Rét đậm, cảnh báo nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim

Thứ Hai, 21/02/2022, 08:22

Từ Tết ra đến nay, miền Bắc trải qua đợt rét đậm, số ca nhập viện vì đột quỵ, nhồi máu cơ tim, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở người già và bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ gia tăng.

Theo dự báo, từ ngày 20-23/2, đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất từ mùa đông đến giờ xảy ra ở miền Bắc, đặc biệt là vùng núi phía Bắc, có nơi xuống âm 1-2 độ C, xuất hiện băng giá. Ngoài phòng bệnh COVID-19, người dân còn phải đề phòng đột quỵ, viêm phổi do giá rét, đặc biệt ở người cao tuổi, có bệnh lý nền.

Số ca nhập viện tăng

Ngày 20/2, nhiệt độ Hà Nội giảm xuống thấp nhất 8 độ C, trời mưa rét khiến công tác cấp cứu điều trị cho người cao tuổi ở Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng tất bật hơn. Mỗi ngày Khoa Cấp cứu và Đột quỵ của Bệnh viện tiếp nhận 50 bệnh nhân vào nhập viện. Các trường hợp nhập viện liên quan chủ yếu đến các bệnh lý hô hấp, tim mạch như viêm phổi, tai biến mạch máu não, đột quỵ…

Theo các bác sĩ, một tuần trở lại đây, bệnh nhân nhập viện cấp cứu chủ yếu là viêm phổi mà trong đó thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi nhiễm trùng vào phổi. Nguyên nhân do người cao tuổi vốn đã có nhiều bệnh lý mãn tính, đặc biệt là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, vì trời lạnh, cơ thể không giữ đủ ấm đã bị các đợt bội nhiễm, thúc đẩy các bệnh lý này phát triển.

Rét đậm, cảnh báo nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim -0
Nhiều bệnh nhân nặng điều trị tại Khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương.

Một cụ ông 90 tuổi vào nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao, ho nhiều, người nhà cụ cho biết: “Bố tôi có bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, mấy ngày nay ho nhiều, đêm qua và sáng nay sốt cao, người mệt, gia đình đưa vào đây cấp cứu. Qua chụp X quang cho thấy ông bị viêm phổi”. Hà Nội nhiệt độ giảm sâu, cộng với mưa rét rất dễ khiến người cao tuổi có bệnh lý nền về tim mạch gặp đột quỵ. Từ Tết ra đến nay, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim do trời rét.

Anh Phạm Văn Hùng (Hà Nội) đưa bố vào đây cấp cứu cho biết: “Ông từ ngoài về nhà, vừa ngồi được mấy phút thì ngã xuống đất, chân tay co quắp, gia đình gọi xe cấp cứu đưa ông vào đây”.  Tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E từ Tết ra đến nay, khi nhiệt độ lạnh sâu, số lượng bệnh nhân nhập viện do nhồi máu cơ tim tăng lên gấp đôi. Thường ngày, Khoa tiếp nhận 10 - 15 bệnh nhân/ngày mắc các bệnh lý về tim mạch, trong đó có 2 - 3 ca nhồi máu cơ tim cấp, tuy nhiên tỷ lệ này đã tăng lên gấp đôi, tỷ lệ bệnh nhân nặng cũng tăng hơn so với ngày thường từ 5-10%.

Các BS cũng khuyến cáo, có người khởi phát bệnh nhưng không đi viện ngay đã lỡ mất “thời gian vàng”. Để bệnh nhân nhồi máu não được tái thông mạch não bằng thuốc là trong vòng 4-5 giờ kể từ khi khởi phát. Bệnh nhân tắc mạch máu lớn có thể can thiệp trong 6 giờ kể từ khi khởi phát.

Phải biết giữ ấm đúng cách

Theo TS.BS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa, do trời lạnh đột ngột, người bệnh nhập viện gia tăng với các bệnh lý về hô hấp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và đột quỵ.

Nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý trên do người cao tuổi phần lớn có đa bệnh lý cùng lúc như bệnh phổi mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, khi gặp thời tiết lạnh, cơ thể không giống người trẻ, khả năng thích ứng kém hơn, dễ nhiễm lạnh, đề kháng giảm, huyết áp tăng vọt. Một số gia đình áp dụng những biện pháp chống lạnh chưa đúng cách, có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe như đốt lò than trong nhà để sưởi ấm hay bật điều hòa ở nhiệt độ cao quá khiến nhiệt độ trong nhà và ngoài trời chênh lệch nhiều, điều này cũng ảnh hưởng đến sức khỏe người già.

Rét đậm, cảnh báo nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim -0
Nhiều người dân lao động đốt lửa để sưởi ấm khi Hà Nội đêm 19/2 có mưa lớn, nhiệt độ chỉ ở mức 8-10 độ C. Ảnh: Việt Linh - Nhật Sinh

 Bộ Y tế từng khuyến cáo, trong thời gian diễn ra rét đậm, rét hại, người già và trẻ nhỏ cần giữ ấm cơ thể, hạn chế ra ngoài, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ hôm sau. Người dân không nên uống rượu, bia, đặc biệt là ở miền núi, vì uống rượu làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong. Người dân tuyệt đối không dùng than củi, than tổ ong để sưởi ấm trong phòng kín. Nếu thời tiết quá lạnh, chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn, mở hé cửa để đảm bảo thông khí và sưởi ấm khi mọi người còn thức; không sưởi ấm qua đêm, đóng kín cửa phòng. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn vừa qua đã xảy ra 2 vụ ngạt khí thương tâm khiến 3 người tử vong sưởi ấm bằng than trong phòng kín.

TS.BS Trần Quang Thắng cho biết, người cao tuổi thường có thói quen đi bộ và tập thể dục buổi sáng sớm, ra ngoài thời tiết lạnh đột ngột, cơ thể thích nghi kém, kết hợp sương nên dẫn đến đột quỵ. Vì vậy, BS không khuyến cáo trời lạnh tập thể dục vào buổi sáng, chỉ nên tập buổi chiều tối và tốt nhất là tập trong nhà. Để bảo vệ sức khỏe trong những ngày giá rét, BS Thắng cũng khuyến cáo thêm, người lớn tuổi cần kiểm soát tốt bệnh lý nền, các bệnh mãn tính bằng cách duy trì thuốc, liên lạc thường xuyên với bác sĩ gia đình và tái khám theo khuyến cáo; ăn uống nghỉ ngơi luyện tập hợp lý, tránh để cơ thể bị thay đổi nhiệt độ đột ngột, đặc biệt lúc nửa đêm về sáng. Phải bỏ ngay tắm khuya hoặc tắm nơi không kín gió, bởi người lớn tuổi dễ bị tai biến mạch máu não, nguy hiểm tới tính mạng.

Bên cạnh đó, cả người lớn và trẻ nhỏ phải luôn giữ ấm cơ thể, tăng cường chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đủ chất để tăng cường sức đề kháng cơ thể…

Trần Hằng
.
.
.