Số ca nhiễm COVID-19 nặng tăng nhanh nhưng ít người tiêm mũi 3, 4
Một tháng trở lại đây, số ca nhiễm COVID-19 phải nhập viện tăng hơn so với thời điểm trước. Ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân nặng từ các tỉnh chuyển về có xu hướng tăng hơn nhiều so với trước đây. 3 biến thể phụ mới của Omicron đã xuất hiện trong cộng đồng, tỷ lệ tiêm vaccine phòng mũi 3, 4 vẫn chưa cao, nhiều người kháng thể suy giảm, dẫn tới phải gia tăng nhập viện.
Ông Nguyễn Quốc Hùng (68 tuổi, Hà Nội) đang mắc COVID-19 chia sẻ: “Tôi có bệnh nền suy thận, đã tiêm mũi 3 cách đây 4 tháng, chưa kịp tiêm mũi 4 thì phát hiện dương tính. Tôi sốt cao, mệt mỏi, Spo2 luôn ở mức 95-96 nên phải nhập viện. Tôi khá lo lắng, nếu tiêm vaccine mũi 4 rồi thì yên tâm hơn”.
Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong 1-2 tuần gần đây số bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng của các tỉnh chuyển về bệnh viện có xu hướng tăng. Hiện Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện gần kín hết giường bệnh. Tại Khoa Virus – Ký sinh trùng, bệnh nhân nhập viện cũng tăng hơn so với trước.
Kể từ khi bình thường mới, hoạt động khám chữa bệnh của cơ sở 2 Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trở về thường quy, tuy nhiên, bệnh viện đã thiết lập đơn nguyên điều trị bệnh nhân COVID-19 riêng biệt dành cho bệnh nhân nặng với 70 giường. Còn bệnh nhân trung bình đến nặng chuyển sang Khoa Virus - Ký sinh trùng.
Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, hiện khoa đang điều trị cho 25 bệnh nhân. Trong số này có 13 bệnh nhân phải thở máy, số còn lại phải thở oxy mask hoặc HFNC. Bệnh nhân hầu hết lớn tuổi hoặc mang nhiều bệnh nền như phổi tắc nghẽn mãn tính, suy giảm miễn dịch như HIV, huyết học, bệnh tim mạch, ung thư…
Theo chuyên gia này, các trường hợp nhiễm COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện hầu hết là những người không tiêm vaccine dẫn tới diễn biến nặng cao hơn. Các trường hợp tiêm vaccine khá xa cũng có nguy cơ diễn biến nặng cao hơn chút. Một số người có khả năng đề kháng hạn chế thì khả năng miễn dịch khi tiêm vaccine không cao dẫn tới dễ tái nhiễm.
Theo BS Cấp, thông thường các trường hợp phải nhập viện do COVID-19 là bệnh nhân lớn tuổi có nhiều bệnh lý nền. Tuy nhiên, đã có người không quá cao tuổi, không có bệnh nền mà bệnh cũng tiến triển khá nặng.
Tại Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân vào nhập viện có người trẻ mắc bệnh lý nền. Các ca nhập viện hầu hết đều tiêm 1-2 mũi vaccine, rất ít người tiêm mũi nhắc lại.
BS Phạm Văn Phúc cho rằng, việc gia tăng ca COVID-19 chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có thể do một số nguyên nhân. Thứ nhất, các đơn nguyên điều trị COVID-19 ở tuyến tỉnh có xu hướng đóng cửa nên các trường hợp nhiễm COVID-19 nặng sẽ chuyển tiếp lên tuyến trên. Thứ hai, do thời gian tiêm vaccine mũi 3 khoảng 6 tháng nên hiệu lực vaccine thấp, bệnh nhân dễ mắc trở lại, khi mắc sẽ nặng hơn. Do đó, việc tiêm vaccine mũi 4 rất quan trọng với người có nguy cơ cao, người có bệnh nền.
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 tại nước ta có những diễn biến mới phức tạp, gia tăng số ca mắc với sự xuất hiện của nhiều ca mắc biến chủng mới BA.04, BA.05… Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, đến ngày 25/7, cả nước mới 12.534.521 mũi bổ sung, 47.598.516 mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) và 8.057.707 mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4). Đặc biệt, tỷ lệ tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 11.298.970 liều, trong đó mũi 1 là 7.537.967 liều; mũi 2 là 3.761.003 liều. Theo Bộ Y tế, tốc độ tiêm ở lứa tuổi này còn rất chậm.
Theo lo ngại của các chuyên gia dịch tễ, sự xuất hiện biến thể phụ mới của Omicron là BA.2.12.1 tại cộng đồng Việt Nam sẽ khiến dịch bệnh có những diễn biến phức tạp. BA.2.12.1 có một sự biến đổi gene ở phần protein gai của virus để bám vào tế bào người khi lây nhiễm. Nghiên cứu ban đầu chỉ ra rằng, BA.2.12.1 có khả năng gây lây nhiễm cao hơn 25% so với Omicron "tàng hình" BA.2. Trong khi đó, Omicron "tàng hình" BA.2 đã có khả năng lây nhiễm cao hơn chủng gốc Omicron đến 50%.
Theo BSCKII Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn, người đã mắc COVID-19 biến thể Delta có thể tái nhiễm với biến thể Omicron; hoặc đã mắc biến thể Omicron nhưng có thể tái nhiễm các tuyp khác nhau của biến thể này. Do đó, việc tiêm vaccine mũi nhắc lại là vô cùng cần thiết để tạo kháng thể đủ, khi mắc bệnh sẽ nhẹ hơn.
Để phòng các biến thể phụ của Omircon xuất hiện trong cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tập trung truyền thông và tiêm chủng cho các đối tượng, đặc biệt cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, lưu ý các trẻ có nguy cơ cao, trẻ sống ở khu vực có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp.