Nhiều cặp vợ chồng mang gen bệnh hiếm được hỗ trợ sinh con khỏe mạnh

Chủ Nhật, 23/06/2024, 14:57

Ba lần mang thai đều mất con do mang gen bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh), vợ chồng anh Bùi Văn Dũng (Hoà Bình) tưởng chừng không thể có con được nữa, nhưng sau 5 năm hiếm muộn, hạnh phúc đã nảy mầm khi họ sinh được bé gái hoàn toàn khoẻ mạnh nhờ chương trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) miễn phí. 

Đến tham dự chương trình Lễ công bố và trao quyết định 15 ca thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100% và các chương trình xét duyệt miễn phí của Tuần lễ vàng 2024 vào sáng 23/6, người cha sau 3 lần mất con – anh Bùi Văn Dũng (Lạc Thuỷ, Hoà Bình) đã xúc động cho biết: “Tôi không nghĩ mình còn có cơ hội được làm cha, nhưng Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã trao cho vợ chồng tôi cơ hội này, có con gái khoẻ mạnh, không mắc căn bệnh mà cha mẹ mang gen”.

Sau khi kết hôn 1 năm, vợ anh Dũng - chị Nguyễn Thị Ngọc có thai nhưng không may đến tuần thứ 7 thì phải đình chỉ thai. Một năm sau, niềm vui lại đến, nhưng nỗi đau vẫn lặp lại. Rồi đến lần thứ 3, chỉ còn 2 tháng nữa anh chị sẽ được gặp con, thì lần này thai được chẩn đoán tim to, bánh rau bị phù, được hội chẩn đình chỉ thai.

Ba lần "lỡ hẹn" với con là 3 lần chị Ngọc anh Dũng rơi vào trạng thái tuyệt vọng cùng cực. Vợ chồng họ rất nghèo, anh Dũng đi đốn cây thuê, chị Ngọc ở nhà làm ruộng, tích cóp mãi họ mới xuống Hà Nội thăm khám. Cả hai bàng hoàng khi biết mình đều mang gen bệnh Thalassemia. Bác sĩ khuyên anh chị nên thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) kết hợp sàng lọc phôi để tìm ra những phôi thai khỏe mạnh. Nhưng họ không có tiền để làm IVF.

Nhiều cặp vợ chồng mang gen bệnh hiếm được hỗ trợ sinh con khoẻ mạnh -0
Vợ chồng anh Dũng, chị Ngọc hạnh phúc bên con.

Biết được điều này, BSCKI Phạm Văn Hưởng, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã gợi ý với vợ chồng họ đăng ký hồ sơ xét duyệt miễn phí 100% chi phí thực hiện IVF trong chương trình Tuần lễ Vàng năm đó. Hồ sơ của vợ chồng họ được xét duyệt và bắt đầu hành trình chọc trứng, chuyển phôi. Vì hai vợ chồng đều mang gen bệnh hiếm, bệnh viện lại miễn phí cho họ gói sàng lọc phôi để chọn phôi khoẻ mạnh.

“Sau 3 lần mất con, nhận được tin vui vợ mang thai, tôi vui bao nhiêu thì suốt quá trình vợ mang thai, tôi lại lo lắng gấp bội lần, chỉ sợ như 3 lần trước. Đến khi vợ hạ sinh mẹ tròn con vuông, cháu bé khỏe mạnh và lành lặn, bế con mà tay tôi run lên, trút được mọi lo lắng. Giờ đây gia đình hai bên đều vô cùng hạnh phúc”, anh Dũng chia sẻ.

Là 1 trong 15 cặp vợ chồng hiếm muộn nghèo được miễn phí làm IVF 100% trong năm nay, chị B Nướch Thị Tron (SN 1988, dân tộc Cơ – Tu, quê ở Quảng Nam) xúc động bật khóc khi giấc mơ có con đang đến gần sau 12 năm hiếm muộn.

Chị Tron kết hôn với anh Phan Đình Thắng (SN 1989, ở Hương Sơn, Hà Tĩnh). Sau lần mang thai đầu tiên vào năm 2013 bị sảy, chị không có thai lại nữa. Dành dụm được tiền, vợ chồng họ ra Hà Nội khám tại một bệnh viện chuyên khoa cho kết quả bình thường, nhưng chờ mãi vẫn không có con. Anh Thắng là con trưởng nên áp lực luôn đè nặng lên chị Tron, thậm chí có người còn bóng gió, “vợ mày vô sinh thì về bỏ đi”.

Không chịu nổi dị nghị, chị Tron quay về Quảng Nam bốc thuốc Nam, thuốc Bắc để uống; thậm chí nghe theo lời mách còn tìm thầy cúng và uống cả “nước Thánh” thầy cho, nhưng 12 năm qua vẫn không có thai.

“Hết giờ cạo mủ cao su thuê, vợ chồng em về nhà là không ra ngoài nữa, sợ nghe những lời đàm tiếu. Nhiều đêm hai vợ chồng ôm nhau khóc không ngủ được, tự động viên nhau cùng cố gắng”, chị Tron kể lại.

Nhiều cặp vợ chồng mang gen bệnh hiếm được hỗ trợ sinh con khoẻ mạnh -0
Vợ chồng chị B Nướch Thị Tron chia sẻ về hành trình hiếm muộn 12 năm.

Do sống ở vùng sâu, vùng xa, vợ chồng chị Tron chưa biết đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Vì vậy, khi họ được một người quen mách đi làm IVF bởi các bác sĩ "mát tay" ngoài Hà Nội, họ buồn rầu vì không có tiền. Nhưng vì mong mỏi bấy lâu, họ quyết định vay mượn ra Hà Nội, may mắn lại vào đúng dịp Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn tổ chức Tuần lễ vàng, họ làm hồ sơ xin xét duyệt miễn phí và bất ngờ “trúng thưởng”.

“Hôm nhận được điện thoại em không tin, khóc gọi cho chồng, chồng em bảo hay là ai gọi nhầm. Cả đêm hai vợ chồng không ngủ được vì chưa tin và không tin nổi. Hôm nay cầm quyết định trên tay chúng em mới tin”, chị Tron xúc động chia sẻ và hy vọng lần này họ sẽ có được mụn con.

Cùng tâm trạng như chị Tron là vợ chồng anh Nguyễn Văn Châm (dân tộc Tày, Bắc Quang, Hà Giang) cũng không tin khi nhận điện thoại hồ sơ của họ được xét duyệt. “Em thấy số lạ không nghe điện thoại vì giờ cuộc gọi lừa đảo nhiều. Sau đó vợ em nhận điện thoại của bệnh viện thông báo chúng em được miễn phí thụ tinh trong ống nghiệm, cả hai vợ chồng bật khóc nhưng vẫn chưa tin, sợ bị nhầm”, anh Châm kể.

Hoàn cảnh của gia đình anh Châm khá đặc biệt. Bố mất sớm, mẹ bị ung thư, bà nội già yếu, anh trai của anh cũng hiếm muộn 9 năm bởi hai vợ chồng mang gen bệnh tan máu bẩm sinh. Gia đình họ còn nuôi thêm 2 người em họ con chú ruột khi 2 em không nơi nương tựa. Cả 4 thế hệ sống trong căn nhà lá đơn sơ, vì cuộc sống mưu sinh, vợ chồng anh Châm dời quê xuống Bắc Ninh làm công nhân để gửi tiền về hỗ trợ gia đình và cho anh trai can thiệp hỗ trợ sinh sản trước. “Em chỉ mong lần này may mắn mỉm cười đến với chúng em, cho chúng em một đứa con”, anh Châm ao ước.

Nhiều cặp vợ chồng mang gen bệnh hiếm được hỗ trợ sinh con khoẻ mạnh -0
15 cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn được miễn phí 100% thụ tinh trong ống nghiệm.

Theo Ths.BS Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, đây là năm thứ 6 bệnh viện thực hiện được hoạt động đặc biệt ý nghĩa này. Tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 50 gia đình là các cặp vợ chồng vô sinh có hoàn cảnh khó khăn được nhận hỗ trợ IVF miễn phí với 60 em bé chào đời khỏe mạnh. 

Trong đó, có nhiều cặp vợ chồng mang gen bệnh di truyền như tan máu bẩm sinh, máu khó đông... đã sinh ra những đứa con khoẻ mạnh. 

Theo BS Hiền, càng điều trị và hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, các bác sĩ càng đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn mà họ phải đối mặt, dù trong hoàn cảnh nào, khát khao tìm con của họ cũng chưa bao giờ tắt.

Trần Hằng
.
.
.