Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm đầu năm học mới

Chủ Nhật, 03/09/2023, 08:49

Ba tuần trở lại đây, sốt xuất huyết tăng mạnh tại nhiều địa phương, trong đó Hà Nội tăng mạnh nhất, mỗi tuần ghi nhận hơn 1 nghìn ca mắc, trong khi 3 tuần trước chỉ 500-600 ca/ngày. Hà Nội cũng ghi nhận 2 trường hợp tử vong đầu tiên do sốt xuất huyết trong năm nay, trong khi cả nước đã có 16 người tử vong.

Theo ghi nhận của phóng viên, ở các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội như Đống Đa, Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đức Giang, Đại học Y, bệnh nhân sốt xuất huyết vào nhập viện tăng nhanh. Riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ tháng 8 đến nay đã có 97 trẻ nhập viện do sốt xuất huyết, trong đó nhiều cháu có dấu hiệu cảnh báo biến chứng nguy hiểm.

Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm đầu năm học mới -0
Cần thường xuyên vệ sinh dụng cụ học tập, đồ chơi để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, số trẻ sốt xuất huyết Dengue đến khám hằng ngày có xu hướng tăng. Đặc biệt, tại đây đã tiếp nhận điều trị cho bé sơ sinh mới 7 ngày tuổi đã mắc sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể lây truyền từ người này sang người khác khi bị muỗi vằn mang mầm bệnh đốt và phát triển thành dịch. Trên thực tế, có nhiều khu trọ, ký túc xá, lớp học thành ổ dịch sốt xuất huyết.

Ngoài đối mặt với sốt xuất huyết, tay chân miệng đang gia tăng trên cả nước đang gây lo ngại khi năm học mới bắt đầu. Theo Bộ Y tế, số ca mắc tay chân miệng tính đến thời điểm này đang tăng hơn 52% so với cùng kỳ năm trước. Tuần qua, cả nước ghi nhận 5.727 trường hợp mắc, tích luỹ từ đầu năm cả nước có 68.096 ca mắc, 18 bệnh nhân tử vong (tăng 15 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022).

Trong những tuần gần đây, Hà Nội ghi nhận trung bình từ 40-50 ca tay chân miệng, tính từ đầu năm đến nay toàn TP có 36 ổ dịch. Các chuyên gia dịch tễ cho biết, 2 chủng gây bệnh tay chân miệng lưu hành ở Việt Nam là EV71 và A16, trong đó EV71 thường gây bệnh nặng, dễ biến chứng và có thể tử vong. Trong hơn 500 ca tay chân miệng phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm tới nay, có 20-30% nhiễm chủng EV71, gây biến chứng viêm não, viêm màng não…

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), vào năm học mới, dự báo số trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ gia tăng nếu trường học, đặc biệt là trường mầm non, tiểu học nếu không thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh dụng cụ, đồ chơi nhằm phòng bệnh.

Tay chân miệng lây qua đường tiêu hoá (phân- miệng) thông qua các giọt bắn từ miệng vào đồ chơi, qua phân của người bệnh ra ngoài vào thức ăn, nước uống và người lành ăn phải. Khi phát tán ra ngoài, virus vẫn có thể tồn tại khá lâu trong môi trường nhiệt độ phòng, bám lên đồ dùng, đồ chơi, quần áo. Tại các cơ sở mầm non, tiểu học, rất dễ có sự lây nhiễm từ trẻ mắc bệnh sang trẻ lành qua giọt bắn, bàn tay sờ vào vật dụng bị nhiễm virus…

Năm học mới bắt đầu khi dịch đau mắt đỏ đang bùng phát ở Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc. Trong 3 tuần của tháng 8, Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận khoảng 2.500 trường hợp bị đau mắt đỏ, tăng 2 lần so với tháng 6. Tại Khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận gần 50 ca viêm kết mạc cấp, trong đó 10-20% trẻ gặp biến chứng nặng.

Phòng khám Mắt, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) mỗi ngày tiếp nhận 80 bệnh nhân thăm khám, trong đó khoảng 50% là bị đau mắt đỏ. Có một số gia đình gần như cả nhà đều mắc bệnh. Không ít trường hợp người lớn, trẻ em gặp biến chứng nặng viêm giác mạc cần phải nhập viện điều trị.

Trần Hằng
.
.
.