bệnh thì sẽ bị xử phạt, thậm chí xử lý hình sự.

PV: Thưa ông, để thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, Hà Nội cần có biện pháp gì trong thời gian tới để giảm ca mắc, giảm người bệnh nặng, giảm tử vong? Ông có khuyến cáo gì với người dân trong tình hình hiện nay?

BS Khổng Minh Tuấn: Thời gian tới là dịp cuối năm, các hoạt động giao lưu kinh tế sẽ mở rộng hơn, các sự kiện tập trung đông người như các hội nghị tổng kết năm trong các đơn vị, các hoạt động hiếu hỷ của người dân, sự đi lại của người dân, việc mở lại các đường bay quốc tế, điều kiện thuận lợi của thời tiết, dự báo số ca mắc mới COVID-19 sẽ tiếp tục gia tăng và có diễn biến phức tạp.

Ngành Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục các hoạt động giám sát chủ động phát hiện sớm ca mắc mới trong cộng đồng thông qua công tác giám sát trọng điểm, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại các khu vực nguy cơ cao, người có nguy cơ để kịp thời khoanh vùng, dập dịch có hiệu quả.

Cùng với đó, Hà Nội sẽ tiếp tục công tác tiêm vaccine COVID-19 đảm bảo 100% người dân trên 18 tuổi đủ điều kiện được tiêm đủ 2 mũi vaccine, 100% trẻ từ 12-17 tuổi đủ điều kiện được tiêm mũi 1 và mũi 2 khi đủ thời gian. Thủ đô thực hiện an toàn công tác cách ly F1 tại nhà, tránh lây nhiễm ra cộng đồng. Tổ chức công tác thu dung điều trị F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ tại y tế cơ sở thông qua các trạm y tế lưu động. Đối với người dân thì cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch theo tinh thần vaccine + 5K; hạn chế tham dự các sự kiện đông người không cần thiết, nếu cần thiết phải tham dự cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trần Hằng (thực hiện) 
.
.
.