Mỗi năm tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng cho “gánh nặng” bệnh tật do thuốc lá gây ra
Việt Nam có tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành cao đứng thứ 3, sau Indonesia và Lào và cũng là quốc gia có gánh nặng bệnh tật do thuốc lá gây ra rất cao.
ThS Nguyễn Thị Thu Hương, công tác tại Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá (sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của 25 bệnh). Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo đến năm 2030, con số này tại Việt Nam sẽ tăng lên 70.000 người/năm, nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.
"Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi - nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam", ThS Nguyễn Thị Thu Hương cho biết.
Theo nghiên cứu tại Bệnh viện K, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm 96,8%. Số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.
Ước tính tổng tiêu thụ thuốc lá năm 2020 của Việt Nam là 49.000 tỷ đồng. Chi phí điều trị 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra tại Việt Nam khoảng 1% GDP, tương đương với 67.000 tỷ đồng.
Sau 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (trên 15 tuổi) ở Việt Nam giảm từ 22,5% (năm 2015) xuống 21,7% (năm 2022), trong đó nam giới là từ 45,3% (năm 2015) xuống 42,3% (năm 2020).
Trong 5 năm (2015-2022), giảm tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nơi làm việc từ 42,6%, xuống 23%; tại nhà từ 59,9%, xuống 45,6%; tại nhà hàng từ 80,7%, xuống 68%; tại quán bar/cà-phê/trà từ 89,1%, xuống 54,3%.
Với kết quả nêu trên, theo ước tính của WHO, Việt Nam có thể phòng tránh được 280.000 ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Ước tính chi phí tiết kiệm được trong giai đoạn 2015-2020 là 1.277 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, hút thuốc lá vẫn là “gánh nặng” bệnh tật lớn ở Việt Nam. Đặc biệt là tăng tỷ lệ thanh thiếu niên hút thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Thuốc lá điện tử đang trở thành mối lo lắng lớn trong phụ huynh học sinh khi xuất hiện nhiều trường hợp sử dụng ma túy có trong hương liệu thuốc lá điện tử, gây nguy hiểm tới tính mạng.
Tại ASEAN, đã có Thái Lan, Lào, Campuchia, Brunei, Singapore cấm sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Để phòng ngừa bệnh tật, tránh tử vong, hủy hoại sức khoẻ, tương lai của cả một thế hệ thanh thiếu niên, Bộ Y tế đã đề xuất không cho phép thí điểm thuốc lá thế hệ mới, không để tình trạng thuốc lá thế hệ mới thâm nhập vào thị trường Việt Nam dưới mọi hình thức bởi việc sử dụng trá hình sẽ rất khó kiểm soát.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân hãy từ bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe của chính mình và người thân và cộng đồng.