Người dân cần đặc biệt nâng cao ý thức, kỹ năng phòng dịch trước tốc độ lây nhiễm nguy hiểm của biến chủng Delta
Xuất hiện ở Việt Nam từ đợt dịch thứ 4, biến thể Delta đã làm dịch bùng phát mạnh với tốc độ lây nhiễm cao gấp nhiều lần so với các biến chủng khác trước đó, làm tăng mức độ nặng của người bệnh, tăng nguy cơ tử vong.
Tính đến ngày 14/8, Việt Nam đã có hơn 261 nghìn ca nhiễm COVID-19 ở đợt dịch thứ 4, hơn 5 nghìn người tử vong. Trên thế giới, biến thể Delta đã xuất hiện ít nhất ở 132 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm đảo lộn cuộc chiến chống dịch của nhiều nước được coi là ổn định trước đó. Tại Đông Nam Á, biến thể Delta đang hoành hành ở nhiều quốc gia, nâng số ca mắc và ca tử vong trong ngày của nhiều nước lên cao nhất từ trước tới nay.
Mức độ nguy hiểm của biến thể Delta
Biến thể Delta là biến chủng của virus SARS-CoV-2, là 1 trong 4 biến chủng virus Corona được WHO đánh giá thuộc nhóm đáng lo ngại hiện nay. Biến thể Delta (còn được gọi là B.1.617.2) là tên của biến thể virus Corona chủng mới được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ. Hiện đã có ít nhất 132 quốc gia ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng này và nó đang lây lan với tốc độ vượt ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia dịch tễ.
WHO đánh giá biến chủng Delta là một biến thể mới, đặc biệt nguy hiểm bởi tốc độ lây lan nhanh chóng. Không chỉ vậy, biến chủng mới này còn làm gia tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện của bệnh nhân COVID-19 so với các biến chủng khác. Theo khảo sát của Cục Khoa học y tế Thái Lan hôm 10/8, so với hai biến thể Alpha và Beta, biến thể Delta có sức tấn công dữ dội nhất, với hơn 90% bệnh nhân COVID-19 bị nhiễm.
Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, biến thể Alpha có khả năng lây nhiễm cao hơn đến 70% so với các biến thể cũ. Trong khi đó, biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm nhiều hơn 40-60% so với biến chủng Alpha. Tỷ lệ lây nhiễm thứ phát (F1 dương tính) của các trường hợp nhiễm biến thể Delta cao hơn so với biến thể Alpha. Tại khu vực phía Nam, chúng ta đã ghi nhận 1 số trường hợp có dấu hiệu hoặc dương tính chỉ sau hơn 1 ngày tiếp xúc phơi nhiễm với người mắc COVID-19.
Theo các chuyên gia dịch tễ, biến thể này là có tỉ trọng nhẹ hơn các biến chủng khác, do đó thời gian chúng lơ lửng, di chuyển trong không khí lâu hơn trước khi rơi xuống các bề mặt. Điều này làm bệnh dễ lây hơn với tốc độ nhanh, chu kỳ lây bệnh ngắn. Nhiều trường hợp, chỉ cần tiếp xúc gần, không trực tiếp, bệnh dịch vẫn có thể lây lan mạnh.
Trong cuộc họp báo vào ngày 21/6, Giám đốc Chương trình khẩn cấp y tế của WHO – Mike Ryan cảnh báo, biến thể Delta có khả năng “gây tử vong cao hơn, khả năng lây truyền nhanh hơn giữa người với người và cuối cùng nó sẽ tìm tới những người dễ bị tổn thương, khiến họ phải nhập viện trong tình trạng biến chứng nặng và có khả năng tử vong”.
Bệnh nặng và tử vong cao hơn nhiều lần
Biến thể Delta đang trở thành mối lo ngại toàn cầu khi xuất hiện ở ít nhất 132 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Mỹ, số ca mắc và tử vong đứng cao nhất thế giới, với 36,7 triệu người mắc và 621.000 người đã tử vong. Biến thể Delta đã làm đảo lộn thành quả chống dịch của nhiều nước trên thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á, khiến số ca mắc và ca tử vong của nhiều quốc gia trong khu vực tăng rất cao.
Tính đến nay, Indonesia là quốc gia có số ca mắc và tử vong cao nhất trong khu vực, với 3,83 triệu người mắc và 116.000 người tử vong. Đứng thứ hai là Philippine có 1,73 triệu người mắc và 30.070 người tử vong. Sau đến Malaysia có 1,38 triệu người mắc và 12.288 người tử vong. Thái Lan có 885.000 người mắc và 7.343 người tử vong. Nhiều nước trong khu vực có số ca mắc và tử vong trong ngày ở mức “kỷ lục”, cao nhất từ trước đến nay, dẫn đến hệ thống y tế quá tải, nhiều nước thiếu giường bệnh, thiếu oxy...
Tại Việt Nam, tính đến ngày 14/8 có 265.464 ca nhiễm COVID-19, đứng thứ 80/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.700 ca nhiễm).
Biến chủng Delta xuất hiện ở Việt Nam từ đợt dịch thứ 4 (đợt dịch bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay), khi đoàn chuyên gia Trung Quốc lây nhiễm COVID-19 từ khu cách ly ở Yên Bái có chuyên gia Ấn Độ, sau đó lây cho một số trường hợp ở Vĩnh Phúc và nhiều tỉnh, thành khác. Qua giải trình tự gene từ mẫu bệnh phẩm của các ca bệnh liên quan đến nhóm chuyên gia Trung Quốc, phát hiện mang biến chủng B.1.617.2 lần đầu xuất hiện ở Ấn Độ.
Tốc độ lây lan của biến chủng này đã khiến sau hơn 3 tháng xuất hiện, đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam đã có 261.463 ca nhiễm COVID-19. Đến nay Việt Nam đã có 5.437 ca tử vong, xếp thứ 69/222 quốc gia và vũng lãnh thổ. Nếu tính tỷ lệ tử vong trên 1 triệu dân, Việt Nam xếp thứ 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu dân có 55 người tử vong do COVID-19).
Với tốc độ lây lan chóng mặt, mức nguy hiểm cực cao, biến chủng Delta đã gây dịch bùng phát mạnh tại TP Hồ Chí Minh và lan ra 19 tỉnh, thành phía Nam. Biến chủng Delta được phát hiện lần đầu tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 18/5 với 2 ca nhiễm tại Công ty TNHH Deloitte Việt Nam (quận 3). Lúc này, mức độ lây lan của chủng Delta chưa nhiều. Khi phát hiện chuỗi lây nhiễm ở điểm dịch nhóm Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng, kết quả xét nghiệm cho thấy 7 ca đầu tiên đều nhiễm biến thể Delta.
Tiếp đó, các ca bệnh được phát hiện chủ yếu là người có tiếp xúc gần với các F0 như người trong gia đình, đồng nghiệp, hàng xóm…Có thể thấy các chuỗi lây truyền tại khu vực phía Nam, cụ thể là tại TP Hồ Chí Minh chủ yếu tại các hộ gia đình, tụ điểm ăn uống, văn phòng cao ốc, nhà máy, xí nghiệp, các khu chợ đông người… Theo thống kê của Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh đến ngày 14/8 đã có 144.770 ca mắc COVID-19.
Theo các chuyên gia, nếu như các đợt dịch trước, bệnh tăng nặng và nguy kịch ở nhóm đối tượng người cao tuổi, người mắc bệnh nền thì ở đợt dịch này, biến chủng Delta đã làm cho người trẻ tuổi, khỏe mạnh cũng tăng nặng, nguy kịch, thậm chí tử vong. Các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành phía Nam rơi vào quá tải, số ca mắc tăng thì số bệnh nhân nặng và tử vong sẽ tăng. Đây là một áp lực rất lớn cho hệ thống y tế của nước ta. Như PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) chia sẻ, chưa khi nào hệ thống khám, chữa bệnh phải đối mặt với những thách thức lớn chưa từng có trong lịch sử như hiện nay.
Người dân phải tuân thủ 5K, tuân thủ Chỉ thị của Thủ tướng
Trước biến chủng nguy hiểm như Delta, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) khuyến cáo: Người dân không được chủ quan, lơ là chống dịch, vì dịch còn diễn biến phức tạp, ý thức người dân lúc này là vô cùng quan trọng, phải chấp hành nghiêm các chỉ đạo của Chính Phủ, của Bộ Y tế từ phòng chống dịch, tuân thủ 5K đến tiêm vaccine. Tôi cho rằng chúng ta tạo ra được cách sống mới trong tình hình dịch còn đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Chuyên gia dịch tễ cũng đặc biệt nhấn mạnh, hiện nay việc tiêm vaccine ngăn cản khả năng lây truyền bệnh, bảo vệ cho người được tiêm thời gian bao lâu vẫn còn đang tiếp tục nghiên cứu. Nhưng một điều chắc chắn là tiêm vaccine COVID-19 đã giảm triệu chứng cho những người mắc COVID-19, giảm tỷ lệ tử vong và giảm số người nhập viện điều trị. Việc tiêm vaccine vừa là quyền lợi nhưng cũng là trách nhiệm của mỗi người dân. Tất cả những ai thuộc đối tượng cần tiêm chủng hãy đi tiêm chủng để Việt Nam nhanh chóng đạt miễn dịch cộng đồng.
“Ở thời điểm vaccine còn khan hiếm, người dân không nên lựa chọn vaccine, bởi các vaccine được cấp phép đều hiệu quả an toàn và đã được tiêm ở nhiều nước trên giới”, ông Phu nhấn mạnh.
Với những địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chuyên gia nhấn mạnh, người dân phải hết sức tuân thủ chặt chẽ. Nếu có việc thực sự cần thiết phải đi ra ngoài, phải tuân thủ 5K, hạn chế tiếp xúc đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, có thể đeo mũ chống giọt bắn, luôn sát khuẩn tay; trong gia đình thường xuyên mở cửa thông thoáng, lau chùi bề mặt, đồ chơi cho trẻ em, vệ sinh đường hô hấp và thực hiện quy tắc che miệng khi ho…
Chuyên gia dịch tễ cũng cho biết, vừa qua có nhiều sáng kiến cộng đồng trong phòng, chống dịch. Nhưng ở tình hình hiện nay, tất cả các địa phương, kể cả nơi chưa có dịch, phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, nếu giờ chỉ đứt gãy một mắt xích nào trong phòng chống dịch, thì sẽ phải trả một cái giá lớn.