Những cái chết thương tâm vì bệnh dại

Thứ Bảy, 30/09/2023, 08:49

Tại Việt Nam, mỗi năm có gần 500.000 người bị chó mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vaccine dại tại các cơ sở y tế. Chi phí cho tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại lớn, song bên cạnh đó còn nhiều cái chết thương tâm do bị chó mèo cắn không tiêm phòng.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mỗi năm trên thế giới có khoảng 60.000 ca tử vong vì bệnh dại; tại Việt Nam, 9 tháng đầu năm đã có 64 ca tử vong.

Ca mắc bệnh dại mới nhất trên cả nước ghi nhận tại tỉnh Bắc Kạn vào ngày 25/9, một nam thanh niên 27 tuổi (Nguyên Bình, Cao Bằng) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn trong tình trạng co giật, hoảng loạn, tiên lượng xấu. Theo người nhà bệnh nhân cho biết, khoảng 1 năm trước, anh này bị một con chó lạ cắn nhưng không đi tiêm vaccine phòng dại.

Những cái chết thương tâm vì bệnh dại -0
Chó xích ngoài đường không rọ mõm, nguy cơ cắn người rất cao.

Vài năm trở lại đây, bệnh dại tăng đột biến và là một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong cao nhất. Trung bình 70 người chết mỗi năm vì bệnh dại dù đã có vaccine cho cả người và động vật. Dịch xuất hiện ở những địa phương trước đây không phải là trọng điểm bệnh dại. Nhiều người ở vùng sâu, vùng xa, sau khi bị chó cắn không tiêm vaccine mà đi đắp lá, uống thuốc Nam. Thậm chí, có người cho biết, không có tiền tiêm vaccine sau khi bị chó cắn. Nhiều người sau khi bị chó cắn lại đập chết, không theo dõi được tình trạng con chó và đồng thời cũng không tiêm vaccine. Vài tháng sau khi có biểu hiện của bệnh dại thì tất cả đã muộn.

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng Văn phòng chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại trên người, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, người dân bị chó, mèo cắn không đi tiêm phòng dại chủ yếu là do chủ quan vì chó nhà nuôi cắn hoặc tại thời điểm cắn chó bình thường. Đáng nói, khu vực Tây Nguyên có tỉ lệ tiêm thấp nhất và tỉ lệ tử vong chiếm cao nhất.

Là tỉnh có số người tử vong vì bệnh dại cao nhất cả nước trong 9 tháng đầu năm 2023 với 11 ca (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022), ông Lý Minh Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai lý giải, nguyên nhân là do số lượng vật nuôi trong các hộ dân ngày càng nhiều, nhưng việc quản lý đàn chó mèo chưa chặt chẽ và tỉ lệ tiêm phòng thấp. Bên cạnh đó, không ít trường hợp khi bị chó cắn không đến cơ sở y tế tư vấn để tiêm phòng mà tự điều trị bằng các phương pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.

Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng thả rông chó, hoặc dắt chó ra đường nhưng không rọ mõm vẫn phổ biến. Nhiều người nuôi thú cưng, bế chó đi chơi, nhưng không kiểm soát, dẫn đến cắn người. Trong khi đó, theo Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, tính đến tháng 9/2023, đã phát hiện 189 ổ dịch dại trên động vật tại 30 tỉnh, TP. Tổng đàn chó mèo có trên 7,4 triệu con, nhưng tỷ lệ tiêm phòng thấp. Chỉ có 12 tỉnh đạt tỉ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn. Chó mắc bệnh dại chủ yếu không xác định được chủ và chưa được tiêm phòng. Bên cạnh đó, tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm phổ biến, dẫn đến việc người bị cắn trọng thương, tử vong gây bức xúc trong xã hội. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống bệnh dại chưa được thường xuyên. Gần như chính quyền địa phương không xử lý chó thả rông không rọ mõm…

Để không có những cái chết thương tâm, nhiều ý kiến cho rằng, ngành Thú y cần quản lý tốt và tiêm phòng đàn chó mèo đạt 70-80%. Nâng cao nhận thức, năng lực của hệ thống giám sát, điều tra xử lý ổ dịch, tại những nơi có ổ bệnh dại cần tổ chức tiêm đảm bảo đạt 80% tổng đàn trở lên. Đặc biệt, các địa phương cần thành lập đội bắt chó mèo thả rông và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Hiện nay, vaccine phòng dại từ 330.000 – 350.000đ/mũi, huyết thanh kháng dại cũng có giá tương đương, trung bình một người bị chó, mèo cắn, nếu phải tiêm cả vaccine và huyết thanh, mất hơn 2 triệu đồng. Đối với nhiều người có kinh tế khó khăn, đây là khoản tiền không nhỏ nên còn ngần ngại không tiêm.

Trong khi đó, theo khuyến cáo của BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh, tiêm vaccine phòng dại chính là cuộc chạy đua của vaccine với virus dại, nếu bị động vật cào, cắn, hoặc liếm lên vết thương hở, cần tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt để ngăn chặn sự tấn công của virus dại, tốt nhất tiêm trong ngày đầu tiên. Đặc biệt, nếu vết thương nặng ở các vị trí như đầu, mặt, cổ, đầu các chi, bộ phận sinh dục… thì phải tiêm vaccine và huyết thanh sớm nhất có thể. Bởi nếu không tiêm, khi người đã nhiễm virus dại và lên cơn, 100% là tử vong.

Trần Minh
.
.
.