Mở độ bao phủ, bảo đảm tính bền vững của bảo hiểm y tế

Thứ Bảy, 18/12/2021, 21:16

So với 5 năm trước, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đã tăng lên đáng kể. Tính đến thời điểm năm 2020, cả nước đã đạt được 90,85% dân số tham gia BHYT.

Tiến tới đổi mới phương thức thanh toán bảo hiểm y tế

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng độ bao phủ của BHYT. Cụ thể, đã thông tin truyền thông về lợi ích của BHYT; mở rộng các dịch vụ của BHYT; nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh…để người dân tham gia. 

Đến 31/12/2020, số người tham gia bảo hiểm y tế là 87,96 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số. Trong đó, ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng trên 51 triệu người, chiếm 58%. Tổng số chi do ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 là 39.953 tỷ đồng, bằng 37% tổng số thu tiền đóng bảo hiểm y tế.

Năm 2020, có 2.612 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng 166 cơ sở (6,8%) so với năm 2019; số cơ sở công lập tăng 66 cơ sở (4%) so với năm 2019, ngoài công lập tăng 100 cơ sở (12,6%).

Mở độ bao phủ, bảo đảm tính bền vững của bảo hiểm y tế -0
Bộ Y tế tiến tới mở độ bao phủ, bảo đảm tính bền vững của BHYT

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, một số vấn đề cần quan tâm tới đây là làm sao để mở rộng độ phủ BHYT, đặc biệt là vấn đề đảm bảo tính bền vững của BHYT. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, về cơ bản hiện nay các cơ quan BHXH đã thực hiện mạng lưới thanh, quyết toán BHYT. Tới đây tiếp tục đổi mới phương thức thanh toán BHYT theo Luật BHYT. 

Trong công tác giám định BHYT, thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm, Bộ  Y tế đã chỉ đạo cũng như phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với BHYT. Tới đây Bộ Y tế tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác này, cũng như đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để người dân hiểu. 

Đến nay, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành cơ bản đã hoàn thành việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHYT. Các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành cơ bản đã ban hành đầy đủ, kịp thời và thường xuyên được cập nhật, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế đồng thời quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Để tiến tới mở rộng độ bao phủ, bảo đảm tính bền vững của BHYT, Bộ Y tế tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã nâng cao năng lực y tế cơ sở, phát huy vai trò quan trọng trong giám sát, xét nghiệm, cách ly, tiêm chủng, điều trị, nhất là quản lý, chăm sóc F0 tại nhà giúp giảm bệnh nặng, góp phần giảm tử vong. Năm 2020, tỷ lệ trạm y tế xã có đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT đạt 92,8%; thực hiện trên 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã đạt 48,8%; đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã đạt 94,4%. Tỷ lệ dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe đạt 45,6%.

Bên cạnh đó, ngành Y tế thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế như: Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin như hồ sơ sức khỏe cá nhân kết hợp với bệnh án điện tử; khám chữa bệnh từ xa kết nối hơn 1.500 cơ sở y tế trên toàn quốc, 100% các huyện được kết nối, hỗi trợ chuyên môn và đã cứu sống nhiều bệnh nhân…Tiếp tục đẩy mạnh phát triển y dược cổ truyền và hoàn thiện các quy định pháp luật để đổi mới đào tạo nguồn nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế.

Bộ Y tế đã ban hành các quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Bộ Y tế đã 4 lần sửa đổi, bổ sung các quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT tế để nâng cao quyền lợi của người tham gia. Về điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh theo lộ trình tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tạm thời chưa thực hiện trong thời gian này để không tác động người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện đã xuất hiện một số tồn tại, hạn chế như: Một số quy định về thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh còn chưa thực sự rõ ràng, đầy đủ; vẫn còn chênh lệch chênh lệch về chất lượng giữa các tuyến, các vùng, đặc biệt là giữa tuyến y tế cơ sở với tuyến trên nên chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân; việc xây dựng, cập nhật, điều chỉnh định mức, giá dịch vụ y tế khó khăn, mất nhiều thời gian trong điều kiện thay đổi liên tục về khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong chuẩn đoán, điều trị, thuốc, trang thiết bị.

Tới đây, Bộ Y tế dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo xây dựng Luật BHYT sửa đổi trong đó có những vấn đề liên quan đến chính sách như: Tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, mở rộng quyền lợi chăm sóc sức khỏe đối với đối tượng tham gia BHYT như khám bệnh chữa bệnh, khám sàng lọc, y tế dự phòng; quản lý sử dụng quỹ BHYT hợp lý, hiệu quả, công khai, minh bạch; thực hiện BHYT bổ sung, xem xét đối tượng đa dạng mức đóng BHYT; bổ sung quy định khám chữa bệnh BHYT trong trường hợp xảy ra dịch bệnh.

Tr.Hằng
.
.
.