Nhiều người có khối u "khủng" ở phổi nhưng phát hiện muộn
Những cơn ho khan kéo dài kèm tức ngực, dù đi khám nhiều nơi nhưng chưa phát hiện ra bệnh, khi đến Bệnh viện Phổi Trung ương, anh L.Đ.H (40 tuổi, Hà Nội) phát hiện có khối u phổi "khủng" hơn 2kg.
Thăm khám tại Bệnh viện Phổi Trung ương, mặc dù khối u phổi của anh H rất lớn, chiếm gần hết thể tích lồng ngực trái, lại nằm ở vị trí khó tiếp cận đến vùng rốn phổi, nhưng sau khi hội chẩn, các bác sĩ vẫn quyết định phẫu thuật cắt u cho anh.
Ca phẫu thuật do GS.TS Lê Ngọc Thành – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng các bác sĩ của Bệnh viện Phổi Trung ương thực hiện đã diễn ra thành công, dù có những lúc phải ngừng ca mổ vì cấu trúc giải phẫu của khối u quá phức tạp. Sau phẫu thuật, anh H đã đi lại và sinh hoạt được bình thường.
Thời gian qua, nhiều người có khối u phổi "khủng" nhưng đều không được phát hiện sớm. Vào cuối tháng 10 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp nhận cụ bà 71 tuổi ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc vào nhập viện trong tình trạng khó thở. Kết quả chụp công hưởng từ phát hiện khối u bên phổi bên phải có kích thước lớn khoảng 3kg. Các bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ khối u cho cụ bà. Sau 7 ngày, bệnh nhân được ra viện.
Theo thống kê của Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu Globocan, năm 2020, tại Việt Nam, ung thư phổi phổ biến thứ 2 trong số các ung thư với số mắc được ghi nhận là 26.262 ca, tương ứng khoảng 23 ca mắc mới/100.000 dân; tỷ lệ tử vong là 21,9 trường hợp/100.000 dân.
Ung thư phổi không có triệu chứng đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp thông thường, do đó nhiều người chỉ được phát hiện khi đã ở giai đoạn tiến triển, chỉ khoảng 30% người bệnh ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn sớm, 75% được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn muộn.
Theo Bệnh viện K, tỷ lệ mắc ung thư phổi bắt đầu tăng dần ở lứa tuổi sau 40. Phần lớn ung thư phổi được chẩn đoán ở lứa tuổi 35 - 75, thường gặp nhất là ở độ tuổi 55 - 65.
PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K cho biết, nhiều người đến viện muộn do ở giai đoạn đầu, hầu hết trường hợp mắc ung thư phổi đều không có triệu chứng điển hình nên rất khó nhận biết, dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh lý đường hô hấp khác, dẫn đến việc điều trị không đúng phương pháp. Cho tới khi một số triệu chứng bộc lộ rõ rệt như ho dai dẳng, ho ra máu, khó thở, đau tức ngực… thì phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị trở nên khó khăn hơn.