Người dân được hưởng lợi từ chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh
Dịch COVID-19 kéo dài gần 2 năm qua, có thời điểm diễn biến phức tạp, nhưng các bệnh viện vẫn đang nỗ lực khám, chữa bệnh, đào tạo từ xa, thực hiện hiệu quả Đề án 1816 - Đề án bệnh viện vệ tinh duy trì chuyển giao các kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến dưới để người bệnh không phải lên tuyến trên.
Kể từ khi thực hiện Đề án 1816, đã có rất nhiều người bệnh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo không phải chuyển lên tuyến trên mà được điều trị, cấp cứu ngay ở tuyến dưới. Trong giai đoạn cả nước giãn cách xã hội vào tháng 4/2020, hay nhiều tỉnh, thành thực hiện Chỉ thị 16 ở đợt dịch thứ 4, nhiều kỹ thuật cao đã được chuyển giao cho tuyến dưới, người dân không phải lên tuyến trên, đảm bảo phòng, chống dịch.
Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Yên Bái là một ví dụ điển hình. Nam bệnh nhân N.X.H (48 tuổi), nhập BVĐK Yên Bái trong tình trạng bụng chướng, đau nhiều ở vùng hạ sườn, có cảm ứng phúc mạc. Bệnh nhân ngay lập tức được làm các chỉ định cận lâm sàng, hình ảnh chẩn đoán cho thấy người bệnh có tình trạng bạch cầu tăng, phim chụp cắt lớp vi tính phát hiện dịch khí tự do ổ bụng, được chẩn đoán viêm phúc mạc do vỡ tạng rỗng nghi vỡ tá tràng. Đây là một ca bệnh khó, nếu trước đây khả năng cao là phải chuyển tuyến. Song các bác sĩ đã xin ý kiến chỉ đạo từ các chuyên gia của BV Việt Đức.
Sau khi nghe BVĐK Yên Bái báo cáo về biểu hiện lâm sàng và xem xét kỹ lưỡng phim chụp, xét nghiệm của người bệnh, các chuyên gia BV Việt Đức đã chỉ đạo đưa người bệnh phẫu thuật cấp cứu kịp thời. Dưới sự tư vấn của GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc BV Việt Đức, qua truyền hình trực tuyến, các bác sĩ BVĐK Yên Bái đã tiến hành khâu vỡ ruột non, lau rửa, dẫn lưu ổ bụng. Ca mổ diễn ra thành công, bệnh nhân được cứu sống và dần hồi phục sức khỏe.
Dịch COVID-19 bùng phát, Đề án bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới càng phát huy tác dụng và mang lại hiệu quả đặc biệt để người bệnh không phải lên tuyến trên điều trị. Trong đại dịch COVID-19, BV Nhi Trung ương tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho gần 1.000 học viên. Từ đó, nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu được thực hiện tại các bệnh viện tuyến tỉnh như phẫu thuật tim hở, nội soi tiêu hóa dưới, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ tại Phú Thọ, Nam Định, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh… Kết quả là bệnh nhân đến khám ngoại trú và điều trị nội trú ở tuyến dưới tăng hơn.
BS Vũ Văn Sơn, Phó Giám đốc BV Sản Nhi Hà Nam cho biết, qua các lớp đào tạo của BV Nhi Trung ương, trình độ chuyên môn của BV Sản Nhi Hà Nam đã được nâng cao rõ rệt như thành thạo trong việc tiếp cận xử lý các bệnh thường gặp ở trẻ em; hồi sức sơ sinh tại phòng đẻ; nuôi dưỡng tĩnh mạch trẻ sơ sinh; các thủ thuật thở máy, đặt nội khí quản đã thuần thục hơn trước. Nhiều BV vệ tinh của BV Nhi Trung ương đều đề xuất tiếp tục thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh do hiệu quả trong chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.
Mặc dù dịch bệnh bùng phát tại một số tỉnh miền Nam, nhiều đơn vị cử cán bộ, y bác sĩ chi viện đã ảnh hưởng tới công tác chỉ đạo tuyến, Đề án 1816. Nhưng sau khi dịch tạm lắng, các BV tiếp tục trở lại tổ chức các khóa đào tạo cho nhân viên y tế của BV tuyến dưới. Các giảng viên và học viên đều là các y bác sĩ nên ngoài giờ học, họ còn phải làm việc, thậm chí nhiều người còn tham gia chống dịch, vì thế phải sắp xếp thời gian phù hợp để thu nhận các kiến thức thông qua các buổi dạy trực tuyến, chuyển giao kỹ thuật trực tuyến…
Theo ThS Vũ Văn Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm chỉ đạo tuyến BV Bạch Mai, không chỉ tổ chức đào tạo trực tuyến, sau khi vừa kết thúc chiến dịch phòng, chống dịch COVID-19, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã ký kết thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ phát triển toàn diện với BV Bạch Mai nhằm góp phần cùng với các bệnh viện tại TP nâng cao năng lực y tế cho các cơ sở y tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đã triển khai việc khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho 1.500 các cơ sở y tế trên toàn quốc. Tất cả các trung tâm y tế đều được kết nối với hệ thống khám bệnh, chữa bệnh tuyến Trung ương để tăng cường sự hỗ trợ từ tuyến Trung ương với địa phương.