Nhiều người trẻ bị đột quỵ do tăng huyết áp mà không biết
Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, trong kết quả nghiên cứu các ca đột quỵ, đáng chú ý là người trẻ có tỷ lệ chảy máu não cao, chiếm tới 46%. Trong số này có tới 78% bệnh nhân có tiền căn tăng huyết áp.
Tại Hội nghị đột quỵ quốc tế do Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 5/11, Trung tâm Đột qụy, Bệnh viện Bạch Mai lần đầu công bố kết quả nghiên cứu mới nhất, lớn nhất từ trước đến nay với sự tham gia của các trung tâm, đơn vị đột quỵ tại 10 bệnh viện lớn ở 3 miền trên cả nước.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ được điều trị tại các trung tâm, đơn vị đột quỵ trong cả nước chiếm hơn 7%. Riêng tại Bệnh viện Bạch Mai là 10%, bệnh nhân trẻ nhất mới 11 tuổi.
Độ tuổi trung bình người dân Việt Nam hiện nay bị đột quỵ khoảng 65 tuổi; độ tuổi dưới 45 chiếm 7,2%. Điều đáng lưu ý là tỷ lệ nam gặp đột quỵ nhiều hơn nữ, gấp 1,5 lần so với nữ (ở nước ngoài là nữ bị đột quỵ nhiều hơn nam).
Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, trong kết quả nghiên cứu các ca đột quỵ, đáng chú ý là người trẻ có tỷ lệ chảy máu não cao, chiếm tới 46%. Trong số này có tới 78% bệnh nhân có tiền căn tăng huyết áp. Đây cũng là lý do dẫn đến nguy cơ chảy máu não ở người trẻ. Nhiều người trẻ bị tăng huyết áp nhưng không đi tầm soát để phát hiện bệnh, không được điều trị hoặc điều trị không thường xuyên, tự ngừng uống thuốc, dẫn tới đột quỵ.
"Từ kết quả nghiên cứu này, Trung tâm sẽ có chiến lược tuyên truyền để giảm thiểu tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ”, PGS Tôn nhấn mạnh.
Theo kết quả nghiên cứu, số bệnh nhân đột quỵ được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong “giờ vàng” tuy chưa cao nhưng đã tăng so với trước đây.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Giờ vàng đối với bệnh nhân nói chung và giờ vàng đối với bệnh nhân đột quỵ nói riêng là rất quan trọng. Nhiều bệnh nhân ở các tỉnh chuyển đến, có những bệnh nhân còn rất trẻ, dưới 40 tuổi. Trước đây, nếu bị đột quỵ là để lại gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội vì bị tàn phế rất cao, nhưng nay nếu tiếp cận với thầy thuốc sớm, phác đồ chuẩn sẽ trở lại cuộc sống như bình thường…Thời gian qua, hàng nghìn bệnh nhân, kể cả người nước ngoài được Bệnh viện Bạch Mai cứu sống ngoạn mục và sau điều trị, tiếp tục đi làm bình thường”.
Dịp này, Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội công bố quyết định thành lập Bộ môn Đột quỵ và bệnh lý mạch máu não được xây dựng trên cơ sở Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai. Đây là bộ môn đào tạo chuyên sâu về đột quỵ đầu tiên trên cả nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, đột quỵ não là bệnh không lây nhiễm thường gặp. Theo con số thống kê, hàng năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ và giống như các bệnh mạn tính khác, con số này vẫn đang có chiều hướng gia tăng.
Theo Hội đột quỵ thế giới 2022, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15-49 tuổi. Về con số tử vong, mỗi năm có tới 6,5 triệu ca với hơn 6% trong số đó là người người trẻ.