Nỗ lực đẩy lùi căn bệnh “giết người thầm lặng”

Thứ Sáu, 25/03/2022, 07:47

Làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 đã khiến cho nhiều người mắc bệnh lao của nước ta nhiễm COVID-19 và ghi nhận rất nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch, tử vong. Do ảnh hưởng của đại dịch, nhiều người bệnh lao không dám đến viện thăm khám định kỳ, dẫn tới khi bệnh trở nặng thì đã muộn. Việt Nam là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới.

Theo WHO, đại dịch COVID-19 đã đảo ngược nhiều năm (5-8 năm) tiến bộ trong việc cung cấp các dịch vụ lao thiết yếu và giảm gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu. Mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 sẽ rất khó khăn và có thể bị kéo dài.

Mối lo khi vừa nhiễm lao vừa bị COVID-19

Được cứu sống từ bàn tay tử thần, nam bệnh nhân 28 tuổi ở Đắk Nông nhiễm lao phổi nhiều năm vẫn không hết bàng hoàng. Chàng trai có tiền sử lao phổi nhiều năm nhưng không điều trị liên tục. Khi nhiễm COVID-19, anh này cách ly điều trị tại nhà, đột ngột ho ra máu ồ ạt, phải chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Phổi Trung ương.

Nỗ lực đẩy lùi căn bệnh “giết người thầm lặng” -0
Một bệnh nhân lao rất nặng được cứu sống.
Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện ổ giả phình lớn động mạch phế quản phải trong hang lao chính là nguyên nhân gây ho máu ồ ạt, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để can thiệp nội mạch cầm máu. Trong quá trình phẫu thuật, tính mạng bệnh nhân luôn bị đe dọa vì có thể chảy máu tái phát. Tuy nhiên, ca can thiệp đã thành công, không có bất kỳ biến chứng nào.

Đây là một trong số rất nhiều bệnh nhân lao nhiễm COVID-19 có diễn biến nặng, nguy kịch. Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia, trong đại dịch vừa qua, đặc biệt là đợt dịch thứ 4, có rất nhiều người bệnh lao nhiễm COVID-19 và trong  đó nhiều người đã tử vong.

Ông cho biết, COVID-19 và lao là 2 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức. “Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao”, ông Nhung nói.

Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia cũng cho biết: Sau COVID-19, chúng tôi tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân lao có những tổn thương lao phổi, lao toàn thể, lao màng não rất nặng nề như cách đây 10 năm trước. Bệnh nhân lao bị gián đoạn tiếp cận y tế do COVID-19 nặng lên và tử vong nhiều. Sau COVID, hậu quả lao sẽ bùng phát trên diện rộng vì mọi gia đình đều bị ảnh hưởng.

Làm thể nào để không chậm tiến trình chấm dứt bệnh lao?

Chương trình Hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống lao 2022 với chủ đề “Giảm thiểu tác động của COVID-19 - Tập trung nguồn lực - Tăng cường phát hiện bệnh lao” do Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Chương trình chống lao Quốc gia tổ chức vào sáng 24/3.

ho ra máu.jpg -0
Các bác sĩ đang hội chẩn can thiệp cấp cứu nam thanh niên 28 tuổi bị lao phổi nhiễm COVID-19.

Theo báo cáo của WHO năm 2020, Việt Nam có 172.000 người mắc bệnh lao và 10.400 người chết vì bệnh lao. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng.

Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia cho biết, Việt Nam phải kiên định chấm dứt bệnh lao. Để kéo lại thành quả chống lao đã bị thụt lùi do tác động của COVID-19 trong gần 3 năm qua, Việt Nam phải nhìn nhận vấn đề cụ thể hơn. Chúng ta giảm thiểu tác hại của COVID-19 với Chương trình Chống lao Quốc gia, phải tập trung nguồn lực cho chống lao.

Đầu tiên, vai trò y tế cơ sở rất quan trọng trong phát hiện lao. Các cơ sở y tế phải cung cấp dịch vụ thân thiện, mở cửa, khám COVID-19, khám hậu COVID-19 và khám lao vì triệu chứng hậu COVID-19 và lao khá giống nhau. Thứ hai, cộng đồng phải chủ động tham gia bằng cách chương trình sẽ liên tục cung cấp kiến thức, kỹ năng để người dân phát hiện bệnh.

Chương trình sẽ ban hành các hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật, tổ chức thực hiện một cách thân thiện nhất. Năm nay, chương trình phát động “Phụ nữ Việt Nam chiến thắng COVID-19- Chấm dứt bệnh lao”. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết: “Mỗi gia đình phải có 1 phụ nữ biết về bệnh lao vì phụ nữ là người chăm sóc, thân cận trong gia đình". 

Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia cũng bày tỏ quan ngại, sau COVID-19, có thể bệnh lao bùng phát. Một số vi khuẩn trước đây đang được sức đề kháng miễn dịch khống chế nhưng sau COVID-19, sức đề kháng miễn dịch giảm, vi khuẩn lao có thể tái hoạt động trở lại. Do đó, năm 2022, nhiệm vụ của công tác phòng, chống lao sẽ nặng nề hơn, bù đắp cho chỉ tiêu năm 2021 chưa hoàn thành.

Nếu bệnh lao được phát hiện sớm, cắt đứt nguồn lây và điều trị kịp thời như COVID-19, sẽ giảm tỷ lệ lây nhiễm và tử vong, tiến tới mục tiêu năm 2030 giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 người dân và giảm số người chết do bệnh lao, để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao.

Chương trình chống lao Quốc gia kêu gọi, vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua những ảnh hưởng của bệnh tật, mặc cảm bệnh tật để chữa khỏi bệnh lao và hòa nhập với cộng đồng, bằng cách nhắn tin ủng hộ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) với cú pháp soạn tin nhắn: TB gửi 1402 (20.000 đồng/tin nhắn, không giới hạn số lượng tin nhắn). Thời gian bắt đầu từ 0h ngày 22/3 đến 24h ngày 20/5.

Trần Hằng
.
.
.