Rét đậm, cảnh báo nhiều người bị đột quỵ não
Theo Bệnh viện E, thời tiết chuyển lạnh sâu, mấy ngày vừa qua, Khoa Cấp cứu của bệnh viện liên tiếp tiếp nhận nhiều ca đột quỵ não và các bệnh tim mạch.
Mới 34 tuổi, anh P.T.H (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có tiền sử khoẻ mạnh, vì vậy không nghĩ mình lại bị đột quỵ khi đang chơi thể thao trong tiết trời lạnh. Tối 18/12, anh H được đưa đến bệnh viện trong tình trạng yếu nửa người trái, khó nói…Theo đồng nghiệp của anh H, khi đang chơi bóng bàn tại cơ quan sau giờ làm việc, anh H có biểu hiện yếu nửa người, khó nói. Mọi người đều nghĩ anh bị trúng gió, nhưng thấy tình trạng của anh nặng lên, đã đưa đến Bệnh viện E cấp cứu. Các bác sĩ của Đơn vị đột quỵ và can thiệp mạch máu – Khoa Cấp cứu bệnh viện đã chẩn đoán anh H bị tắc mạch máu não cấp.
Theo bác sĩ, khả năng hồi phục của anh H rất cao do đến viện vào trong “thời gian vàng” sau 25 phút kể từ khi có triệu chứng nên đã được sử dụng thuốc tiêu huyết khối tái thông mạch máu.
Ông P.D.Q (66 tuổi, Lâm Thao, Phú Thọ) đang đi lễ nhà thờ cùng vợ đột ngột xuất hiện mệt mỏi, sau đó liệt hoàn toàn nửa người. Ông được sơ cứu tại chỗ bằng cách chích máu dái tai, một thời gian sau không cải thiện, người nhà vội vã đưa ông tới bệnh viện. Theo bác sĩ, việc sơ cứu như chích máu đầu tay hay chích máu dái tai đã làm chậm trễ việc cấp cứu bệnh nhân đột quỵ.
Cứ mỗi giây trôi qua, có 32.000 tế bào não bị chết nếu không được cung cấp máu và oxy. Cứ mỗi phút trôi qua, sẽ có 1,9 triệu tế bào não bị chết để lại khiếm khuyết thần kinh vô cùng nặng nề. Vì vậy, người dân nên hiểu biết đúng để kịp thời phát hiện các triệu chứng của đột quỵ não và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất một cách an toàn. Hậu quả nặng nề của đột quỵ não ngoài tử vong còn để lại gánh nặng tàn tật.
Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E, thời tiết biến đổi thất thường như những ngày vừa qua khiến người bệnh nhập viện gia tăng đột biến, nhất là các bệnh lý về đột quỵ não và tim mạch. Nhiều người đến viện sớm, từ khi cấp cứu vào viện đến khi được can thiệp thành công chỉ từ 25-30 phút nên đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, nhiều người đến viện muộn, qua giờ vàng, điều trị vô cùng khó khăn và để lại nhiều di chứng, trong đó có tàn tật.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, thời tiết lạnh giảm sâu, người cao tuổi phải hết sức chú ý giữ ấm, không đi ra ngoài trời lạnh đột ngột, nhất là thời điểm sáng sớm, đêm tối. Điển hình là cụ ông 89 tuổi ở Nam Định, trưa 18/12, thời tiết lạnh giảm sâu, cụ có biểu hiện sốt, ho, khó thở, gia đình đưa đi bệnh viện tuyến huyện và được chẩn đoán bệnh lý mạch vành, được chuyển lên Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội. Ngay trong đêm, cụ ông được chuyển đến Bệnh viện E cấp cứu và được chẩn đoán nhồi máu cơ tim. Kết quả men tim của bệnh nhân tăng gấp 30 lần so với ngưỡng thông thường. May mắn, sau hai ngày điều trị, cụ ông dần hồi phục.
Theo BS Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên, để phòng tránh đột quỵ não và tim mạch mùa lạnh, người dân cần tầm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường, thuốc lá, bia rượu, chất kích thích… Đồng thời, trong khoảng thời gian vàng từ dưới 3h - 4,5h đầu sau khi khởi phát đột quỵ, nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện chữa trị kịp thời thì cơ hội sống sót và phục hồi rất cao. Với những người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường,... nếu thấy những đột ngột nói khó, liệt 1/2 người, nhìn mờ 1 bên mắt, liệt nửa mặt… thì gia đình chủ động gọi cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện sớm.
“Việc càng trì hoãn điều trị sớm, trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết, thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong. Do đó, bệnh nhân đột quỵ cần được sớm đưa vào bệnh viện để các bác sĩ cứu chữa trong thời gian vàng này”, BS Yên khuyến cáo.