Ô nhiễm môi trường, bệnh tật do thuốc lá
Ước tính mỗi năm có tới 4.500 tỷ đầu lọc thuốc lá thải ra ngoài môi trường. Không chỉ là rác thải bẩn, hút thuốc lá còn là nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm không khí trong nhà, nơi làm việc, trường học, bệnh viện, nơi công cộng và ngoài trời do khói thuốc lá thải ra ngoài không khí hàng nghìn chất hoá học.
Thường xuyên ho, khó thở, bà Phạm Thị Mùi (60 tuổi, Đan Phượng, Hà Nội) đi khám và phát hiện mình bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Bà vốn khoẻ mạnh, ít đau ốm, nhưng gần đây xuất hiện ho, mệt mỏi, khó thở. Khi tìm hiểu nguyên nhân, bác sĩ chẩn đoán bà bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do hút thuốc lá thụ động. Chồng bà Mùi nghiện thuốc lá từ trẻ, đến nay hơn 30 năm, mỗi ngày hút từ 20 điếu tới 1 bao. Sống trong môi trường khói thuốc nhiều năm qua, bà đã hít phải không ít chất độc hại từ khói thuốc.
Không chỉ là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh ung thư phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính, tim mạch, ngoài tác hại đối với sức khoẻ, thuốc lá còn góp phần không nhỏ vào việc huỷ hoại môi trường. Các đầu mẩu thuốc lá và vỏ bao sau khi sử dụng sinh ra một khối lượng rác thải lớn, ước tính mỗi năm có tới 4.500 tỷ đầu lọc thuốc lá thải ra ngoài môi trường. Không chỉ là rác thải bẩn, đầu lọc thuốc lá còn gây hại cho các sinh vật dưới nước nếu bị bỏ lại trên bãi biển, sông, hồ hoặc trôi xuống cống thoát nước vì phải mất từ 5-7 năm mới phân huỷ hết.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, không có mức độ an toàn trong việc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động, nên để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng khỏi tác hại của việc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động thì không khí trong nhà phải hoàn toàn không có khói thuốc. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng quy định người hút thuốc lá không hút tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá như: Cơ sở y tế, trường học, nơi làm việc, địa điểm vui chởi, giải trí, khu vực có nguy cơ cháy nổ cao.
Xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng được triển khai nhiều năm qua, nhưng số lượng xử phạt chưa cao, do hành vi hút thuốc lá vi phạm chưa được phát hiện, cũng như lực lượng chức năng xử phạt còn quá mỏng, vì vậy, việc hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra.
Đơn cử tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đưa vào thí điểm ứng dụng ápp Vn0khoithuoc để phản ánh vi phạm về hút thuốc lá nơi công cộng trên địa bàn quận. Người dân khi phát hiện hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, các điểm cấm hút đều có thể phản ánh bằng hình ảnh qua ứng dụng này để cơ quan chức năng xử lý vi phạm. Thế nhưng, sau hơn 1 năm thực hiện, quận Hoàn Kiếm nhận được 500 tin nhắn phản ánh của người dân qua app, nhưng chỉ xử phạt được 16 trường hợp và số tiền phạt cũng không cao, hơn 100 triệu đồng.
Để ngăn chặn hiện tưởng này, biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho người dân không hút thuốc lá nơi công cộng là hiệu quả nhất. Theo TS Nguyễn Huy Quang, Trưởng Ban tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng thường xảy ra rất nhanh, khó xác định đối tượng, vì vậy không kỳ vọng quá nhiều vào việc xử phạt.
Biện pháp trong thời gian tới là tăng chế tài xử phạt, đồng thời tăng thuế đối với thuốc lá mới mong hạn chế tình trạng hút thuốc lá tại nơi công cộng. Đồng thời, cần tạo dư luận xã hội, như thấy người hút thuốc thì phải phản đối, nhắc nhở, chứ đừng quay đi. Ban đầu chỉ 1 người nhắc nhở, sau tăng lên 2-3 người, dần dần sẽ tạo ra sức mạnh.