Sẵn sàng kịch bản ứng phó khi có biến chủng mới nguy hiểm

Thứ Năm, 10/03/2022, 08:10

Biến chủng Omicron đã lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam, dần thay thế biến chủng Delta. Tại Hà Nội, biến chủng Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện, thị xã; trong đó biến chủng BA.2 chiếm tới 87% tổng số mẫu phát hiện nhiễm biến chủng Omicron.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh sáng 9/3 đã thông tin, có đến 43/67 ca nhiễm COVID-19 chủng Omicron thuộc biến thể BA.2. Số ca mắc mới COVID-19 của Việt Nam không ngừng gia tăng, trung bình trong 7 ngày qua ghi nhận hơn 134.000 ca/ngày. Ứng phó về y tế của Việt Nam như thế nào trước sự bùng phát của biến chủng mới?

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong thời gian gần đây ghi nhận số mắc mới có gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố, nhưng tỷ lệ tử vong/mắc trên phạm vi toàn quốc giảm mạnh do tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, nhất là đối tượng nguy cơ cao đã được quản lý, chăm sóc đầy đủ, kịp thời.

Tuy vậy, biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh và dần chiếm ưu thế trong thời gian gần đây, thay thế dần biến thể Delta ở nhiều tỉnh, thành phố. Tổ chức Y tế Thế giới và các nhà khoa học nhận định dịch COVID-19 chưa thể được kiểm soát trong năm 2022, có thể xuất hiện các chủng mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường, số ca nhiễm vẫn có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vaccine nếu loại bỏ các biện pháp phòng, chống dịch.

Ông cũng cho rằng, thời gian qua, nhiều bài học quý được đúc kết từ thực tiễn phòng, chống dịch; năng lực ứng phó của hệ thống y tế ngày một nâng lên; chiến lược vaccine đã phát huy hiệu quả là điều kiện để thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.

Sẵn sàng kịch bản ứng phó khi có biến chủng mới nguy hiểm -0
Tăng cường phòng, chống dịch, ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron. Ảnh CTV.

“Trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại, mở cửa trở lại hoạt động giáo dục đào tạo trực tiếp, mở cửa du lịch, nhất là thời gian tới Việt Nam nới lỏng cách ly y tế, xóa bỏ các hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên tất cả các phương tiện, lượng khách quốc tế đi, đến Việt Nam sẽ gia tăng mạnh, không tránh khỏi gia tăng nguy cơ lây nhiễm, tiếp tục làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế, đặc biệt tại tuyến cơ sở”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhận định.

Với số ca mắc mới tăng cao như hiện nay, nhiều địa phương đã quá tải hệ thống y tế cơ sở. Nếu F0 chuyển nặng không được theo dõi, phát hiện và chuyển tầng kịp thời, sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong. Theo các chuyên gia, chủng Omicron có triệu chứng nhẹ hơn Delta, hơn 90% F0 nhẹ, nhưng không thể chủ quan mà để lây lan quá nhanh, sẽ gây quá tải hệ thống y tế và tăng tử vong.

Để ứng phó với biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế hiện nay, Việt Nam phải triển khai các giải pháp gì? Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, phải hoàn thiện nghiêm túc Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 năm 2022-2023, trong đó tập trung chủ yếu các nội dung: Bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 và chủ động cung ứng vaccine; kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19; nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.

Sẵn sàng kịch bản ứng phó khi có biến chủng mới nguy hiểm -0
Biến chủng Omicron triệu chứng nhẹ, nhưng người già, người có bệnh nền, chưa tiêm vaccine vẫn chuyển biến nặng phải nhập viện.

Trong giai đoạn hiện nay, cần thực hiện hiệu quả nguyên tắc: 5K+vaccine, thuốc điều trị+công nghệ+ý thức người dân. Rà soát cơ chế cung ứng thuốc kháng virus điều trị COVID-19; sử dụng thuốc điều trị COVID-19 tại nhà theo hướng đơn giản, thuận tiện bảo đảm khoa học và hiệu quả nhất.

Xây dựng phương án ứng phó không để quá tải hệ thống y tế, tập trung quản lý người có nguy cơ cao và người lao động. Trong thời gian tới tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở; lập kế hoạch đầu tư cho nghiên cứu y sinh học, phát triển công nghiệp dược, vaccine, sinh phẩm, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế. Đề xuất có các chính sách thỏa đáng đối với cán bộ y tế và lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch.

Với chủng Omicron, tiêm vaccine làm giảm ca bệnh nặng, giảm tử vong. Vì vậy, mục tiêu thời gian tới phải thần tốc để hoàn thành việc tiêm vaccine mũi 3 cho người từ 18 tuổi (trừ các đối tượng chống chỉ định và chưa tới thời gian tiêm) trong quý I/2022; hoàn thành việc tiêm mũi thứ 2 cho người từ 12-17 tuổi trong tháng 3/2022; chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi; nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4 và trẻ dưới 5 tuổi… Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục triển khai việc mua, nhập khẩu, sử dụng vaccine, thuốc điều trị trong năm 2022, nhất là vaccine dành cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên.

Trần Hằng
.
.
.