Miễn dịch từ vaccine bổ sung và tăng cường vẫn là “vũ khí” chiến lược phòng COVID-19
Theo Bộ Y tế, 52,8% số tử vong tại Việt Nam liên quan đến COVID-19 chưa tiêm vaccine. Hiện nay, việc triển khai tiêm mũi 3 mới đạt tỷ lệ trên 65% ở người từ 18 tuổi trở lên. Việt Nam đã ghi nhận ca mắc biến thể phụ BA.5 – biến thể được cho là lây lan rất nhanh. Nếu người dân chủ quan không tiêm nhắc lại, không đạt miễn dịch chủ động, sẽ có nguy cơ bùng phát đợt dịch mới.
Để hiểu rõ hơn về tác dụng, hiệu quả của tiêm vaccine mũi 3, mũi 4, ứng phó với các biến chủng mới của SARS-CoV-2 có thể xuất hiện trong tương lai, phóng viên Báo Công an nhân dân có cuộc trò chuyện với PGS.TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Thưa PGS, hiện nay có nhiều người cho rằng họ đã tiêm vaccine mũi 1, 2 và cộng thêm việc từng nhiễm COVID-19 thì không cần tiêm vaccine mũi 3 vì sợ bị phản ứng sau tiêm. Điều này có đúng không?
PGS. Phạm Quang Thái: Tại Việt Nam, thời gian qua hệ thống quản lý điều trị COVID-19 của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế ghi nhận trên 40 nghìn trường hợp tử vong do COVID-19 trong đó phần lớn là chưa tiêm vaccine phòng COVD-19; một phần nhỏ đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi vaccine nhưng rất ít, còn lại đã từng tiêm tới mũi 3. Số liệu này một lần nữa khẳng định tính cần thiết phải thực hiện tiêm mũi nhắc lại lần 1 cho những người đã hoàn thành những mũi tiêm cơ bản.
Về lý thuyết thì sau khi khỏi bệnh COVID-19, cơ thể sẽ có kháng thể để chống lại virus gây bệnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải ai cũng có được kháng thể đủ tốt bởi việc nhiễm virus là khác nhau tuỳ vào chủng, tình huống nhiễm, mức độ nhiễm và đặc điểm của cơ thể. Có khá nhiều trường hợp nhiễm và tái nhiễm nhiều lần do kháng thể tạo ra không đủ tốt hoặc nhiễm lần đầu chỉ ở dạng thoáng qua sau đó lần nhiễm lại mới gặp tình trạng nặng.
Ngoài ra, các bằng chứng khoa học cho thấy khi đã nhiễm tự nhiên mà được tiêm vaccine thì kháng thể bảo vệ được tạo ra sẽ cao hơn rất nhiều và góp phần hạn chế tái nhiễm cũng như hạn chế các tình trạng hậu COVID. Đây chính là lý do dù đã khỏi bệnh nhưng người bệnh vẫn được khuyên tiếp tục tiêm chủng để hoàn thành phác đồ tiêm.
PV: Hiện nay, đang có nhiều người nhầm lẫn giữa tiêm vaccine mũi bổ sung và mũi thứ 3, thứ 4, xin ông giải thích rõ hơn cho mọi người hiểu về vấn đề này? Người nào cần tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại, thưa PGS?
PGS. Phạm Quang Thái: Hiện có nhiều người đang nhầm lẫn giữa tiêm vaccine COVID-19 mũi bổ sung và mũi 3, mũi 4 (mũi nhắc lại lần 1, lần 2). Để tránh nhầm lẫn, chúng ta tách ra mũi cơ bản gồm 1, 2 hay 3 mũi tuỳ từng loại vaccine và tuỳ đối tượng tiêm.
Mũi bổ sung dành cho đối tượng suy giảm miễn dịch hoặc sử dụng các vaccine mà bằng chứng cho thấy cần phải tiêm thêm mới đạt miễn dịch cơ bản. Hướng dẫn tại văn bản mới nhất của Bộ Y tế nêu rõ việc tiêm liều bổ sung (liều này không được coi là mũi 3) cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên, bao gồm người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người đang điều trị ung thư tích cực đối với các khối u hoặc ung thư máu; người cấy ghép nội tạng và đang dùng thuốc ức chế miễn dịch; người điều trị bằng liệu pháp thụ thể kháng thể tế bào T (một loại điều trị giúp hệ miễn dịch tấn công và tiêu diệt các tế bào ung thư) hoặc được cấy ghép tế bào gốc (trong vòng 2 năm qua); người suy giảm miễn dịch nguyên phát trung bình hoặc nặng (ví dụ hội chứng DiGeorge, hội chứng Wiskott-Aldrich); người nhiễm HIV tiến triển hoặc không được điều trị; người đang điều trị tích cực corticosteroid hoặc các loại thuốc ức chế miễn dịch liều cao.
Người đã tiêm đủ 2 liều vaccine Sinopharm (Vero cell) hoặc vaccine Sputnik V. Vaccine tiêm là loại cùng với liều cơ bản hoặc vaccine mRNA; hoặc vaccine Astrazeneca đối với người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine Sinopharm (Vero cell). Khoảng cách tiêm 1 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng.
Về mũi nhắc lại: Tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 được hiểu là mũi tiêm nhắc lại lần thứ 1. Tiêm vaccine mũi 4 là mũi tiêm nhắc lại lần thứ 2 cho thống nhất cách gọi. Việc tiêm mũi nhắc lại thứ 1 và 2 vaccine COVID-19 (tương đương lần tiêm thứ 3 và 4 hay 4 và 5 tuỳ đối tượng) giúp duy trì miễn dịch ở mức độ cao cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản.
Riêng với tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) sẽ đặc biệt hữu ích đối với những người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm việc các khu công nghiệp.
PV: Nhiều người cho rằng dịch đã được kiểm soát tốt, vì vậy không tiêm mũi 4, nhất là người đã tiêm đủ liều cơ bản và từng mắc COVID-19, thậm chí cả người có bệnh nền và cao tuổi cũng từ chối tiêm mũi nhắc lại. Ông có khuyến cáo gì cho người dân về điều này?
PGS. Phạm Quang Thái: Việt Nam đã ghi nhận 3 người bệnh nhiễm biến thể mới BA.5 thể nhẹ nhưng đáng lo ngại khi biến chủng này ngày càng chiếm đa số, nhiều người dân cho rằng, đã tiêm vaccine COVID-19 và cộng thêm việc đã bị nhiễm COVID-19 thì không cần tiêm vaccine mũi thứ 4, đây là suy nghĩ không đúng. Điều này đã từng xảy ra ở giai đoạn BA.1 và BA.2 lưu hành, rất nhiều người từng nhiễm Delta hoặc các chủng trước đó đã nhiễm lại và trong số đó có người bị bệnh rất nặng phải nhập viện điều trị.
Việc tiêm mũi 3, mũi 4 vaccine COVID-19 sẽ giúp khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ mắc bệnh COVID-19 bởi những người đã tiêm vaccine liều cơ bản và bị mắc COVID-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10-19 sau tiêm tức là khoảng 3-4 tháng sau tiêm.
Kết quả nghiên cứu tại Pháp cho thấy nếu được tiêm liều nhắc, những người này được bảo vệ khỏi tái nhiễm virus lên đến 81%. Còn kết quả nghiên cứu tại Hoa Kỳ thì cho rằng, những người từng mắc COVID-19 nếu chỉ tiêm 2 liều thì hiệu quả phòng nhập viện do tái nhiễm là 34,6%, nhưng nếu được tiêm liều nhắc thì hiệu quả này lên đến 67,6%.
Trong nước, tính tới ngày 4/7, trên toàn quốc đã có 45.533.296 người tiêm mũi nhắc thứ nhất (mũi 3) an toàn (đạt 67,9%), có 4.712.466 người được tiêm mũi nhắc thứ 2 (đạt 31,8%). Việc tiêm các mũi nhắc lại vaccine phòng COVID-19 là cần thiết, nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do COVID-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới.
PV: Có nhiều phụ huynh không cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm vaccine phòng COVID-19 khiến tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ ở lứa tuổi này đạt thấp; nhiều cha mẹ có con ở lứa tuổi 12-17 họ không cho con tiêm mũi 3. Ông nhìn nhận việc này như thế nào?
PGS. Phạm Quang Thái: Rất ít F0 là người lớn dương tính trên 10 ngày, phần lớn mọi người triệu chứng nhẹ nhàng, khỏi nhanh. Nhưng trẻ em có nhiều bé sốt cao tới 39-40 độ C, khò khè, thậm chí có nhiều trẻ khó thở, SpO2 tụt, phải hỗ trợ hô hấp. Ngoài ra, thời gian đào thải virus ở các bé này cũng rất lâu. Có trẻ 14-15 ngày vẫn còn dương tính.
Vì sao lại như vậy? Đó là do cơ thể các bé chưa được tập dượt với một "giả tác nhân" như vaccine. Vì thế, khi nhiễm virus thật, cơ thể bé sẽ có những phản ứng như sốt, ho và tình trạng đào thải virus lâu. Đây cũng chính là nguồn cơn của việc lây nhiễm trong cộng đồng.
Có những gia đình giữ gìn rất kỹ càng cho người lớn, nhưng trẻ con sang nhà hàng xóm chơi lại bị lây nhiễm, mang virus về lây cho cả nhà. Ngoài ra, sau một thời gian (có thể tới hàng tháng sau khi âm tính) trẻ lại có những dấu hiệu liên quan hậu COVID-19, như: Các vấn đề về hô hấp; cơ xương khớp; thần kinh; giảm khả năng nhớ, tập trung…
Các tạp chí y khoa lớn trên thế giới như The Lancet, The Nature… đã có các bài báo chuyên sâu liên quan hậu quả của COVID-19 ở trẻ nhỏ. Tại Việt Nam, Viện Nhi Trung ương đã ghi nhận sự tăng vọt các trường hợp đến khám sau đợt dịch vừa qua. Mỗi ngày có tới 6.000 trường hợp tới khám bệnh và trong đó khá nhiều có các biểu hiện liên quan tới bệnh truyền nhiễm hoặc hậu COVID-19.
Dù ở thời điểm hiện tại, chúng ta nhận thấy trẻ mắc COVID-19 thường diễn biến nhẹ, không có nghĩa là giai đoạn sau trẻ sẽ an toàn. Chính vì lý do đó, lứa tuổi này vẫn phải tiêm phòng vaccine COVID-19.
PV: Xin ông cho biết, với các loại vaccine phòng COVID-19 chúng ta đang triển khai tiêm chủng hiện nay có hiệu quả bảo vệ như thế nào với các biến thể phụ của Omicron và các biến chủng mới có thể xuất hiện trong tương lai?
PGS. Phạm Quang Thái: Những gì chúng ta biết đến thời điểm hiện tại là các biến thể, các nhánh BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn. Chưa có bằng chứng nào cho thấy độc lực của nó cao hơn nhưng với tỉ lệ mắc cao thì chắc chắn số nhập viện cũng sẽ tăng tương ứng. Nhưng vaccine hiện tại đang sử dụng tuy không đảm bảo khả năng phòng nhiễm nhưng vẫn có hiệu quả chống lại thể nặng và nhập viện của các biến thể BA.4 và BA.5. Vì vậy, vaccine hiện tại vẫn được coi là phương án tối ưu cho phòng chống COVID-19.
PV: Thưa ông, với tỷ lệ tiêm mũi 3 và mũi 4 còn thấp như hiện nay, việc biến chủng phụ BA.5 đã xâm nhập vào nước ta có gây nguy hiểm gì không? Việt Nam cần duy trì các biện pháp ứng phó như thế nào trong bối cảnh khi chưa khống chế hoàn toàn được dịch COVID-19 và vẫn còn nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới?
PGS. Phạm Quang Thái: Hiện nay, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia, đã xâm nhập vào Việt Nam và có khả năng tạo ra các ổ lây nhiễm tại cộng đồng trong khi các trường hợp xâm nhập vẫn liên tục xuất hiện tại Việt Nam. Như vậy, số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới do sự xuất hiện của biến thể phụ BA.5.
Để ứng phó với biến thể phụ BA.5 xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị đẩy nhanh tiêm phòng vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi và tiêm mũi 3, 4 cho người từ 18 tuổi trở lên. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới của COVID-19 để chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh. Các cơ sở điều trị cần đảm bảo năng lực thu dung, chủ động sẵn sàng các các biện pháp phòng, chống dịch theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, nhằm phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong.
Ở đây chúng ta thấy rằng vaccine là “vũ khí” chiến lược. Bởi vì trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh, mạnh như hiện nay với biến thể SARS-CoV-2, chúng ta thấy rằng biện pháp chống lây lan nhanh hoặc là các biện pháp hành chính xã hội, hoặc thuốc và các biện pháp dự phòng không đặc hiệu sẽ khó đáp ứng được một cách lâu dài. Do có miễn dịch từ vaccine bổ sung và tăng cường, người ta có thể yên tâm hơn để đi bất cứ nơi đâu mà vẫn cảm thấy an toàn.
PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS!