Nâng cao chất lượng bệnh viện và hệ thống khám chữa bệnh sau đại dịch

Thứ Tư, 30/11/2022, 16:43

Tình trạng thiếu một số loại thuốc biệt dược, thuốc đặc trị, vật tư cao cấp đã ảnh hưởng đến chất lượng điều trị cũng như sự hài lòng của người bệnh. 

Ngày 30/11 tại trường Đại học Y Dược Huế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội thảo Hướng dẫn triển khai đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế năm 2022 cho các Sở Y tế và bệnh viện trên toàn quốc. Đây cũng là dịp để các cán bộ làm công tác quản lý chất lượng tại các cơ sở khám, chữa bệnh chia sẻ kinh nghiệm cải tiến chất lượng và an toàn người bệnh sau 2 năm chống dịch COVID-19.

Cải tiến chất lượng bệnh viện là nhiệm vụ
 PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị lãnh đạo các bệnh viện quan tâm và nâng cao chất lượng bệnh viện để phục vụ người bệnh tốt nhất.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, thách thức của hệ thống khám chữa bệnh sau dịch COVID-19 là nhân lực y tế biến động, thiếu thuốc vật tư, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất khó khăn….trong khi nhu cầu người dân khám chữa bệnh ngày càng tăng và đòi hỏi ngày càng cao. Bên cạnh đó, mô hình bệnh tật kép vừa kiểm soát, điều trị các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ,… vừa phải quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…. Yêu cầu các bệnh viện cần quan tâm và nâng cao chất lượng bệnh viện nhiều hơn.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, những tai biến y khoa, sai sót chuyên môn không chỉ là vấn đề chuyên môn mà sau đó là cả vấn đề tâm lý, xã hội và chính trị mà các cán bộ làm chất lượng bệnh viện phải đặc biệt lưu ý.

“Chúng tôi triển khai rất kỹ Thông tư về an toàn người bệnh và có khảo sát, đánh giá điều tra một số nguyên nhân gây tai biến y khoa. Tai biến y khoa là một trong những sai sót mà khó có thể tránh khỏi trong quá trình hành nghề. Khi chúng tôi xây dựng Thông tư về an toàn người bệnh, đã căn cứ vào nhiều nguyên nhân. Từ nhóm nguyên nhân này xây dựng các giải pháp, phòng ngừa, phát hiện sớm. Những bệnh viện nào có nhiều sáng kiến thì được khen thưởng, chứ không để xảy ra hậu quả thì mới có kiểm điểm, kỷ luật…", PGS Khuê nói.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng cho biết, qua Hội nghị này để nhắc lại đối với các cán bộ làm công tác y tế trong toàn hệ thống thực hiện đúng quy chế chuyên môn, hướng dẫn của Bộ Y tế, nhằm để đảm bảo an toàn cho người bệnh. Cải tiến chất lượng phải từ những điều nhỏ nhất và thay đổi hàng ngày, phải thấm từ người giám đốc đến người bảo vệ của bệnh viện. 

Cải tiến chất lượng bệnh viện là nhiệm vụ
Hội nghị có sự tham dự của nhiều lãnh đạo bệnh viện trên cả nước

Theo PGS.TS Nguyễn Khoa Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Huế, bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện giúp bệnh viện cải thiện hàng năm, khắc phục được tồn tại để đạt kết quả cao hơn. Tuy nhiên, tình trạng thiếu một số loại thuốc biệt dược, thuốc đặc trị, vật tư cao cấp đã ảnh hưởng đến chất lượng điều trị cũng như sự hài lòng của người bệnh. 

Ông Hùng cho biết, ngay từ năm 2021, bệnh viện đã lập kế hoạch, dự toán cho công tác đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế năm 2022. Tuy nhiên, quy trình mua sắm mất rất nhiều thời gian, sau gần 1 năm mới chỉ mua được 60% khối lượng các gói thầu, phần chưa mua được, bệnh viện đã gửi cấp trên phê duyệt tiếp để mua bổ sung. 

 “Với bệnh nhân nặng, thiếu thuốc biệt dược, thuốc đặc trị, chúng tôi vẫn phải gửi bệnh nhân đi tuyến cao hơn vì sức khoẻ của người bệnh là cao nhất. Ví dụ bệnh nhân mắc viêm gan, có những lúc bệnh viện không đủ xét nghiệm chẩn đoán để đánh giá mức độ bệnh và không thể không điều trị được, nên phải chuyển bệnh nhân đi tuyến trên. Nếu có đầy đủ xét nghiệm, thuốc chúng tôi giữ bệnh nhân lại, đỡ phiền hà tới người bệnh khi họ phải chuyển viện”, ông Hùng chia sẻ.

Để khắc phục các tồn tại, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng việc giảm quá tải bệnh viện, tăng cường khám chữa bệnh từ xa, thực hiện Bộ 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện. Đồng thời các bệnh viện phải tiếp tục lấy người bệnh làm trung tâm như: Cải tiến chất lượng dịch vụ và quy trình khám bệnh; duy trì đường dây nóng, hộp thư góp ý; nâng cao quy tắc ứng xử, điều chỉnh giá viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ và khảo sát sự hài lòng người bệnh và nhân viên y tế…

“Lãnh đạo bệnh viện phải nghiêm túc quan tâm vấn đề cải tiến chất lượng khám chữa bệnh, xác định đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược, "sống còn" với sự phát triển bệnh viện”, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết năm 2023, lần đầu tiên Bộ Y tế sẽ triển khai xét tặng Giải thưởng quốc gia về chất lượng bệnh viện. Hiện Bộ Y tế đã ban hành thông tư quy định việc xét tặng Giải thưởng này. Ngoài giải Vàng, Bạc... quốc gia, còn có các giải thưởng chuyên đề về an toàn người bệnh, an toàn phẫu thuật, chất lượng lâm sàng, chất lượng xét nghiệm, công tác dược bệnh viện, dinh dưỡng lâm sàng, kiểm soát nhiễm khuẩn, phát triển nguồn nhân lực y tế, cải tiến quy trình khám chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện và giải thưởng về đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Dự kiến, Giải thưởng quốc gia về chất lượng bệnh viện sẽ được tổ chức xét tặng 2 năm/lần và công bố vào dịp chào mừng Ngày Tiêu chuẩn thế giới (ngày 14/10).

Trần Hằng
.
.
.