Mua thuốc điều trị COVID-19 phải có đơn của bác sĩ

Chủ Nhật, 27/02/2022, 08:44

Việt Nam đã chính thức bán thuốc điều trị COVID-19 trong nước sản xuất trên thị trường với điều kiện người mua phải có đơn của bác sĩ, hoặc phải có giấy chứng nhận F0. Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã công bố giá bán lẻ 3 loại thuốc điều trị COVID-19, với mức giá từ 8.675 – 12.500 đ/viên. Qua 4 ngày mở bán, lượng người mua không nhiều do có những quy định bắt buộc.

Người dân không nên tự ý dùng thuốc

Để đảm bảo nguồn cung ứng và tăng cường khả năng tiếp cận thuốc mới trong điều trị bệnh COVID-19, ngày 17/2, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện đối với 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước, gồm: Molnupiravir 200mg của Công ty CP Hoá - Dược phẩm Mekophar; Molnupiravir 400mg của Công ty TNHH Liên doanh StellaPharm; Molnupiravir 400mg của Công ty cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam.

Qua 4 ngày mở bán, nhà thuốc L.C trên đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội có khá nhiều khách đến hỏi mua. Có nhiều người đến đây mua để dự trữ nhưng khi biết người mua phải có đơn kê của bác sĩ hoặc chứng nhận F0 điều trị tại nhà thì lại đi về. Bên cạnh đó, cũng có nhiều khách chỉ đến hỏi, tư vấn về 3 loại thuốc kháng virus điều trị nói trên.

Tại nhà thuốc trên đường Lê Văn Hưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, có bán 2 trong số 3 loại thuốc được cấp phép với giá chung là 250 nghìn đồng/hộp (gồm 1 liệu trình 5 ngày với 20 viên). Đó là thuốc Molravir 400 (Công ty cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam sản xuất) và thuốc Molnupiravir Stella 400 mg (Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm - chi nhánh 1 sản xuất).

thuốc 3.jpg -0
Người dân không nên tích trữ và tự ý sử dụng thuốc khi điều trị COVID-19.

Bắt đầu từ 17h ngày 23/2, các nhà thuốc thuộc hệ thống nhà thuốc Long Châu bắt đầu bán thuốc kháng virus cho người dân. Theo đại diện chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu, FPT đã mua 6 triệu viên thuốc điều trị COVID-19 có thành phần chứa hoạt chất Molnupiravir để cung ứng cho thị trường toàn quốc.

Đây là thuốc cần có sự tư vấn, chỉ định của bác sĩ nên nhà thuốc sẽ ưu tiên phục vụ các F0 có xác nhận hoặc chỉ định của bác sĩ, các cơ sởy tếtheo đúng quy định. Trao đổi với phóng viên Báo CAND, đại diện chuỗi nhà thuốc cho biết: “Sau 3 ngày mở bán, số lượng thuốc bán ra vẫn còn hạn chế vì nhiều người chưa đáp ứng đủ điều kiện để chúng tôi có thể cung ứng thuốc cho họ”.

Đại diện chuỗi nhà thuốc L.C cũng cho biết, trong tình hình ca mắc tăng cao như hiện nay, F0 nhẹ khó tiếp cận được bác sĩ để có đơn thuốc kịp thời. Việc quy định nghiêm ngặt điều kiện mua được thuốc từ các cơ quan quản lý nhà nước có thể sẽ khiến người dân tìm mua thuốc trôi nổi với giá cao. Và việc này là hoàn toàn không kiểm soát được, sẽ gây ra nhiều hệ lụy và các vấn đề xã hội khác trong tương lai.

Trước đó, khi số ca mắc tăng rất nhanh trên cả nước, đặc biệt tại Hà Nội, trên mạng rao bán rất nhiều loại thuốc kháng virus điều trị COVID-19 xách tay. Có thời điểm, thuốc kháng virus Molnupiravir được rao bán với giá 7-10 triệu đồng/hộp. Gần đây giá loại thuốc này dù đã “giảm nhiệt” nhưng vẫn neo ở mức khoảng 1,5-2,5 triệu đồng/hộp. Nhiều người đã mua thuốc rao bán trên mạng về dự trữ, có người không biết về tác dụng cũng như chống chỉ định của thuốc, khi vừa dương tính đã tự uống, thậm chí còn mua về cho người dưới 18 tuổi sử dụng.

Trước những băn khoăn, lo lắng của các F0 khi điều trị thuốc kháng virus Molnupiravir, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết: Thuốc chứa Molnupiravir là thuốc mới, được cấp phép có điều kiện, là thuốc kê đơn, cần tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn của thuốc trong quá trình lưu hành.

Việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế. Người dân không nên lo lắng, tích trữ và tự ý sử dụng thuốc, vì việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe vì nguy cơ do các phản ứng có hại của thuốc.

Những ai không được dùng thuốc điều trị COVID-19?

Theo khuyến cáo của Cục Quản  lý dược, việc tự ý dùng thuốc kháng virus rất nguy hiểm vì những tác dụng phụ và chống chỉ định của thuốc; thuốc kháng virus không phải ai cũng sử dụng được.

Cục Quản lý dược khuyến cáo, người dân cần đặc biệt lưu ý: “Molnupiravir chỉ được sử dụng để điều trị COVID-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người từ 18 tuổi trở lên dương tính với xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng. Molnupiravir dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng dưới 5 ngày và không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp. Thuốc Molnupiravir cũng không được sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng COVID-19”.

Ngoài ra, Cục Quản lý Dược còn khuyến cáo không sử dụng Molnupiravir trong thời kỳ mang thai; phụ nữ có khả năng mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng. Dựa trên khả năng xảy ra các phản ứng có hại cho trẻ sơ sinh từ Molnupiravir, thuốc cũng không khuyến cáo phụ nữ cho con bú trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng. Đặc biệt, Molnupiravir không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn.

Đối với nam giới, Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. Vì vậy, nam giới hoạt động tình dục với phụ nữ có khả năng sinh đẻ nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.

Bộ Y tế khuyến cáo, người dân chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc nêu trên. Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, cần thông báo ngay cho bác sỹ hoặc dược sỹ để được tư vấn và xử trí kịp thời.

Đặc biệt lưu ý người dân không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường, chỉ sử dụng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để đảm bảo chất lượng, hiệu quả điều trị và sức khỏe của chính mình.

Trần Hằng
.
.
.