Nhiễm trùng, áp xe má do tiêm chất làm đầy

Thứ Ba, 12/10/2021, 15:15

Đơn vị Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ - Bệnh viện (BV) Da Liễu TP Hồ Chí Minh ngày 12/10 vừa tiếp nhận xử lý một trường hợp tai biến do tiêm chất làm đầy (hay còn gọi là filler) vào vùng má để tạo khuôn mặt đầy đặn.

Nhiễm trùng, áp xe má do tiêm chất làm đầy -0
Bệnh nhân khi vào viện với tình trạng sưng hết vùng má trái, áp xe, nhiễm trùng.
Nhiễm trùng, áp xe má do tiêm chất làm đầy -0
Ca phẫu thuật "giải áp" má trái, rạch tháo mủ cho bệnh nhân tại Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh

Bệnh nhân N.T.T.T (SN 1999, ngụ quận 12) đến BV Da Liễu TP Hồ Chí Minh khám trong tình trạng ở vùng má bên trái xuất hiện một khối sưng to gây đau nhức.

Chị T cho biết cách đây khoảng 5 tháng, do má bị hóp và mong muốn có khuôn mặt đầy đặn hơn nên chị đã tìm hiểu và liên hệ đến một cơ sở thẩm mỹ tại quận Phú Nhuận. Tại đây chị được tư vấn tiêm filler Hàn Quốc với giá 1.700.000đ/1cc. Chị T tiêm 2 má hết khoảng 3-4cc filler. Cách đây mấy tuần, vùng má trái sưng to, đau nhức nên chị đã tự mua nhiều loại thuốc kháng sinh, kháng viêm (không rõ loại) để uống và khối sưng có giảm nhưng sau đó lại sưng to khi ngưng thuốc.

Tại Đơn vị Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ - BV Da Liễu TP, các bác sĩ ghi nhận vùng má trái của bệnh nhân N.T.T.T căng bóng, sưng to với kích thước 5x5cm kèm đau nhức. Kết quả siêu âm cho thấy có ổ dịch vùng má trái dẫn đến áp xe. Bệnh nhân được chỉ định tiểu phẫu giải áp.

PGS.TS.BS Phạm Hiếu Liêm - Phó Trưởng Khoa Y, Trưởng bộ môn Phẫu thuật Tạo hình – Thẩm mỹ Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ - BV Da Liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh nhân N.T.T.T bị nhiễm trùng muộn vùng má trái sau tiêm chất làm đầy. Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn muộn có thể do filler là hàng rẻ, trôi nổi, không đảm bảo chất lượng. Cũng có thể do quá trình thực hiện kỹ thuật tiêm không được đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối và nhiễm khuẩn  tiềm ẩn trước đó một thời gian mà bệnh nhân không biết.

Trường hợp này nếu không được xử trí kịp thời, ổ áp xe có thể vỡ ra, để lại sẹo lớn, sẹo xấu cho bệnh nhân. Ngoài ra, những nhiễm trùng vùng mặt nếu không được xử lí sớm, đúng cách, vi khuẩn có thể theo đường máu vào các tĩnh mạch trong sọ, hoặc gây nhiễm trùng máu, rất nguy hiểm.

Bệnh nhân N.T.T.T được mổ rạch tháo mủ, ấy ra khoảng hơn 100ml dịch mủ. Sau đó, các bác sĩ đặt thêm ống dẫn lưu từ khoang có ổ áp xe để dịch tiếp tục chảy ra, đó băng ép lại. Bệnh nhân được bơm rửa với chất vô khuẩn và thay băng mỗi ngày trong khoảng 5-7 ngày, sau đó mới khâu vết thương lại.

Đây không phải là ca duy nhất. Theo PGS Phạm Hiếu Liêm, đa số trường hợp bệnh nhân bị tai biến thường tiêm ở cơ sở thẩm mỹ không phép, người tiêm không phải là bác sĩ và không được đào tạo về tạo hình - thẩm mỹ, không được học về các biến chứng của tiêm chất làm đầy cũng như cách để phòng tránh các biến chứng này. Do vậy dẫn đến những biến chứng rất đáng tiếc.

 

Huyền Nga
.
.
.