Nắng nóng gay gắt, gia tăng sốc nhiệt và đột quỵ

Thứ Năm, 01/06/2023, 06:38

Nắng nóng đỉnh điểm liên tục và kéo dài khiến nhiều người bị đột quỵ và sốc nhiệt nếu đi, làm việc dưới trời nắng lâu, rồi vào ngay phòng điều hoà.

Theo các bác sĩ, thời tiết chỉ tăng thêm 1 độ, nguy cơ đột quỵ có thể tăng 10%. Trẻ em, người già, người có bệnh nền, người làm việc, vận động lâu dưới thời tiết nắng nóng, người tiếp xúc đột ngột với môi trường nhiệt độ cao… đều có nguy cơ bị sốc nhiệt và đột quỵ.

Nguy hiểm với người có bệnh lý nền

Những ngày qua, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trên cả nước bước vào các đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 40 độ C, làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, đặc biệt làm gia tăng các ca cấp cứu do sốc nhiệt, đột quỵ và tim mạch.

nắng nóng.jpeg -0
Công nhân làm việc giữa thời tiết nắng nóng phải trang bị bảo hộ che nắng và nghỉ giải lao để tránh sốc nhiệt.

Điển hình là trường hợp một nông dân ở Phú Thọ (41 tuổi) đang gặt lúa giữa cánh đồng dưới thời tiết nắng nóng 40 độ C đột nhiên bị ngất, co giật, phải đưa đi cấp cứu. Nam bệnh nhân được truyền bù dịch, bù nước tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), sau hơn 1 giờ theo dõi tích cực thì ổn định và được xuất viện. Thời điểm nắng nóng gay gắt trùng vào đợt thu hoạch lúa, màu của bà con nông dân, dù đã có khuyến cáo, song vào những ngày này, do phải làm việc đồng áng nhiều giờ dưới thời tiết nắng gắt, người nông dân hay gặp một số vấn đề sức khoẻ như say nắng, say nóng, thậm chí là đột quỵ. Bác sĩ khuyên người dân khi đi làm cần phải uống nhiều nước.

Theo BS Nguyễn Văn Học – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Khoa vừa tiếp nhận bệnh nhân nam V.V.C (55 tuổi, trú tại Lĩnh Nam, Hà Nội) bị đột quỵ não, vào viện trong tình trạng liệt hoàn toàn 1/2 người phải, không nói được, méo miệng, huyết áp 180/100 mmgh. Theo lời kể của bệnh nhân, ông đang trên đường trở về nhà thì bất ngờ yếu liệt ngã ra đường, không nói được kèm liệt nửa người bên phải. Ông được người đi đường đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi chụp CT sọ não, ông V được chẩn đoán nhồi máu não cấp giờ thứ nhất. Ngoài ra, ông V còn có tiền sử viêm tụy cấp, thường xuyên sử dụng rượu bia. Do nhập viện vào “giờ vàng”, ông C đã được cứu sống sau khi có chỉ định sử dụng thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch. Theo BS Học, ông V đã đi lại, nói chuyện bình thường, gần như không để lại di chứng.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cũng vừa cứu sống thành công trường hợp đột quỵ cho ông N.T.L (49 tuổi, trú tại quận Bình Thạnh). Bệnh nhân đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng yếu nửa người trái, sức cơ yếu và chậm tiếp xúc.

Theo lời kể của người nhà ông L, trước đó ông đi giao hàng ngoài chợ, quá nắng nóng nên về đến nhà ông liền bật quạt số lớn và nằm nghỉ ngơi trong phòng điều hoà mát lạnh. Vài phút sau ông thấy chóng mặt, đau đầu, đo huyết áp tăng lên 150/100 mmHg. Ông liền uống thuốc huyết áp nhưng không thuyên giảm, miệng bên trái méo lệch sang một bên, nửa người bên trái tê yếu. Ông được người nhà đưa đi cấp cứu. Kết quả chụp CT ông bị nhồi máu não cấp, nguy cơ tiến triển đột quỵ nặng hơn, vì vậy ông lập tức được can thiệp bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch. Vì đến viện kịp “giờ vàng”, ông cũng bình phục sức khoẻ nhanh chóng.

Phòng tránh như thế nào?

Say nắng và say nóng đều dẫn đến tình trạng tăng thân nhiệt và triệu chứng tổn thương thần kinh trung ương. Triệu chứng kinh điển là tăng thân nhiệt trên 40 độ và suy chức năng thần kinh xảy ra đột ngột ở 80% các trường hợp. BSCKI Nguyễn Phương Trang, Khoa Nội thần kinh, Trung tâm thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, những nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt và đột quỵ khi thời tiết nắng nóng là trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người mắc các bệnh lý nền mạn tính (tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường…), người làm việc, vận động lâu dưới nắng nóng, người tiếp xúc đột ngột với môi trường nhiệt độ cao, người có lối sống thiếu khoa học (hút thuốc, uống nhiều rượu bia, béo phì…). Trong đó, người có bệnh lý nền nếu không may bị sốc nhiệt, đột quỵ thì thường có nguy cơ gặp phải hậu quả nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, những người đang sử dụng các loại thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm loại ba vòng, thuốc điều trị cao huyết áp… cũng có nguy cơ bị sốc nhiệt và đột quỵ cao hơn người bình thường.

Ngoài ra, những thói quen như dùng rượu, bia để giải khát khi nóng hay việc ngồi phòng máy lạnh rồi đi ra ngoài nắng hoặc ngược lại, khiến nhiệt độ thay đổi đột ngột, cơ thể chưa kịp thích nghi hoặc tắm nước lạnh ngay sau khi đi nắng về... cũng đều là những nguy cơ làm tăng tình trạng sốc nhiệt, đột quỵ.

ThS.BS Trần Quốc Quý, Khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 còn cho biết, ngoài sốc nhiệt và đột quỵ, nhiệt độ khắc nghiệt còn có thể gây gánh nặng đặc biệt cho sức khỏe tim mạch. Tiếp xúc với nhiệt độ cao tạo áp lực lên hệ tim mạch bởi tình trạng mất nước qua mồ hôi cũng như nhịp tim tăng đáng kể và tim phải làm việc nhiều hơn. Điều này có thể làm tăng nguy cơ gây nên các cơn đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim và thậm chí là suy tim. Một trong những biện pháp bảo vệ bản thân và trái tim vào ngày nắng nóng, BS Quý khuyến cáo, là tránh uống nước ngọt có ga hoặc nước ép trái cây và hạn chế rượu. Nước ngọt có ga và nước ép trái cây có thể làm chậm quá trình hấp thu nước từ hệ thống tiêu hoá vào máu.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bất kỳ ai cũng có thể trở thành đối tượng bị sốc nhiệt và đột quỵ trong thời tiết nắng nóng. Chính vì thế, việc học cách nhận biết và xử lý khi có người sốc nhiệt, đột quy do nắng nóng là vô cùng cần thiết.

Khi bị sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng, người bệnh sẽ có những biểu hiện ban đầu điển hình như: Mặt đỏ, môi, da khô, mạch nhanh, thở nhanh, đau đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, hoa mắt, khó thở, thở gấp,… Sau đó có thể xuất hiện tình trạng trụy mạch, sốt cao rồi chuyển sang hôn mê… “Các biểu hiện của 2 tình trạng sốc nhiệt và đột quỵ tương đối giống nhau nên có thể gây nhầm lẫn, chậm trễ cấp cứu. Người bị sốc nhiệt, đột quỵ nếu không được điều trị kịp thời sẽ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm có thể gây liệt tay chân, rối loạn ngôn ngữ, viêm phổi, trầm cảm... thậm chí tử vong nếu chậm can thiệp”, BS. Đức cho biết.

Trần Hằng
.
.
.