Nhập viện, mang tật vì tiêm filler làm đẹp
Sau khi được tiêm filler, hai bệnh nhân đều phải nhập viện cấp cứu vì những biến chứng nguy hiểm…
Ngày 20/7, Công an quận 10 phối hợp với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Phòng Y tế quận 10 đã điều tra, làm rõ nguyên nhân một bệnh nhân nhập viện sau khi tiêm chất làm đầy trong lĩnh vực thẩm mỹ (filler) tại địa chỉ 361 Bà Hạt, phường 4, quận 10, TP Hồ Chí Minh.
Trước đó, ngày 17/7, anh N.V.H. (SN 2002, quê Đồng Nai) đến địa chỉ trên để tiêm filler phong thủy (tiêm vùng mũi). Sau khi tiêm mấy phút, người bệnh xuất hiện đau đầu kèm nôn ói, đau mắt phải, nhìn mờ, chóng mặt phải nhập Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân 115 và được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị.
Nhận tin báo, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phối hợp với Phòng Y tế quận 10 và chính quyền phường 4 kiểm tra xác minh tại địa chỉ 361 Bà Hạt. Theo ghi nhận, phía trước nơi này là biển hiệu kinh doanh bánh mì, xôi mặn Ngọc Ánh, tầng 1 là nhà trọ sinh viên thuê.
Qua xác minh, anh H. được bà M.T.A.L. hẹn đến địa chỉ trên để thực hiện tiêm filler tại tầng 1 khu nhà trọ sinh viên. Filler được bà L. mua trên mạng với giá 300 ngàn đồng/cc. Thời điểm kiểm tra, cơ sở không có hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh…
Trước đó, ngày 18/7, Bệnh viện Trưng Vương (TP Hồ Chí Minh) cũng cho biết đã tiếp nhận và điều trị cho một nữ bệnh nhân 56 tuổi nhập viện trong tình trạng đau ngực, khó chịu. Qua kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán bà bị nhiễm trùng ngực nặng sau khi tiêm filler, tạo bao xơ dày trong ngực, mô viêm tăng liên tục.
Nữ bệnh nhân cho biết, ngày 20/5, bà đã tiêm filler nâng ngực tại một spa ở TP Hồ Chí Minh, với chi phí 60 triệu đồng. Khoảng 4-5 ngày sau, chỗ tiêm có dấu hiệu sưng đỏ, nóng sốt. Bà quay lại spa để điều trị và được hút dịch liên tục. Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện, ngực sưng to hơn, có nhiều chấm đỏ và mức độ đau tăng dần nên bà đi khám tại Bệnh viện Trưng Vương.
Theo nữ bệnh nhân này, bà tình cờ đọc được trên Facebook quảng cáo về spa này nên nhắn tin tìm hiểu, sau khi được tư vấn đã lựa chọn làm. Trước khi tiêm filler ngực, bà đã tiêm filler mông cùng chỗ với giá 159 triệu đồng. Bà có thông báo mình bị tiểu đường nhưng spa nói rằng vẫn tiêm bình thường không ảnh hưởng.
Sau khi chẩn đoán, bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương đã tiến hành mổ tháo hết dịch mủ và filler trong ngực nữ bệnh nhân ra. Đến lần mổ thứ 2, bác sĩ bóc hết bao xơ, nếu để sẽ bị tiết dịch và vết thương không lành được. Bệnh nhân này may mắn vào bệnh viện ở giai đoạn sớm nên xử lý biến chứng không quá phức tạp. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện nhưng phải tái khám để theo dõi.
Bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương khuyến cáo, người bị tiểu đường muốn phẫu thuật thẩm mỹ hoặc tiêm filler phải kiểm tra đường huyết, nếu chỉ số dưới ngưỡng hoặc trong mức cho phép mới được thực hiện. Bởi lẽ, người bị tiểu đường có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn người bình thường. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều cơ sở quảng cáo làm đẹp bằng chất làm đầy nhanh chóng nhưng thường là không có nguồn gốc…
Qua các vụ việc trên, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân lựa chọn các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ bằng cách tra cứu vào đường link: https://thongtin.medinet.org.vn/ để biết thông tin của các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ đã được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động, tham khảo điểm đánh giá chất lượng của các cơ sở thẩm mỹ; không nên lựa chọn cơ sở làm đẹp chỉ dựa vào tên gọi trên bảng hiệu như “thẩm mỹ viện”, “viện thẩm mỹ”...
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở làm đẹp trái phép hoặc có dấu hiệu vi phạm, gọi ngay đường dây nóng qua số 0989.401.155, 0967.771.010 hoặc tải app “Y tế trực tuyến” để Thanh tra Sở Y tế có thông tin kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định.