Nhiều địa phương "ế" vaccine phòng COVID-19

Thứ Bảy, 18/06/2022, 07:47

Một số địa phương có văn bản gửi Bộ Y tế xin tạm dừng tiếp nhận vaccine phòng COVID-19, hoặc điều chuyển vaccine cho các tỉnh khác vì không thể sử dụng hết. Bộ Y tế có nhiều công văn đốc thúc các địa phương khẩn trương tiếp tục tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 4 cho đối tượng cần tiêm.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay, có cần thiết tiêm vaccine mũi 4 hay không?

4-1.jpg -0
Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy mạnh tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân.

Nhiều người đã mắc COVID-19 từ chối tiêm vaccine mũi 3, 4

Anh Bùi Nhật Minh (20 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: "Tôi mới tiêm 2 mũi vaccine thì mắc COVID-19. Đến nay đã khỏi bệnh 3 tháng nhưng không thấy địa phương thông báo tiêm mũi 3 nên tôi định không tiêm nữa". Cùng tâm trạng như anh Minh, có một số thanh niên trẻ mới tiêm 2 mũi vaccine, đã mắc COVID-19 không có ý định tiêm mũi 3.

Theo chị Nguyễn Thị Phương (Hà Nội), cơ quan chị thông báo đăng ký tiêm vaccine mũi 4 nhưng chị không đăng ký với lý do đã mắc COVID-19, lại không có bệnh nền. "Không chỉ tôi mà nhiều người trong cơ quan cũng không đăng ký tiêm", chị Phương nói. Ngay cả người có bệnh nền như tiểu đường, khi được hỏi có tiêm mũi 4 hay không họ cũng không tiêm. "Tôi mắc COVID-19 rồi, đã tiêm 3 mũi vaccine Pfizer nên không tiêm nữa", một người có bệnh tiểu đường cho biết.

Từ tháng 6, Hà Nội triển khai tiêm vaccine mũi 4 nhắc lại lần 2, nhưng số người đăng ký sụt giảm ở hầu hết các quận, huyện. Có người cao tuổi, bệnh nền tăng huyết áp cũng từ chối tiêm mũi 4 vì đã mắc COVID-19. Theo Trung tâm Y tế quận Hà Đông, số người đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4 sụt giảm là do người dân đã tiêm 3 mũi vaccine, đã mắc COVID-19, nếu mắc thì biểu hiện nhẹ và dịch đang được kiểm soát tốt…

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tính đến hết ngày 16/6, Hà Nội đã triển khai được hơn 18,6 triệu mũi vaccine COVID-19. Tuy nhiên, tiến độ tiêm vaccine trong thời gian qua còn chậm, nguy cơ không đạt tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND TP, đặc biệt là tại một số địa phương. Vừa qua, một số tỉnh có văn bản xin tạm dừng nhận vaccine hoặc điều chuyển vaccine đã tiếp nhận sang tỉnh khác vì không thể sử dụng hết.

Mới đây nhất là tỉnh Bình Định đã có văn bản gửi Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương về việc đề nghị chưa phân bổ vaccine cho tỉnh trong tháng 6 và 7 năm 2022; đồng thời đề nghị điều chuyển 6.200 liều vaccine Pfizer cho địa phương khác để tỉnh tập trung lực lượng giải quyết tiêm hết số vaccine còn tồn gồm 138.336 liều Pfizer (cho người từ 12 tuổi trở lên), 30.640 liều Pfizer (cho trẻ 5-11 tuổi) và 40.300 liều Moderna cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi (số lượng này chưa tính số lượng vaccine phân bổ cho lực lượng Công an).

Cần thiết tiêm vaccine mũi 4 với người cao tuổi, có bệnh nền

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng, tử vong. Hơn nữa biến chủng Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng có thể vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng. Nếu người dân từ chối tiêm vaccine mũi 3, mũi 4, tháng 10 dịch quay trở lại thì rất nguy hiểm. Vì vậy, theo khuyến cáo của Thứ trưởng, người từ 18 tuổi trở lên chưa tiêm vaccine mũi 3 hoặc trì hoãn tiêm thì tiếp tục tiêm; những đối tượng được khuyến cáo tiêm mũi 4 nên đi tiêm để phòng bệnh. Bởi việc xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hoàn toàn có thể, thậm chí có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương. Hơn nữa, miễn dịch có được do tiêm vaccine phòng bệnh và miễn dịch mắc phải đều không bền vững, do đó rất khó trong dự báo dịch.

Hiện nay, nhiều người còn băn khoăn có nên tiêm mũi vaccine thứ 4 không? Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế cho biết: Trong thời gian tới, số ca nhiễm có thể tiếp tục theo xu hướng giảm hoặc tăng trở lại tùy thuộc các điều kiện về tác nhân (xuất hiện các biến thể mới), về chính sách (thay đổi các biện pháp phòng, chống dịch); các biến thể, biến thể phụ đáng lo ngại mới vẫn tiếp tục xuất hiện với tốc độ khá nhanh trên thế giới; tình hình dịch bệnh ở một số quốc gia (như Trung Quốc, Triều Tiên…) vẫn đang diễn biến phức tạp.

Vì vậy, việc tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) là rất cần thiết để phòng bệnh, nếu không may nhiễm thì bệnh sẽ nhẹ, hệ thống y tế không bị quá tải, giảm thấp nhất ca nặng, hạn chế ca tử vong. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, vaccine phòng COVID-19 vẫn có tác dụng phòng bệnh với các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.

Theo chuyên gia, việc tiêm mũi nhắc lại hoàn toàn cần thiết để phòng bệnh. Việc tuyên truyền để người dân hiểu, những ai chưa tiêm đủ thì nên đi tiêm đủ, những ai đã trì hoãn việc tiêm thì cũng nên đi tiêm lại khi bảo đảm điều kiện sức khỏe, nhất là người già, người mắc bệnh nền. Những người trên 50 tuổi, có bệnh nền nên tiêm vaccine mũi 4 vì nhóm này vẫn có khả năng mắc bệnh, có nguy cơ nặng và tử vong.

Theo các chuyên gia, với người trẻ (dưới 50 tuổi), không có bệnh nền có thể cân nhắc tiêm hoặc không tiêm mũi 4. Các thống kê cho thấy mũi 4 vẫn có lợi, tác dụng tăng kháng thể, bảo vệ tốt hơn.

Trần Hằng
.
.
.