Người trẻ mắc viêm gan B không điều trị sẽ giảm cơ hội sống
Việt Nam có gần 10 triệu người mắc viêm gan B, số bệnh nhân phát hiện viêm bệnh mỗi năm vẫn rất nhiều, đặc biệt là những ca bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng chưa được phát hiện...
Ung thư biểu mô tế bào gan là một trong những bệnh ung thư có tỉ lệ mắc và tử vong hàng đầu thế giới. Theo Globocan 2020 (Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế), tỉ lệ mắc mới ung thư gan tại Việt Nam là 26.418 ca mỗi năm, chiếm 14,5% tổng số ung thư và 77% số ca ung thư gan là nam giới. Trong các yếu tố bệnh sinh của ung thư gan hiện nay, viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu.
90% ung thư gan là do viêm gan B
Năm nay 42 tuổi, anh N.V.Đ (Hà Nam) có tiền sử viêm gan B nhiều năm nhưng không điều trị, bên cạnh đó còn bệnh đái tháo đường đã 5 năm, đang phải điều trị Insulin. Trong gia đình anh Đ có anh trai và em trai của mẹ mắc ung thư gan đã mất. Tuy nhiên, anh Đ vẫn thường xuyên uống rượu, khoảng 100ml/ngày. Khoảng tháng 8/2023, anh Đ bị đau bùng vùng thượng vị, thường xuyên mất ngủ, trong 2 tháng gầy sút 6kg, rối loạn đại tiện. Anh Đ vào bệnh viện tỉnh thăm khám, kết quả hành tá tràng bị sùi loét, trong gan có khối u. Do bệnh tình nặng, anh được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Sau khi thăm khám và chụp chiếu, bác sĩ tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai đã kết luận, anh Đ bị ung thư gan nguyên phát (khối u gan 4,3 x 3,1cm, đã xâm lấn vùng môn vị và tá tràng). Anh được chỉ định điều trị liệu pháp toàn thân với thuốc phân tử nhỏ Lenvatinnib liều 8mg/ngày.
Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, đây là bệnh nhân trẻ tuổi, đã phát hiện viêm gan B trước đó nhiều năm và có tiền sử gia đình có người thân bị ung thư gan, nhưng vì chủ quan, anh này không đi khám chuyên khoa để được tư vấn, điều trị và theo dõi tình trạng viêm gan B, cũng như không tầm soát định kỳ ung thư gan. Chính vì lý do này, tại thời điểm chẩn đoán bệnh đã ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân mất cơ hội chữa khỏi bệnh.
Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) thường tiếp nhận bệnh nhân đến khám qua xét nghiệm máu mới biết mình mắc viêm gan B. Trong số đó nhiều người còn khá trẻ. Đặc biệt, có người được chẩn đoán mắc viêm gan B nhưng không điều trị, hoặc điều trị một thời gian thì bỏ thuốc, khi có triệu chứng đau mạn sườn đến khám mới biết đã có khối u ở gan. Hoặc cũng có trường hợp trẻ tuổi, đi khám phát hiện ung thư gan, đồng thời lúc này mới biết mình mắc viêm gan B. Nhiều người chủ quan không điều trị viêm gan B, khi bệnh chuyển sang giai đoạn ung thư gan tiến triển, chỉ còn cách ghép gan mới cứu được tính mạng.
Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương, tỉ lệ viêm gan B chiếm 8- 10% dân số và chiếm 90% trong số các bệnh nhân ung thư gan. Phần lớn các bệnh nhân ung thư gan ở Việt Nam phát hiện bệnh ở giai đoạn tiến triển, vì vậy vai trò của việc tầm soát định kỳ phát hiện sớm bệnh là cực kỳ quan trọng
Có vaccine phòng bệnh nhưng tỉ lệ mắc vẫn cao
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, trung tâm đang điều trị cho rất nhiều người mắc viêm gan B. Tuy nhiên, tỉ lệ người bệnh được phát hiện trong cộng đồng và quản lý còn rất khiêm tốn. Nếu không được kiểm soát tốt, nhiều người trong số đó sẽ tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan. Điều đáng nói, ung thư gan là ung thư có số ca tử vong dẫn đầu với 25.275 ca (2020), chiếm 21% tổng số tử vong do ung thư, gấp 3,8 lần tổng số ca tử vong do TNGT năm 2020 (6.700 ca).
Viêm gan B đã có vaccine phòng bệnh và đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng nhiều năm qua, nhưng tỉ lệ mắc bệnh của người dân Việt Nam vẫn rất cao, số ca mắc mới hằng năm được ghi nhận không hề ít. Theo các chuyên gia dịch tễ, ngoài trẻ sơ sinh, vẫn còn nhiều trẻ em, người trưởng thành, người lớn chưa tiêm vaccine viêm gan B. Trong 2 năm đại dịch COVID-19, tỉ lệ tiêm chủng một số loại vaccine còn thấp. Đặc biệt, nhiều không tiêm mũi nhắc lại sau 5 năm, 10 năm, đây cũng là lý do mà căn bệnh này dù có vaccine nhưng vẫn lây nhiễm trong cộng đồng.
PGS.TS Đỗ Duy Cường cho hay, hằng ngày Trung tâm Bệnh nhiệt đới ghi nhận nhiều bệnh nhân đến khám và nhập viện nhưng không biết mình bị nhiễm viêm gan B, vì đa số có triệu chứng âm thầm, kín đáo, khi tới viện là đã vàng mắt, vàng da, có biến chứng xơ gan, suy gan cấp, thậm chí ung thư gan. Đáng chú ý, có những người trẻ chủ quan với căn bệnh này, khi phát hiện bệnh đã không điều trị, hoặc không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, một thời gian thấy đỡ đã bỏ thuốc…
“Thuốc điều trị viêm gan B, viêm gan C hiện được bảo hiểm y tế chi trả nên người bệnh không phải lo lắng nhiều về giá thành điều trị. Quan trọng nhất là người dân phải nhận thức được mức độ nguy hiểm của viêm gan với sức khoẻ, thực hiện theo khuyến cáo của các chuyên gia”, PGS Cường nhấn mạnh và khuyên người dân cần tuân thủ điều trị, bởi viêm gan B là bệnh phải điều trị suốt đời nên cần được theo dõi và quản lý chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa. Nếu được theo dõi tốt, tuân thủ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bệnh sẽ ổn định, nguy cơ xơ gan, ung thư gan rất thấp, cơ hội cứu sống tính mạng càng cao.
Phát hiện sớm ung thư gan đối với nhóm nguy cơ cao (trong đó có viêm gan B) là một giải pháp giúp giảm gánh nặng ung thư biểu mô tế bào gan. Khi được phát hiện sớm, các liệu pháp điều trị hiệu quả như phẫu thuật cắt gan, ghép gan, xạ trị trong chọn lọc (SIRT), liệu pháp miễn dịch, liệu pháp đích… đã cải thiện đáng kể thời gian sống còn toàn bộ của bệnh nhân. Tuy nhiên, những bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn bệnh tiến triển và muộn, bệnh có tiên lượng xấu và thời gian sống còn toàn bộ rất hạn chế.
Vì vậy, để ngăn ngừa căn bệnh ung thư gan, bác sĩ khuyến cáo người dân nên đi tiêm vaccine phòng viêm gan B, đặc biệt cả trẻ em và người lớn sau 5 năm hoặc 10 năm nên thực hiện xét nghiệm kháng thể chống virus viêm gan B, nếu kết quả dưới 10mUl/ml thì cần tiêm nhắc lại một liều vaccine để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh.