Nữ bác sĩ có nhiều sáng kiến cứu sản phụ và thai nhi
Thạc sĩ - bác sĩ nội trú Dương Thị Trà Giang (SN 1992), Khoa Đẻ thường, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã gặt hái được nhiều thành tựu như: Giải Nhất lĩnh vực Y - Dược trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP Hà Nội (2022-2023); giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17 (2022-2023)... Không chỉ cứu nhiều sinh mệnh sản phụ và trẻ sơ sinh bên bờ “cửa tử”, nữ bác sĩ (BS) còn đam mê nghiên cứu khoa học, mang lại lợi ích to lớn cho các bà mẹ. Nữ BS vừa được vinh danh là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2023 vào sáng 11/5.
Chọn gắn bó với nơi có tiếng cười sau mỗi ca sinh
BS nội trú Dương Thị Trà Giang sinh ra ở một huyện biên giới của tỉnh Nghệ An, từ nhỏ đã nổi tiếng học giỏi. Đỗ vào lớp chuyên Lý của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tham gia thi học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý, những tưởng khi thi đại học, cô nữ sinh sẽ chọn khối A. Nhưng tới phút chót chỉ còn 1 tháng nữa kỳ thi diễn ra, cô đã “quay xe” thi khối B, đăng ký vào Trường Đại học Y Hà Nội. Thời gian ôn thi khối B chỉ còn tính bằng ngày, nhưng kết quả của kỳ thi đại học năm đó, Trà Giang lọt trong top 12 thí sinh cao điểm nhất của Trường Đại học Y Hà Nội, với môn Sinh đạt điểm gần tuyệt đối - 9,75 điểm.
Giang học chuyên ngành BS đa khoa, sau khi tốt nghiệp, cô tiếp tục thi và đỗ bác sĩ nội trú. Giang chọn nội trú Sản vì ở môi trường đó vừa có sự quyết đoán và tư duy, vừa được làm nội khoa và cả ngoại khoa. Và đây còn là nơi bệnh nhân và bác sĩ đều vui vẻ, luôn có tiếng cười sau hầu hết mỗi ca đẻ.
Ba năm học BS nội trú cũng là 3 năm Trà Giang gian nan, vất vả nhất, nhưng thời gian này, cô đã được những người thầy vừa giàu kinh nghiệm vừa tận tâm “cầm tay chỉ việc”. Những ca phẫu thuật khó, những chẩn đoán chính xác để cứu mẹ và thai nhi phải đưa ra quyết định trong tích tắc đã được Trà Giang thực hiện hoàn hảo ở thời gian này. Nhớ lại, nữ BS vẫn không khỏi xúc động khi vào một đêm trực, một sản phụ được đẩy vào cấp cứu với máu chảy nhiều, nghe tim thai rất yếu. Từ lúc tiếp nhận bệnh nhân, hội chẩn và đẩy lên phòng mổ cứu em bé chỉ trong khoảng 3-4 phút. Nhờ việc xử trí nhanh, dứt khoát của cả êkíp trực đó mà em bé được cứu sống, nếu chậm 1-2 phút hoặc có chút lưỡng lự thì có thể không cứu được sinh linh bé nhỏ...
Giúp sản phụ bảo tồn được thiên chức thiêng liêng
Với chính sách trải thảm đỏ cho bác sĩ nội trú, sau khi tốt nghiệp, BS Trà Giang quyết định đầu quân về Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Năm năm lăn lộn với nghề, tận mắt chứng kiến nhiều ca mang thai, sinh nở khó, hoặc mắc bệnh lý hiếm gặp, nữ BS trẻ càng thấm thía câu nói “chửa đẻ là cửa mả”, ranh giới giữa sự sống và cái chết của các sản phụ vô cùng mong manh, điều đó càng thôi thúc nữ BS và các đồng nghiệp cố gắng, nỗ lực hơn, quyết tâm nghiên cứu khoa học, để đem đến những gì tốt nhất cho các sản phụ.
Được phát triển trong môi trường trọng dụng nhân tài, BS Trà Giang cùng các cộng sự ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội không ngừng nghiên cứu khoa học. Đáng chú ý nhất là nghiên cứu có ý nghĩa nhân văn về bảo tồn tử cung khi sản phụ mắc bệnh lý rau cài răng lược. Rau cài răng lược là biến chứng sản khoa rất nặng nề, vì có thể gây chảy máu sau đẻ, gây ám ảnh bác sĩ sản khoa, chỉ có bác sĩ chuyên môn tốt mới mổ được vì đây được coi là ca khó. Năm 2022, Ban giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cùng ngồi lại và phát triển ra phương pháp phẫu thuật đơn giản để bảo tồn tử cung cho phụ nữ rau cài răng lược: Lấy thai, lấy rau, khâu lại và bảo tồn cho tử cung. “Đa phần đây là phụ nữ trong tuổi sinh đẻ, nếu cắt tử cung thì bất hạnh, không còn khả năng sinh đẻ, mãn kinh xuất hiện sớm hơn, tăng các bệnh lý tim mạch, loãng xương, rối loạn sinh dục, tăng ung thư tuyến giáp…, do vậy giải pháp này rất có ý nghĩa, mang tính nhân văn với phụ nữ”, BS Giang nói.
Dù trước đây, trên thế giới có phương pháp bảo tồn tử cung nhưng bằng các kỹ thuật và thiết bị hiện đại, nhưng với nghiên cứu khoa học này, chỉ bằng những kỹ thuật đơn giản, những thay đổi nhỏ lại mang lại hiệu quả lớn. Cũng chính vì vậy, phương pháp này được làm thành video và trình chiếu ở Hội nghị sản phụ khoa thế giới, đã nhận được sự quan tâm của các bác sĩ đến từ Pháp, Mỹ. Đến nay, phương pháp này được thực hiện ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội với tỷ lệ thành công gần 90%, áp dụng trên những trường hợp không quá phức tạp và đã thực hiện được khoảng 80 ca.
Chia sẻ thêm về một sáng kiến “xe đẩy cấp cứu chảy máu sau đẻ” của cả tập thể Khoa Đẻ, trong đó có BS Giang thực hiện, nữ BS trẻ cho biết: “Với cấp cứu chảy máu sau đẻ, thời gian là rất quan trọng, việc đưa sáng kiến xe đẩy ứng dụng vào thực tế giúp giảm thời gian lấy thuốc, làm tăng hiệu quả cấp cứu chảy máu sau đẻ…, giúp bảo tồn được tính mạng sản phụ”. Sáng kiến này giúp nữ BS đã đạt được giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tuổi trẻ ngành y TP Hà Nội lần thứ 30, năm 2023… Theo BS Trà Giang, sau mỗi thành công, đón một sinh linh chào đời, là một lần nhân lên hạnh phúc.