Phẫu thuật thành công cho bé 18 tháng tuổi bị máy cắt lìa bàn tay

Chủ Nhật, 01/10/2023, 11:49

Trong lúc đang chơi, cháu bé 18 tháng tuổi cho tay vào máy cắt đá tại xưởng làm đá của gia đình và bị cán đứt lìa tay. Tai nạn thương tích trẻ em gia tăng do sự bất cẩn của người lớn.

Bệnh nhi N.M.A ở xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên vào Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong tình trạng bàn tay phải đứt lìa. Theo lời kể của gia đình, trong lúc đang chơi, cháu bé vô thức cho bàn tay phải vào máy cắt đá tại xưởng làm đá của gia đình và bị cán đứt lìa. Cháu bé sau khi được sơ cấp cứu đã nhanh chóng được đưa lên Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vào tối 29/9.

Theo BSCKII. Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, đây là ca bệnh hiếm mà bệnh viện tiếp nhận. Sau hơn 5h phẫu thuật, các bác sỹ đã nối bàn tay phải bị đứt rời thành công cho bệnh nhi.

Tới sáng 1/10, cháu bé đã ổn định, uống được sữa và giao tiếp được với người thân.

Phẫu thuật thành công cho bé 18 tháng tuổi bị máy cắt đá cán đứt lìa bàn tay -0
Các bác sĩ phẫu thuật nối tay cho bệnh nhi.

Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện thường tiếp nhận trẻ bị tai nạn thương tích, nhiều ca rất thương tâm do sự bất cẩn của người lớn. Những trường hợp trẻ bị đứt rời chi thể trong lúc vui chơi không phải hiếm gặp. 

Các bác sĩ cho biết, thời gian vàng để cứu sống chi thể đứt rời, theo y văn thì có thể đến 12h tính từ khi bị đứt cho đến khi khôi phục thành công tuần hoàn cho phần chi thể đứt rời, tuy nhiên chức năng có thể hạn chế. Thời gian lý tưởng để nối chi thể bị đứt rời là 6h tính từ lúc bị đứt đến lúc các bác sĩ khôi phục được tuần hoàn cho phần chi thể đứt rời (nhiều bệnh nhân thường nhầm lẫn với thời gian từ lúc bị đứt đến lúc vào tới khoa cấp cứu) nếu chi thể được bảo quản đúng cách.

Nhưng nếu đến muộn quá mà nối vào cơ thể thì độc chất ở chi hoại tử sẽ phóng thích độc chất vào máu, ảnh hưởng đế tính mạng bệnh nhân, do vậy bệnh nhân đến trễ thường phải bỏ phần chi bị đứt.

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu không may trẻ bị đứt rời chi thể, phụ huynh cần bình tĩnh, cầm nắm nhẹ phần chi thể bị đứt, rửa sạch bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý (không được rửa bằng xà phòng hoặc hóa chất).

Bọc kín bằng gạc hoặc vải sạch (chú ý không bọc quá dày) quanh phần đứt lìa rồi cho vào túi ni lông mỏng, buộc kín miệng túi để nước không thể thấm vào.

Đặt túi vào thùng đá lạnh, thau chứa đá lạnh, hoặc đơn giản nhất là cho vào trong một túi nhựa khác có chứa đá lạnh. Mục đích của quấn băng vải quanh phần chi đứt lìa là để chi không tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh.

Chuyển nhanh bệnh nhân đến cơ sở y tế có đủ khả năng thực hiện kỹ thuật vi phẫu trồng chi thể đứt lìa, tránh đi lòng vỏng lãng phí thời gian vàng để có thể cứu sống chi thể. 

Tr.Hằng
.
.
.