Nguy hại của hút thuốc lá thụ động

Thứ Tư, 11/09/2024, 16:28

Người không hút thuốc nhưng thường xuyên sống, làm việc trong môi trường có khói thuốc lá cũng mắc các bệnh như người hút thuốc, thậm chí là nghiêm trọng hơn. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa chất độc nhiều gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. 

25 loại bệnh từ khói thuốc

Đau ngực, khó thở, ho kéo dài, đến khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), bà Phạm Thị Bình (60 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị sốc khi trong phổi có khối u. Chụp CT lồng ngực và làm các xét nghiệm cần thiết, bà được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn 4 và chuyển sang Bệnh viện Ung bướu Hà Nội điều trị.

Nguy hại của hút thuốc lá thụ động -0
Hãy từ bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ cho chính mình và cộng đồng

Bà Bình chia sẻ, nhận tin mình bị ung thư phổi, bà không tin là sự thật vì mình vốn khoẻ mạnh, không nghiện rượu, thuốc lá. Tuy nhiên, khi bác sĩ hỏi trong gia đình có người hút thuốc lá hay không, bà Bình mới vỡ lẽ, chồng bà nghiện thuốc lá 25 năm nay, ngày hút hết 1 bao thuốc. Bà Bình hít phải khói thuốc lá trong nhiều năm, đây có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến bà mắc phải căn bệnh ung thư phổi.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, nhiều người đến khám được chẩn đoán mắc bệnh về phổi, tim mạch, răng miệng….có liên quan đến thuốc lá. Trong đó, không ít trường hợp hút thuốc lá thụ động. Bà Phạm Thị Liên (72 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, bà thường bị bệnh về đường hô hấp, trong nhà chồng và con đều nghiện thuốc lá.

Hút thuốc thụ động là hít phải khói thuốc từ điếu thuốc đang cháy hoặc khói thuốc do người hút phả ra. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa chất độc nhiều gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Người không hút thuốc nhưng thường xuyên sống và làm việc trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương với hút 5 điếu thuốc một ngày.

Trẻ em chỉ cần một giờ trong phòng có người hút thuốc cũng đã hấp thụ số hóa chất độc hại tương đương hút 10 điếu thuốc một ngày. Khói thuốc gây ảnh hưởng trong phạm vi 7-10m. Do đó, ngay cả khi ở xa người hút thì người hít phải khói thuốc lá thụ động vẫn gặp những nguy cơ về sức khỏe. 

Hút thuốc lá thụ động có thể gây ra khoảng 25 bệnh, phổ biến là: Ung thư, tim mạch, bệnh hô hấp và ảnh hưởng sức khỏe sinh sản. Đặc biệt, hút thuốc lá thụ động làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi lên 30% và bệnh tim mạch lên 25%. Riêng hệ hô hấp, khói thuốc lá thụ động gây các bệnh như: viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản. Nếu tiếp xúc khói thuốc thụ động lâu ngày thì có thể dẫn đến viêm phổi, lao phổi, ung thư phổi.

Theo các bác sĩ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn khi hít phải khói thuốc thụ động vì đây là những đối tượng có sức đề kháng kém.

Đặc biệt, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ làm tăng tỷ lệ mắc viêm phế quản, viêm phổi và viêm tai giữa; tăng các triệu chứng hô hấp mãn tính như hen; giảm sự phát triển chức năng phổi; tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.

Phụ nữ mang thai thường xuyên hút thuốc lá thụ động có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu, tăng huyết áp, vỡ ối sớm. Khói thuốc còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi, gây ra một số dị tật thai nhi, trẻ có nguy cơ sinh non, bị nhẹ cân hoặc mắc các bệnh về đường hô hấp.

Các trường hợp hút thuốc lá thụ động là người lớn sẽ có khả năng cao đối mặt với bệnh lao phổi, suy tim, xơ vữa động mạch, ung thư.

Bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, trên thế giới có khoảng 600.000 ca tử vong do hút thuốc thụ động. Trong đó, 64% là nữ. Ước tính, cứ 10 người hút thuốc tử vong thì 1 người chết vì hít khói thuốc thụ động.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo người dân nếu đang hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá. Ngừng hút thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ bản thân và những người xung quanh.

Hút thuốc lá thụ động gây nguy hiểm hơn so với hút thuốc lá chủ động. Hút thuốc lá thụ động có nhiều gấp 3-4 lần các chất độc hại. Khói thuốc có thể tồn tại ở tất cả các khu vực công cộng và đặc biệt không có mức an toàn khi tiếp xúc với khói thuốc.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, trường hợp bị nghiện thuốc lá chưa thể bỏ hẳn được thì nên hạn chế hút thuốc lá trong phòng kín và chỉ nên hút tại những không gian cho phép hút thuốc lá. Khi cai thuốc lá thì nên tìm đến bác sĩ để được hỗ trợ và có những loại thuốc giúp cai thuốc lá hiệu quả.  

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2013 đã quy định rõ các địa điểm cấm hút thuốc lá. Trong đó, các khu vực cấm hút thuốc lá hoàn toàn là: Cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao; khu vực trong nhà các nơi công cộng.

Tuy nhiên, việc thực thi Luật vẫn còn hạn chế do không đủ người đi kiểm tra, xử phạt, vì vậy, vẫn còn nhiều hành vi hút thuốc lá ở những địa điểm bị cấm. Biện pháp bảo vệ sức khoẻ tốt nhất không có gì bằng từ bỏ thuốc lá.

T.H
.
.
.