Nhiều người bị trọng thương do pháo nổ
Trong 7 ngày nghỉ Tết, các bệnh viện trên cả nước cấp cứu tai nạn pháo nổ gia tăng với 604 trường hợp, tăng 51,4% so với Tết năm trước (trong số này có 315 trường hợp phải nhập viện điều trị tăng 15%). Đây là thực trạng đáng buồn bởi tai nạn do pháo nổ đã để lại tổn thương rất nặng nề, khiến nhiều trẻ em phải chịu cảnh tàn tật, ám ảnh cả cuộc đời…
Có mặt tại Khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Việt Đức, chúng tôi không khỏi xót xa bởi nơi đây đang điều trị cho trẻ em bị những vết thương rất nặng do pháo gây ra. Nằm cùng một phòng điều trị là hai thiếu niên bị thương nặng ở tay phải do đốt pháo trong những ngày nghỉ Tết.
Nằm trên giường bệnh, cậu bé T.Đ.T.A (15 tuổi, Diễn Châu, Nghệ An) khó nhọc nâng cánh tay đã bị cắt cụt do tai nạn pháo nổ kể: "Sáng mùng 2 Tết, cháu nhặt được quả pháo to, tròn ngoài đường và mang về nhà chơi. Không ngờ, khi vừa cầm trên tay đốt thì quả pháo phát nổ, sau đó cháu không biết gì nữa".
BS Nguyễn Mạnh Tiến, Khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao cho biết, sau khi được sơ cứu ở bệnh viện tuyến tỉnh, ngay trong đêm bệnh nhi chuyển lên Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng dập nát toàn bộ cẳng bàn tay phải, lộ cơ, dù rất cố gắng cứu chữa nhưng do vết thương quá nặng không còn khả năng phục hồi, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ hoàn toàn cẳng bàn tay của bệnh nhi. "Do mất 1/3 tay dưới, bệnh nhi không còn chức năng cầm nắm, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, học tập của cháu vì đây là tay phải", BS Tiến cho hay.
Cùng bị pháo nổ thương tổn là cháu P.Đ.T (13 tuổi, Nghi Lộc, Nghệ An) bị mất 3 ngón bàn tay phải. Gương mặt nhăn lại vì đau, cậu bé cho biết: "Mùng 1 Tết, cháu nhặt được quả pháo xịt mang về nhà chơi. Trong lúc đang nghịch thì bất ngờ phát nổ". Bố mẹ T đang ở trong bếp, nghe tiếng nổ vội chạy ra thì thấy con đau đớn với bàn tay dập nát và nhiều vết thương ở chân.
Theo TS.BS Bùi Thanh Phúc, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật cấp cứu bụng, Bệnh viện Việt Đức, từ ngày 29 đến sáng mùng 4 Tết, bệnh viện tiếp nhận 22 ca tai nạn do pháo nổ. Riêng từ đêm 30 Tết đến rạng sáng mùng 1 có 13 trường hợp cấp cứu do pháo nổ. Các trường hợp này đều bị thương ở tay, trong đó có nhiều trường hợp tổn thương nặng phải cắt cụt ngón và cắt cụt tay.
Tết năm nào, tai nạn do pháo nổ cũng trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên, chỉ vì tò mò mua pháo trên mạng về đốt, hoặc theo các clip hướng dẫn nhồi pháo trên mạng, sau đó mua thuốc nổ về tự chế pháo và phát nổ, gây thương tật nặng nề, thậm chí mất mạng.
Đáng nói là nhiều vụ việc đốt pháo trong ngày Tết đã gây thương tích cho người đi đường vô tội. Điển hình là sau giao thừa Tết Giáp Thìn, Bệnh viện Đa khoa Gia Lai đã tiếp nhận 5 trường hợp nhập viện do pháo nổ và đều bị vết thương bỏng giác mạc mức độ nặng, buộc phải chuyển tuyến trên. Điển hình là chị Nguyễn Hồng N. (18 tuổi, phường Trà Bá, TP Pleiku, Gia Lai) đi xe máy gặp một đám đông đang đốt pháo, không may một quả pháo đã bay thẳng vào mắt. Chị N. được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cấp cứu và được xác định bị bỏng giác mạc nặng một bên mắt, có nguy cơ bị mù, nếu được phẫu thuật cũng bị giảm thị lực.
Theo các bác sĩ, nhiều người vẫn chưa ý thức đầy đủ về tác hại của pháo nổ. Hầu hết các trường hợp gặp tai nạn do pháo đều gây chấn thương nặng và rất nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng trọng yếu ở mặt, mắt, tay. Bệnh nhân chủ yếu là trẻ em, bị tổn thương ở bàn tay thuận hoặc mắt, dù có chữa trị cũng sẽ để lại hậu quả vĩnh viễn về thị lực, gây ảnh hưởng tâm lý, thể chất, sinh hoạt cho bệnh nhân sau này. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ, đốt pháo…gây nguy hại cho bản thân và xã hội.