Trò chuyện Chủ nhật

Mở cửa linh hoạt nhưng không thể để F0 tăng cao nữa!

Chủ Nhật, 26/12/2021, 09:10

Trong những ngày qua, số ca mắc và tử vong do COVID-19 tiếp tục tăng, số ca mắc trung bình từ hơn 16.000-17.000 ca/ngày, gây áp lực lên hệ thống y tế. Hà Nội, Cà Mau luôn dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới, thậm chí tại Cà Mau có ngày lên tới 1.590 ca F0, Hà Nội vượt mốc 1.800 ca/ngày. Tại một số địa phương, tầng điều trị 2, 3 đã quá tải; nhiều F0 điều trị tại nhà chưa được tiếp cận với y tế một cách sớm nhất; nhiều tỉnh đã phải xin hỗ trợ nhân lực từ Bộ Y tế.

Làm thế nào để giảm ca mắc và xây dựng kịch bản điều trị thế nào trong tình hình F0 tiếp tục gia tăng? Phóng viên (PV) Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này.

Mở cửa linh hoạt nhưng không thể để F0 tăng cao nữa! -0
PGS.TS Trần Đắc Phu.

PV: Ông đánh giá thế nào về việc gia tăng ca mắc mới của Việt Nam và diễn biến dịch COVID-19 trong thời gian tới?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Khi thực hiện Nghị quyết 128 thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát dịch bệnh, chúng ta nới lỏng các hoạt động, đi lại, nhất là ở những TP lớn, nơi giao lưu nhiều, mật độ dân số đông, có nhiều sự kiện họp như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… nên số ca mắc mới đã gia tăng, trong đó có nhiều F0 cộng đồng và nhiều ổ dịch xảy ra, đó là điều đã dự báo trước. Do có sự giao lưu, đi lại nên nhiều tỉnh trước đây ít ca mắc thì nay cũng đã gia tăng nhanh chóng như Cà Mau, các tỉnh Tây Nam Bộ và ở phía Bắc… Trung bình số ca nhiễm mới trong 7 ngày qua là 16.041 ca/ngày; số tử vong là 238 ca/ngày. Đây là con số rất cao, như ở thời gian đỉnh điểm của đợt dịch thứ 4 vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 vừa qua. Tôi nghĩ, phải giảm F0, không để số ca mắc mới tiếp tục tăng cao hơn nữa, bởi tăng ca mắc thì ca tử vong sẽ tăng.

Dịch COVID-19 thời gian tới còn diễn biến hết sức phức tạp. Chủng Delta Việt Nam chưa giải quyết được, nay lại chuẩn bị đối đầu với chủng mới Omicron. Nếu ca mắc mới không giảm, chủng Omicron xâm nhập vào nước ta, cùng lúc phải ứng phó với 2 biến chủng có tốc độ lây lan rất mạnh, đặc biệt là chủng Omicron lây lan nhan hơn Delta hàng chục lần, khi đó sẽ quá tải, gây vỡ hệ thống y tế.

Tết Nguyên đán sắp đến, đi lại, vui chơi, hội hè… gia tăng, trong khi dịch vẫn diễn biến hết sức phức tạp, sẽ có nhiều ca bệnh tăng lên. Đây là mối lo thường trực nếu lúc này chúng ta không có giải pháp giảm ca mắc mới.

PV: Ca mắc của Hà Nội đã vượt 1.800 F0/ngày, nhiều F0 phản ánh, họ gọi cho y tế địa phương nhưng không được hồi đáp. Ông đánh giá thế nào về việc này?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Hà Nội thực hiện thích ứng an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, số ca F0 tăng trong cộng đồng cũng là nằm trong dự kiến. Nhưng những ngày gần đây, Hà Nội liên tục có trên 1.600 -1.800 ca/ngày, con số này dự kiến còn cao hơn nữa, nếu tiếp tục tăng thì hệ thống y tế của Thủ đô sẽ quá tải. Vì vậy, để giảm số ca mắc, khống chế dịch bệnh hiệu quả, Hà Nội tăng cường năng lực đáp ứng của hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.

Tuy nhiên, mỗi Trạm y tế phường của Hà Nội có từ 6-10 nhân viên y tế, trong đó có 1 bác sĩ, với những phường có mật độ dân cư đông thì rất khó khăn cho đáp ứng, nhất là ở những quận đang là vùng cam như Đống Đa, Hai Bà Trưng, hoặc những nơi ca bệnh cộng đồng đang nhiều như Ba Đình, Hoàng Mai… Tuy nhiên, Hà Nội có tỷ lệ bao phủ vaccine cao, nên chủ yếu người bệnh không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, do vậy Hà Nội thực hiện điều trị ngay tại tuyến y tế cơ sở để đảm bảo thuận lợi cho người dân.

Những ngày qua ca F0 gọi y tế nhưng chưa được theo dõi, kiểm tra kịp thời có thể do địa bàn đó đang quá tải F0 điều trị tại nhà và F0 điều trị tại trạm y tế lưu động. Chính vì vậy, Hà Nội cần huy động cán bộ y tế bao gồm sinh viên, những cán bộ y tế đã nghỉ hưu…, tập huấn, phân công công việc hợp lý cho họ để tham gia cùng y tế cơ sở, phải thiết lập mạng lưới thầy thuốc đồng hành những người đã nghỉ hưu cũng như những người vẫn còn đang làm việc để hỗ trợ điều trị F0 qua điện thoại, Zalo… để người dân được tiếp cận với y tế một cách sớm nhất.

PV: Hà Nội đã xây dựng kịch bản cho 100.000 ca bệnh, tuy nhiên hiện nay, nhiều bệnh viện tầng 2, tầng 3 của Thủ đô cũng quá tải. Nếu hệ thống y tế cơ sở không đáp ứng đủ, không kịp phát hiện dấu hiệu nặng để chuyển viện kịp thời thì sẽ tăng tử vong. Vậy, Hà Nội phải giải quyết tình trạng này như thế nào?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Quan trọng nhất với những trường hợp F0 điều trị tại nhà là phải được nhân viên tuyến y tế cơ sở tư vấn, chăm sóc, theo dõi sức khỏe thường xuyên và quan trọng là để người mắc bệnh COVID-19 yên tâm, không lo lắng, giúp phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường để kịp thời chuyển tầng, đưa người bệnh đến các cơ sở y tế phù hợp. Việc điều trị F0 tại nhà phải đảm bảo an toàn về tính mạng và đảm bảo sức khỏe cho người dân, chống lây bệnh cho gia đình và cộng đồng. Đây là mục tiêu quan trọng. Vì vậy, điều trị F0 tại nhà rất cần sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương, sự chấp hành các quy định phòng chống dịch của người dân, tránh trường hợp người điều trị F0 tại nhà nhưng vẫn tiếp xúc và gây lây lan ra cộng đồng.

Nhưng với sự gia tăng nhanh chóng của F0 hiện nay, thì nhân lực y tế cơ sở của Hà Nội đã bị thiếu. Vừa qua còn có tình trạng người dân Thủ đô mua test kit về nhà xét nghiệm, khi dương tính đã tự đi thẳng tới viện để điều trị, điều này gây quá tải cho bệnh viện ở tầng 2 và tầng 3, mất cơ hội cứu sống người bệnh nặng. Thứ nữa, do thiếu nhân lực y tế cơ sở, người bệnh chuyển nặng không phát hiện kịp thời, chuyển tuyến muộn, thì nguy cơ tử vong sẽ cao hơn.

Trong những ngày cuối năm đi lại và giao lưu nhiều, dự báo Hà Nội còn tăng ca mắc mới hơn nữa. Y tế cơ sở của Thủ đô đã bắt đầu quá tải, Hà Nội thành lập thêm các trạm y tế lưu động. Tuy nhiên, để đáp ứng với tình hình F0 tiếp tục tăng cao, Hà Nội phải huy động sinh viên, học sinh, bác sĩ nghỉ hưu, y tế tư nhân tham gia vào các trạm y tế lưu động. Đặc biệt thành lập mạng lưới bác sĩ đồng hành, các bác sĩ đang công tác tham gia vào quá trình điều trị online cho F0 tại nhà. Hà Nội cần mở nhiều đường dây nóng để các bác sĩ tiếp cận, nghe điện thoại của F0, để người bệnh điều trị tại nhà được tiếp cận sớm với y tế. Nếu chỉ dựa vào trạm y tế phường như hiện tại thì không đảm đương được.

PV: Trong tuần qua, số ca tử vong của cả nước tăng cao, có ngày lên tới 280 ca. Để giảm tử vong, chúng ta cần có chiến lược gì, thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Theo thống kê, những ca tử vong chủ yếu là người cao tuổi, chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ mũi; người có bệnh nền nặng; dù tỷ lệ thấp nhưng đã xuất hiện người tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn tử vong. Tỷ lệ tử vong chiếm 1,9% trên tổng số ca mắc.

Diễn biến dịch hiện vẫn đang rất phức tạp và khó lường, người dân không được chủ quan, lơ là, đặc biệt không nên không buông xuôi, thả lỏng, nghĩ rằng tiêm vaccine rồi thì không nhiễm COVID-19. Thực tế cho thấy, những người tiêm rồi vẫn bị nhiễm và vẫn có thể bị nặng, đặc biệt lây lan cho người già, người có bệnh nền, trẻ em và lây lan đến những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp, dẫn tới bùng dịch ở nơi đó. Nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao với mức độ bệnh tăng nặng và tử vong cao là nhóm người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ.

Vì vậy, để giảm tử vong, Bộ Y tế đã đưa ra 8 giải pháp, trong đó có triển khai mạnh mẽ, toàn diện "Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ" bằng các biện pháp: Rà soát các đối tượng chưa được tiêm đủ vaccine COVID-19, đặc biệt chú trọng các đối tượng nguy cơ cao và rất cao (người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch…) để tiêm đầy đủ vaccine ngay cho đủ liều và phòng chống lây nhiễm cho đối tượng nguy cơ.

Tôi cho rằng, trong lúc này khi F0 điều trị tại nhà đang quá tải, thì giải pháp huy động sự tham gia của cộng đồng và mạng lưới các tình nguyện viên, "Thầy thuốc đồng hành", tổ chức thiện nguyện, người có tâm huyết, người bệnh COVID-19 đã bình phục, y tế tư nhân, chính quyền cơ sở, tổ dân phố, thanh niên… cùng tham gia vào tư vấn, điều trị, chăm sóc, quản lý người nhiễm tại nhà là vô cùng cấp bách. Khi cần thiết, có thể huy động người nhà, đội ngũ tình nguyện vào chăm sóc, theo dõi người bệnh tại các cơ sở điều trị. Các địa phương phải triển khai ngay, đặc biệt là Hà Nội phải nhân rộng mô hình này.

PV: Như ông đã nói, chúng ta không để ca mắc tăng cao hơn nữa. Vậy, để F0 không tăng, cần phải có những giải pháp gì, thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Trước hết chúng ta phải phòng bệnh. Thích ứng trong tình hình mới, chúng ta không để giãn cách xã hội như trước, vì vậy người dân phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm 5K mọi chỗ, mọi nơi; hạn chế tiếp xúc với đám đông; giảm đi lại không cần thiết; không tổ chức các hoạt động đông người không cần thiết… Những dịch vụ thiết yếu cho hoạt động nhưng hoạt động phải có điều kiện, vừa rồi chúng ta có vẻ thả lỏng.

Thứ hai là Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương, các cấp phải tăng cường chỉ đạo, kiểm tra. Thời gian trước đây, một số địa phương làm rất tốt, rất nghiêm việc tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm 5K, nhưng hiện nay chúng ta đã thả lỏng. Vì vậy, thời gian tới, chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra, nhắc nhở người dân thực hiện thông điệp 5K.

Chúng ta chấp nhận có F0, nhưng không thể tăng cao được nữa, bởi nếu tăng cao nữa mới bắt đầu giảm thì nguy cơ vỡ trận về y tế dự phòng, y tế cơ sở không tiếp cận được F0 và dẫn đến tử vong.

Trên thế giới có nhiều bài học, nhiều nước châu Âu “nói không” với 5K, mặc dù tỷ lệ tiêm vaccine rất cao, song con số lây nhiễm thì rất lớn, khiến nhiều nước vỡ trận hệ thống y tế.

 PV: Ông có khuyến cáo gì cho các địa phương và người dân trong lúc này?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Chủng mới Omicron đã xuất hiện ở ít nhất 89 quốc gia/vùng lãnh thổ, đã xâm nhập vào một số nước láng giếng xung quanh chúng ta. Số ca mắc biến thể này đang tăng gấp đôi chỉ trong khoảng 1,5-3 ngày ở những khu vực có tình trạng lây lan trong cộng đồng. Tuy Việt Nam chưa phát hiện ca bệnh có biến chủng mới, song việc biến chủng này xâm nhập vào luôn thường trực. Vì vậy, các địa phương phải xây dựng kế hoạch, kịch bản phòng chống cũng như điều trị một cách chi tiết khi chủng này xuất hiện trên địa bàn.

 Muốn làm tốt thì không có gì ngoài nâng cao năng lực của hệ thống y tế, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế, phải dự tính được đủ chỗ điều trị cho người bệnh ở tầng 2-3; có đủ nhân lực bác sĩ, điều dưỡng hồi sức cho tầng điều trị 3. Đặc biệt, khi F0 cộng đồng tăng cao tại 62/63 tỉnh của cả nước thì y tế cơ sơ đóng vai trò then chốt trong tiếp cận và điều trị tại nhà để người dân được đảm bảo về an toàn tính mạng và sức khỏe. Vì vậy, đội ngũ y tế cơ sở phải bổ sung nhân lực, thường xuyên tập huấn, không cần phải kiến thức cao siêu mà quan trọng nhất là kiến thức để họ phát hiện dấu hiệu nặng của bệnh nhân để chuyển tuyến kịp thời. Tại các trạm y tế phải có trang bị tối thiểu như thuốc, oxy, thiết bị cấp cứu ban đầu. Thành lập hệ thống công nghệ thông tin để kết nối với F0 tại nhà…

Hà Nội cũng như các địa phương phải kiên định với những giải pháp trong công tác phòng chống dịch như: Điều tra, truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập dịch. Người dân phải luôn phòng bệnh, không chủ quan, tuân thủ 5K, hạn chế đi lại, tụ tập, giao lưu… khi không cần thiết, nhất là dịp Tết này. Có như vậy mới bảo vệ được sức khỏe cho mình, cho gia đình và cộng đồng.

 PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Trần Hằng (thực hiện)
.
.
.