Những em bé sinh cực non đã được cứu sống ra sao?

Thứ Hai, 30/01/2023, 07:15

Cứu sống những em bé sinh cực non tháng là một hành trình đầy khó khăn của người thầy thuốc, nhưng để nuôi những em bé tí hon này lớn lên lại là chặng đường vô cùng gian nan và thử thách của người mẹ.

Phương pháp “Mẹ Kangaroo chăm con” ra đời đã chứng minh được vai trò không thua kém gì lồng ấp, mang lại hiệu quả trong việc kiểm soát thân nhiệt của trẻ, giúp hệ thần kinh, hô hấp, tim mạch của trẻ phát triển toàn diện. Nhiều em bé tí hon được hồi sinh từ những lồng ấp “chuột túi” trong lòng mẹ.

7.jpg -0
Mẹ ấp con bằng phương pháp Kangaroo.

Hồi sinh kỳ diệu

Tới khu vực chăm sóc trẻ theo phương pháp Kangaroo của Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chúng tôi gặp rất nhiều bà mẹ đang ấp con như những chú chuột túi. Những em bé tí hon của họ đều sinh cực non tháng, nhiều bé dưới 30 tuần tuổi, cân nặng chỉ 800g - dưới 1kg. Sản phụ Đoàn Minh Trang (SN 1988, Lào Cai) thuần thục đưa con trai bé bỏng khẽ ấp lên bầu ngực.

Trang kể, khi mang thai ở tuần 27, cô từ Lào Cai xuống Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cấp cứu. Hai ngày sau, Trang sinh non, con trai Vũ Quang Vinh lúc đó chỉ nặng 1kg. “Em rất hoảng hốt vì con nhỏ quá, vừa non tháng, vừa nhẹ cân, không biết con có vượt qua được không”, Trang kể.

Bé Vinh được bác sĩ trợ thở, đặt vào túi giữ nhiệt, đưa thẳng lên Khoa Sơ sinh cấp cứu. “Em không được nhìn thấy con, may mắn có cô điều dưỡng quay lại clip đưa con vào túi giữ nhiệt, nên cả ngày chỉ ngắm con qua điện thoại”, Trang nhớ lại. Cô thuê phòng trọ ở cạnh bệnh viện, mỗi tuần được vào thăm con 2 lần, vắt sữa để lại cho con. Các ngày còn lại, bác sĩ sẽ gọi điện thông báo tình hình của con có phải trợ thở oxy không hay tự thở…

22 ngày nằm tại khu hồi sức, bé Vinh đã thoát khỏi nguy hiểm và được vào khu vực “ấp” cùng mẹ. Bao căng thẳng lo lắng đã tạm lắng xuống khi biết sức khoẻ con tốt hơn. Nhìn con bé tí xíu, người mẹ lóng ngóng không biết bế con ra sao, vừa mừng vừa lo khi phía trước là cả chặng đường gian nan. Trang được bác sĩ hướng dẫn cho ấp Kangaroo trung bình một ngày 20 tiếng để tốt cho hệ hô hấp, tim phổi của con. Cô cũng được hướng dẫn cho con ăn sữa qua bơm xông, chăm sóc tỉ mỉ khi mắt, phổi con còn rất yếu.

Sau 5 tuần chào đời, cân nặng của cậu bé tí hon đã được 1,750g. Người mẹ trẻ cho con tập bú bình, dù con ăn rất ít, song bắt đầu có da có thịt, cô đã yên tâm hơn rất nhiều. Nhìn Trang ấp con trên bầu ngực, ngắm con qua gương, trong mắt lấp lánh niềm hạnh phúc, ai cũng mừng cho vợ chồng cô khi em bé lớn lên từng ngày.

Cùng ấp Kangaroo ở giường bên cạnh là sản phụ Lê Thị Mỹ Hạnh (41 tuổi, ở Chùa Láng, Hà Nội), sinh con thứ 3 khi ở tuần thai thứ 28. Bé gái ra đời sớm hơn dự kiến 9 tuần, nặng 1,1kg.  

Em bé phải nằm hồi sức tích cực hơn 3 tuần, vượt qua rất nhiều nguy cơ mới ổn định được về ghép mẹ và ấp Kangaroo. Dù đã làm mẹ 2 lần, nhưng với chị Hạnh, lần này quá lóng ngóng bởi con bé tí tẹo, bế con ra sao, cho con ăn qua xông thế nào, cũng phải có sự hướng dẫn chi tiết của các cô điều dưỡng. “Cả hai vợ chồng đều lo lắng vì con còn yếu, nhiều bộ phận chưa trưởng thành như trẻ đủ tháng nên rất vất vả”, chị Hạnh chia sẻ. Vì thế, mỗi ngày chị Hạnh cố gắng ấp Kagaroo cho con thời gian tối đa, đến tối bố vào “ấp” thêm 3 tiếng. Hơn 2 tuần sau, con đã được 1,5kg, tự thở, bé bắt đầu ăn sữa bằng xúc thìa. “Bác sĩ nói khi nào con tự bú được thì mới xuất viện”, chị Hạnh mong ngóng.

Phép màu “Mẹ Kangaroo chăm con”

Mỗi ngày, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận 1-2 ca trẻ sinh cực non tháng dưới 1kg từ tuyến dưới chuyển lên. Khoa Sơ sinh luôn có có 130 -150 trẻ non tháng điều trị, trong đó có nhiều ca chỉ nặng 600-800g phải điều trị hồi sức tích cực thở oxy, thở máy. Theo ghi nhận của phóng viên, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã nuôi sống nhiều trẻ non tháng có cân nặng từ 600g – dưới 1kg, trong đó có nhiều kỳ tích cứu sống và nuôi dưỡng thành công trẻ chỉ 500g.

BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Khoa Sơ sinh cho biết, những mẹ khi vào đây rồi mới hiểu, chăm một trẻ sơ sinh non tháng khó khăn khủng khiếp thế nào, cho dù khi ra đến khu “ấp” này là con đã rất ổn định. Thậm chí, có những mẹ khi vào đây sợ vì nhìn con bé tí tẹo, cầm lỏng tay rồi dây dợ đầy người… họ không dám bế con. “Có mẹ nước mắt ngắn, dài nói, bác sĩ ơi cháu chẳng dám bế đâu, sợ làm rơi con”, BS Hương chia sẻ.

BS Hương cũng cho biết, khi chưa có khu “ấp”, Khoa thường xuyên gặp cảnh đêm hôm các mẹ bế con nhập viện cầu cứu trong tình trạng con tím tái, không ăn được vì sặc sữa…Mặc dù trước khi trẻ xuất viện, các mẹ cũng được luyện tập và hướng dẫn cách chăm con, nhưng chỉ ít buổi, chưa đủ. Có nhiều trẻ sinh non sau khi xuất viện về vẫn có thể xảy ra tình huống trẻ tím tái, sặc sữa… cần được các mẹ xử lý ngay tại nhà.

Từ khi có khu vực chăm sóc trẻ theo phương pháp Kagaroo, các sản phụ được tập huấn từ việc cho ăn, giữ ấm, xử trí khi sặc sữa, biết cách cho trẻ thở khi bị tím, biết cách theo dõi con, biết ấp con… Bởi có trường hợp trẻ được mẹ bế đến viện thì đã không thể cứu được. Nếu mẹ được tập huấn, đủ tự tin chăm con sẽ hoàn toàn xử trí cứu trẻ tại nhà. “Để trẻ đươc xuất viện là bao công sức chăm sóc và điều trị của các y bác sĩ, do vậy khi trẻ về có xảy ra điều gì do chưa được chăm sóc đúng cách cũng là điều rất đáng buồn với chúng tôi. Vì vậy, điều chúng tôi mong muốn là tổ chức được những buổi tập huấn, chăm sóc ở khu “ấp” này cho tất cả cha mẹ trẻ sinh non, thiếu tháng”, BS Hương mong mỏi.

Phương pháp “Mẹ Kangaroo chăm con” tạo ra sự tiếp xúc da kề da liên tục được lấy cảm hứng từ kangaroo, loài động vật mang con của nó trong một cái túi ở phía trước cơ thể. Phương pháp này đã được chứng minh vài trò không thua kém gì lồng ấp, giúp hệ hô hấp, thần kinh, tim mạch của trẻ phát triển toàn diện, mang lại rất nhiều hiệu quả trong việc cứu sống trẻ sinh non. Đồng thời, kỹ thuật này cũng giúp trẻ giảm nhiễm trùng, giảm bệnh tật, giảm các biểu hiện tăng động, lo âu khi lớn.

Trần Hằng
.
.
.