Mang lại ánh sáng cho người bệnh từ giác mạc nhập khẩu

Thứ Ba, 15/10/2024, 16:50

Theo thống kê từ Bộ Y tế, Việt Nam hiện có hơn 300 nghìn người bệnh bị mù loà do các bệnh lý về giác mạc đang chờ ghép giác mạc.

Tại Toạ đàm chia sẻ kinh nghiệm thu nhận và điều phối giác mạc Việt Nam và Singapre do Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia và Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tổ chức chiều 15/10, PGS.TS.BS Hoàng Thị Minh Châu, Giám đốc Ngân hàng Mô, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, chỉ trong 8 tháng, Bệnh viện đã thu nhận 57 giác mạc từ nhiều nguồn hiến. Trong đó, thu nhận 2 ca hiến tặng trong nước, còn lại là giác mạc hiến tặng từ các ngân hàng Mắt của Mỹ.

 Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 thực hiện thành công 42 ca ghép giác mạc, mang lại ánh sáng cho nhiều người bệnh mù loà. Số giác mạc còn lại được điều phối sang các bệnh viện khác.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam, từ tháng 5 tới nay, số lượng ca hiến tạng từ người chết não tăng gấp 3 lần, các ca ghép tạng trong đó có ghép hiến giác mạc tăng 10% so với thời điểm trước.

Mang lại ánh sáng cho người bệnh từ giác mạc “nhập khẩu” -0
Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 ghép giác mạc mang lại ánh sáng cho người mù.

Tuy nhiên, với ghép giác mạc còn một số khó khăn bởi Việt Nam hiện chỉ có 2 cơ sở y tế có khả năng thu, ghép giác mạc trên cả nước; bên cạnh đó số lượng giác mạc hiến ít.  

“Ngoài nguồn hiến trong nước, Việt Nam được tặng nguồn giác mạc từ nước ngoài. Tuy nhiên, thủ tục hải quan và bảo quản giác mạc còn khó khăn bởi giác mạc không phải bệnh phẩm, không phải thiết bị y tế, hay mẫu vi sinh vật, mà giác mạc là mô cần bảo quản sống. Vì vậy, các cơ quan chức năng, các cơ sở thu, ghép giác mạc cần có kiến nghị chính thức tới Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan cần tạo điều kiện về thủ tục để chuyển nguồn giác mạc từ nước ngoài về Việt Nam ghép cho người bệnh được sớm nhất”, bà Tiến cho biết.

Tại Việt Nam, việc lấy - ghép giác mạc được thực hiện từ năm 2007. Đến nay, đã có hơn 3.000 người được ghép giác mạc, trong đó có hơn 50% là từ nguồn người hiến tại cộng đồng, tập trung chủ yếu ở Ninh Bình, Nam Định... , nhiều nhất là năm 2020, có 169 người được ghép.

Đến nay, hơn 20 tỉnh thành đã có người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Tuy nhiên, số người mù vì bệnh lý giác mạc đang rất lớn, khoảng hơn 30.000 người, nhưng con số ghép được rất ít ỏi. Trong số bệnh nhân chờ ghép giác mạc, nhiều nhất là ở độ tuổi 30-60, có cả trẻ em.

Giác mạc chỉ được thu nhận sau khi người hiến tặng qua đời. Thời gian tốt nhất để lấy giác mạc trong khoảng 6-8 giờ sau khi người hiến mất. 

Theo báo cáo của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, từ năm 2010 đến 2020, mỗi năm nước ta có 10-11 ca chết não hiến tạng. Riêng năm 2023, có 14 ca chết não hiến tạng. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2024, có 25 ca chết não hiến mô, tạng, góp phần tăng số tạng hiến từ người chết não đạt 87/892 bệnh nhân ghép (tương đương 10,49%). Đây được coi là con số kỷ lục của Việt Nam vì trước đây, tỷ lệ hiến tạng từ người chết não chỉ chiếm khoảng 5-6%.

Tính đến tháng 9/2024, sau 32 năm triển khai ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước ghi nhận 180 ca chết não hiến tạng. Ghép tạng là phương pháp điều trị duy nhất để cứu sống bệnh nhân trong một số trường hợp. Hiện, nước ta đã thực hiện thành công ghép hầu hết các tạng như các nước phát triển đã thực hiện, gồm: Ghép thận, gan, tim, phổi, tuỵ, ruột, khí quản, chi thể…

Năm 2023, Việt Nam ghép tạng cho 1.000 người, đưa nước ta trở thành quốc gia có nhiều người được ghép tạng nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, danh sách chờ ghép tạng vẫn còn dài, hàng ngày vẫn có nhiều người bệnh qua đời vì không có tạng ghép. Vì vậy, vận động hiến mô, tạng là nền tảng của phát triển nguồn hiến mô, tạng từ người cho chết não; cần được truyền thông rộng rãi để nâng cao nhận thức của cộng đồng về nghĩa cử cao đẹp hiến mô, tạng cứu người.

Trần Hằng
.
.
.