Ngày Phòng, chống viêm gan thế giới 28/7:

“Sát thủ thầm lặng” dẫn đến ung thư gan

Thứ Hai, 25/07/2022, 06:20

Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người nhiễm virus viêm gan B và C cao trong khu vực, đáng chú ý là có 90% người bệnh không biết về tình trạng của mình, nhiều người tới viện đã ở giai đoạn muộn, gan bị xơ nặng, thậm chí ung thư gan.

Thực trạng đáng buồn là có nhiều thế hệ trong gia đình mắc viêm gan B, chỉ khi thấy người thân lần lượt ra đi vì ung thư gan thì các thành viên mới đi khám. Viêm gan đã trở thành nguyên nhân đứng thứ 3 gây tử vong ở Việt Nam với gánh nặng bệnh tật rất lớn.

img_0609.jpg -0
Xét nghiệm máu để tầm soát viêm gan B.

Nhiều thế hệ trong gia đình mắc viêm gan

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là nơi điều trị cho người mắc viêm gan lớn nhất ở phía Bắc. Nhiều người có tiền sử nghiện rượu lâu năm, không đi khám bệnh định kỳ, tới khi thấy cơ thể mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, bụng chướng mới tới khám thì đã mắc viêm gan ở giai đoạn nặng. Đa phần người bệnh đến bệnh viện khám trong tình trạng muộn, đã chuyển sang gia đoạn xơ gan và ung thư gan. Một nữ bệnh nhân 45 tuổi đến khám tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương buồn rầu chia sẻ, em gái của chị đã mất vì ung thư gan. Sau khi làm xét nghiệm và thăm khám kỹ lưỡng, bác sĩ xác định chị mắc viêm gan B, đồng thời có u gan 2cm. Do phát hiện sớm, điều trị sớm nên tiên lượng của bệnh nhân khá tốt. Khi điều tra tiền sử bệnh tật của gia đình bệnh nhân này, bác sĩ phát hiện con, cháu của chị đều mắc viêm gan B, trong đó có 2 người trẻ bị u gan. Các thế hệ trước trong gia đình bệnh nhân này có tuổi thọ thấp, trung bình 40-45 tuổi, người thọ nhất là 65 tuổi.

BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) cho biết, đây không phải là trường hợp hiếm, mà qua thăm khám, có thực trạng đáng buồn là nhiều thế hệ trong gia đình mắc viêm gan B, hoặc gia đình vừa mắc viêm gan, vừa có u gan. Chỉ đến khi thấy người thân lần lượt ra đi vì ung thư gan thì các thành viên khác mới đi khám. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp bệnh nhân bị u gan khi mới 20-25 tuổi. Điều này cảnh báo thực trạng bệnh viêm gan B tiềm ẩn trong cộng đồng và vẫn đang là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng tại Việt Nam. Theo ước tính, Việt Nam có gần 10 triệu người mắc virus viêm gan B và C. Mặc dù hiện nay đã có vaccine phòng bệnh viêm gan B và những khuyến cáo phòng tránh lây truyền của ngành Y tế, song con số mắc mới vẫn cao, nhiều người còn chủ quan, thờ ơ với bệnh.

Phòng tránh bằng tiêm vaccine và tiêm nhắc lại

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viêm gan virus thường diễn biến thầm lặng, có tới 90% người nhiễm không biết về tình trạng nhiễm virus của bản thân, vì thế khi phát hiện ra thường đã ở giai đoạn muộn, khi đã viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan. Điều đáng nói là 80% các trường hợp ung thư gan là do nhiễm virus viêm gan B, C gây ra. Viêm gan siêu vi B là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thư gan. Mỗi năm nước ta ghi nhận khoảng 8 triệu người đang trong tình trạng viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan; 22.000 người tử vong vì ung thư gan. Thực trạng đáng báo động là như thế nhưng chỉ có khoảng trên dưới 1/10 số người mắc viêm gan B thực sự được chăm sóc y tế, còn lại vẫn cho rằng bệnh có thể điều trị khỏi hoặc tự dùng các thuốc Nam mách bảo nhau, khi biến chứng nặng mới nhập viện làm mất đi cơ hội điều trị.

Bệnh viêm gan được coi là “sát thủ thầm lặng” với các triệu chứng rất kín đáo, khó phát hiện nếu không xét nghiệm máu. Khi bị nhiễm virus viêm gan, người bệnh có thể bị tiến triển nhanh tới viêm gan cấp và suy gan, có thể viêm mạn tính và dẫn đến xơ gan, ung thư gan.

Thế giới đang dồn sức phòng, chống viêm gan, phát hiện sớm và chữa sớm bệnh với mục tiêu đến năm 2030 thanh toán viêm gan virus trên toàn cầu. Tại Việt Nam để giảm ca mắc mới, giảm tử vong do viêm gan, theo các bác sĩ, việc triển khai tiêm phòng viêm gan B phải đảm bảo bao phủ được tất cả các trẻ sơ sinh. Những bà mẹ đã bị viêm gan B, C mạn cần phải được giám sát chặt giai đoạn mang thai để điều trị và kiểm soát đường lây truyền bệnh từ mẹ sang con hiệu quả. Phụ nữ đang trong tuổi sinh nở, mang thai càng cần tiêm chủng, xét nghiệm sàng lọc viêm gan B trước khi có thai. Nếu xác định viêm gan B, sản phụ sẽ được điều trị bằng thuốc kháng virus sau 24 tuần đầu, em bé sinh ra được tiêm huyết thanh và vaccine ngừa viêm gan B.

Với các bệnh nhân đã bị mắc viêm gan mạn cần xây dựng mạng lưới kiểm soát quản lý người bệnh tương tự như quản lý các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp để làm giảm nguy cơ tiến triển thành xơ gan và ung thư gan...

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã chuyển giao kỹ thuật đưa chương trình phòng, chống viêm gan B xuống cơ sở. Tuy nhiên, quan trọng nhất là ý thức của người dân. Người dân phải khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc viêm gan B và C bằng xét nghiệm máu, không uống rượu… thì việc phòng chống viêm gan mới đạt hiệu quả.

Theo BS Huyền, bệnh viêm gan B tiến triển thầm lặng, có thể làm xuất hiện các khối u gan sớm. Dịch tễ viêm gan B của Việt Nam rất cao, đây cũng là căn nguyên hàng đầu gây ung thư khiến cho tỷ lệ ung thư gan tại Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới và thứ 2 trong khu vực châu Á. Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe.

Đặc biệt, nếu chưa mắc bệnh, mọi người hãy tiêm vaccine phòng viêm gan B và kiểm tra lượng kháng thể viêm gan B sau tiêm, nếu kháng thể không đủ thì tiêm mũi nhắc lại sau mỗi 5-10 năm kể từ mũi trước đó. Nếu đã mắc bệnh, mọi người cần khám định kỳ 6 tháng một lần, tuân thủ đơn điều trị bằng thuốc kháng virus, tầm soát ung thư gan thường xuyên.

Trần Hằng
.
.
.