Nhiều hướng điều trị giúp bệnh nhân ung thư máu thoát "cửa tử"
Ung thư máu là một trong những bệnh ung thư tiên lượng điều trị còn khó khăn, chủ yếu điều trị bằng hoá chất và ghép tế bào gốc đồng loại. Nếu điều trị hóa trị liệu, tỷ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm chỉ 20 %, còn khi ghép tế bào gốc đồng loại tăng lên 50%.
Chia sẻ bên lề Hội nghị khoa học Huyết học – Truyền máu năm 2022 vào ngày 24/11, TS Bạch Quốc Khánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Huyết học – Truyền máu Việt Nam cho biết, tỷ lệ mắc các bệnh về máu ngày càng được phát hiện nhiều, trong đó có bệnh máu ác tính. Khoa Bệnh máu ác tính của Viện Huyết học lúc nào cũng đông bệnh nhân nhất, luôn có khoảng 230 ca điều trị. Đây là một trong những bệnh ung thư tiên lượng điều trị còn khó khăn.
Đối với những bệnh nhân ung thư máu, nếu điều trị hóa chất đơn thuần, thời gian sống đến 5 năm khoảng 20-30%, nhưng với phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu, tỉ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm lên tới 50-60%. Vì vậy, ghép tế bào gốc tạo máu có thể coi là phương pháp điều trị tối ưu giúp nhiều bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính, di truyền có cơ hội khỏi bệnh, quay lại cuộc sống bình thường.
Kể từ ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên cho bệnh nhân đa u tủy xương thành công vào năm 2006, đến nay, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã ghép được 600 ca, trong đó 2/3 số ca là ghép từ tế bào gốc đồng loại từ anh em ruột, bố mẹ, máu cuống rốn.
Theo TS Khánh, thực tế ghép tế bào gốc không phải là phương pháp chữa khỏi bệnh này mà chỉ là biện pháp để bệnh nhân vượt qua đợt điều trị hóa chất liều cao mạnh.
Trong điều trị ung thư hiện nay tiêu chí cơ bản vẫn là hóa trị liệu. Hóa trị liều càng cao càng mạnh với hi vọng diệt nhiều tế bào ung thư để kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân thì tác dụng phụ cũng tăng lên.
Bệnh nhân ghép tế bào gốc để tăng khả năng chống chọi lại tác dụng phụ do hóa chất chứ tế bào gốc không tiêu diệt được tế bào ung thư.
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị ung thư máu triển vọng như thuốc nhắm đích, có nhiều tác dụng chính, ít tác dụng phụ. Việc điều trị nhắm đích ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã được thực hiện cho bệnh nhân bị ung thư máu từ nhiều năm nay, mang lại hiệu quả tốt cho bệnh nhân. Một số thuốc nhắm đích bảo hiểm y tế thanh toán theo hình thức chi trả nên không còn là gánh nặng cho bệnh nhân.
Phương pháp khác là tế bào trị liệu rất ít tác dụng phụ, tác dụng chính tiêu diệt ung thư lại nhiều hơn. Phương pháp này mang lại hi vọng cho bệnh nhân, với tỷ lệ sống trên 5 năm lên tới 70 - 80%.
Hiện các bác sĩ của Viện Huyết học và Truyền máu trung ương đang hợp tác với các chuyên gia từ Mỹ và các nước khác trên thế giới để họ giúp cho Việt Nam chuyển giao công nghệ điều trị tế bào trị liệu cho bệnh nhân ung thư máu trong lương lai.
Theo PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, trong 20 năm ngành Huyết học có những bước tiến nhanh, chúng ta đa phần làm được các kỹ thuật cao mà các nước trong khu vực cũng như thế giới đang thực hiện, giúp điều trị bệnh nhân một cách chính xác hơn, cải thiện triệt để chất lượng cuộc sống và tiên lượng bệnh có thể khỏi bệnh.