Nhà trường, phụ huynh tăng cường giáo dục con em tránh xa thuốc lá điện tử

Thứ Tư, 06/11/2024, 21:56

Thấy con đi học về chui vào phòng, khi ra có biểu hiện khác thường, trên người có mùi thơm, nghi ngờ, người mẹ kiểm tra và phát hiện con sử dụng thuốc lá điện tử.

Không ít phụ huynh đã bất ngờ phát hiện con hút thuốc lá điện tử, thậm chí sa đà vào cơn nghiện. Với mẫu mã giống như đồ dùng học tập, nhiều cha mẹ không phát hiện ra đó là thuốc lá điện tử.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, người hút thuốc lá điện tử trên người thường có mùi thơm. Nếu chú ý, cha mẹ sẽ thấy mùi thơm này, và cần kiểm tra xem con có hút thuốc lá điện tử hay không. Bên cạnh đó, nhiều học sinh khi bị cha mẹ phát hiện thuốc lá điện tử, thường chối “đó là của bạn”, nhưng trên thực tế, nhiều em sử dụng đã lâu nhưng cha mẹ không biết.

c1.jpg -0
Thuốc lá điện tử thiết kế như hộp sữa khiến nhiều cha mẹ khó phân biệt.

Theo Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Việt Nam đối mặt với sự gia tăng người sử dụng thuốc lá mới (chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng), đặc biệt là trong giới trẻ.

Theo kết quả điều tra, năm 2019, khoảng 2,6% học sinh Việt Nam từ 13 đến 17 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử (3,6% nam và 1,5% nữ). Năm 2022, tỷ lệ sử dụng ở vị thành niên 13-15 tuổi là 3,5% (4,3% nam và 2,8% nữ). Theo kết quả sơ bộ của điều tra tại 11 tỉnh/TP năm 2023, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh 13-17 tuổi là 8,1%; tỷ lệ sử dụng ở các thành phố lớn và thành thị cao hơn so với nông thôn; sử dụng ở nữ giới cao (4,3% ở nữ giới tuổi 11-18).

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành Việt Nam năm 2015 là 0,2% và 0,6% năm 2021. Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, TP năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) là 3,6%, cao nhất ở nhóm vị thành niên và thanh niên 15-24 (7,3%), tiếp đến là nhóm tuổi 25 - 44 (3,2%) và 45 - 64 tuổi (1,4%).

Cũng theo Vụ Pháp chế, năm 2021, có 0,06% người trưởng thành Việt Nam sử dụng thuốc lá nung nóng; tỷ lệ sử dụng thuốc lá nung nóng ở học sinh 13-15 tuổi Việt Nam năm 2022 là 0,6%. Năm 2023, điều tra tại 11 tỉnh/TP, tỷ lệ sử dụng thuốc lá nung nóng ở nhóm 13-15 tuổi là 1,4%.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá điện tử là sản phẩm có hệ thống phân phối điện tử (e-cigarette) dạng thiết bị hay tách riêng các bộ phận, được thiết kế không cháy mà chỉ làm hóa hơi dung dịch mà người dùng hít vào. Dung dịch này có thể chứa nicotine hoặc không chứa nicotine, cùng các chất độc hại khác như hạt mịn (PM), propylene glycol, glycerin, formaldehyde, acetaldehyde, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs), hydrocarbon thơm đa vòng (PAHs), nitrosamine (TSNAs), kim loại, hạt silicate, các chất dicarbonyl (glyoxal, methylglyoxal, diacetyl) và hydroxycarbonyl (acetol).

Sử dụng thuốc lá điện tử dẫn đến hít phải một loạt các hóa chất nêu trên, gây hại cho người sử dụng và người xung quanh. Thuốc lá điện tử khác thuốc lá điếu ở chỗ không có sợi/lá thuốc lá.

Theo WHO, thuốc lá nung nóng là các sản phẩm tạo ra các sol khí có chứa nicotine và hóa chất độc hại khi được làm nóng hay khi một thiết bị có chứa thuốc lá được kích hoạt. Người dùng hít sol khí này qua thiết bị hút thuốc lá nung nóng.

Thuốc lá nung nóng chứa nicotine cũng như các chất phụ gia, và thường có hương vị. Các sản phẩm thuốc lá nung nóng mới hơn bao gồm các biến thể nhiệt độ khác nhau. Các sản phẩm thuốc lá nung nóng lai có chứa cả thuốc lá và dung dịch (chứa nicotine), thiết bị có đầu carbon, thiết bị sử dụng lưới kim loại có các lỗ nhỏ để làm nóng thuốc lá dưới dạng viên nhộng, và các thiết bị khác cho phép tùy chỉnh nhiệt độ, mức độ tỏa khói và hương vị.

Theo Bộ Y tế, rất khó để xác định và liệt kê đầy đủ các dạng sản phẩm thuốc lá mới sẽ xuất hiện trong thời gian tới. TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, nhóm từ 15-24 tuổi hút thuốc lá điện tử rất cao. Nhiều người hút thuốc lá truyền thông song vẫn muốn thử thuốc lá điện tử và dẫn tới nghiện, nhưng không bỏ thuốc lá truyền thống và hút cả hai.

Để bảo vệ giới trẻ trước tác hại nghiêm trọng của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các chuyên gia trong và ngoài nước đều khuyến cáo các bậc phụ huynh, nhà trường tăng cường giáo dục con em tránh xa các sản phẩm này; đồng thời tăng cường đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào trong chương trình học, để nâng cao nhận thức cho các em.

Trần Hằng
.
.
.