Loay hoay tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và nợ đọng

Thứ Hai, 05/08/2024, 08:16

Trong suốt thời gian qua, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh luôn trong tình trạng chật vật, loay hoay vật lộn với vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế và nợ đọng ngày càng lớn tại các trung tâm y tế sau sáp nhập.

Năm 2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh được UBND tỉnh phê duyệt các quyết định mua sắm, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thiết bị Hệ thống chụp cắt lớp vi tính 32 lát cắt/vòng quay, với số tiền hơn 7,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua 2 lần đấu thầu liên tiếp vẫn không có nhà thầu nào tham dự nên phải hủy thầu và thực hiện quy trình đấu thầu lại theo quy định.

Tháng 1/2024, trên cơ sở báo cáo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và Sở Tài chính Hà Tĩnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn yêu cầu Sở Tài chính, Sở Y tế theo chức năng, nhiệm vụ của mình, căn cứ các quy định hiện hành có liên quan, chịu trách nhiệm hướng dẫn Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh thực hiện kịp thời việc mua sắm Hệ thống chụp cắt lớp vi tính 32 lát cắt/vòng quay đảm bảo mục đích, yêu cầu, hiệu quả. Ngày 1 và ngày 9/7/2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành các Quyết định số 1599/QĐ-UBND và 1655/QĐ-UBND, phê duyệt mua sắm và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để tiếp tục tổ chức đấu thầu mua sắm thiết bị này theo quy định.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Tĩnh, đến thời điểm hiện nay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đang xảy ra tình trạng thiếu vật tư y tế. Nguyên nhân là do công tác mua sắm, sửa chữa thiết bị y tế gặp khó khăn, vướng mắc do thẩm định giá mất nhiều thời gian, quá trình tiếp cận thông tin về giá, có xảy ra tình trạng đấu thầu không thành công do giá thẩm định thấp hơn so với giá thực tế thị trường; thời gian thực hiện mua sắm kéo dài dẫn đến một số thiết bị sau khi trúng thầu nhà sản xuất không còn sản xuất thiết bị, linh kiện như cấu hình kỹ thuật do lỗi thời; cung ứng thiết bị không kịp thời do khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện quy trình nhập khẩu. Ngoài ra, có tình trạng nguồn kinh phí không bố trí kịp thời cũng ảnh hưởng đến quá trình mua sắm trang thiết bị.

Nhiều thiết bị có niên hạn sử dụng quá lâu, khi hư hỏng không còn linh kiện tương ứng để sửa chữa, thay thế. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, máy X-Quang vú hư hỏng trong thời gian dài nhưng không thể sửa chữa do niên đại sử dụng lâu, không có linh kiện để thay thế. Trong khi đó, máy tán sỏi cũng hư hỏng, dù chưa đến mức nồi đồng cối đá, song đây là thiết bị máy móc đặc thù, phải nhân viên hãng mới kiểm tra, xử lý được trong khi sự quan tâm này chưa thường xuyên và kịp thời.

Một số thiết bị khác việc sửa chữa phải thực hiện theo quy trình thủ tục, quy định nhất định, mất nhiều thời gian. Trong khi thiết bị y tế là thiết bị đặc thù chủ yếu là thiết bị nhập khẩu, sản xuất ở nhiều nước, cấu hình năm sản xuất khác nhau, linh kiện trên thị trường khan hiếm. Cùng với đó, các cơ sở y tế tại Hà Tĩnh tiến hành mua sắm trùng vào thời điểm giao thoa hiệu lực giữa các Luật giá số 11/2012/QH13 ngày 20/6/2012 và Luật giá số 16/2023/QH15 ngày 19/6/2023 nên khó khăn trong quá trình thực hiện.

vat-tu.jpg -0
Người dân đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế ở Hà Tĩnh vẫn gặp khó vì tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.

Được biết, ngoài khó khăn về thiết bị y tế thì hiện nay, việc cung ứng thuốc phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh tại các tuyến y tế cơ sở nói chung và các cơ sở khám chữa bệnh nói riêng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cũng đang gặp khó khăn, chủ yếu từ nguồn đấu thầu cấp địa phương, thuốc đấu thầu cấp quốc gia và một phần đơn vị tự mua sắm. Việc đấu thầu đối với mặt hàng đặc thù này, trong và sau thời điểm diễn ra đại dịch COVID-19 rất ít doanh nghiệp quan tâm.

Đơn cử, đối với gói thầu cung cấp thuốc hóa dược, gói thầu cung cấp thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền được tiến hành dưới hình thức tập trung cấp địa phương năm 2022, cung cấp năm 2023 và năm 2024. Lần thứ nhất, tổ chức đấu thầu vào tháng 2/2023 bất thành, đến tháng 10/2023 phải tiến hành đấu thầu lần thứ 2, kết quả chỉ có 884 mặt hàng trúng thầu trong tổng số 1.024 mặt hàng đưa ra đấu thầu, theo kế hoạch chỉ đạt 86,3%.

Đối với các thuốc không trúng thầu, UBND tỉnh Hà Tĩnh phải chỉ đạo Sở Y tế hướng dẫn các đơn vị rà soát, chủ động sử dụng thuốc cùng hoạt chất, cùng tác dụng điều trị để thay thế hoặc xin điều chuyển từ các đơn vị khác, hoặc tự mua sắm đối với các thuốc không có thay thế, điều chuyển để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Trong các năm 2023 và 2024, các cơ sở y tế trên địa bàn đã thực hiện 51 lượt điều chuyển thuốc cấp địa phương, 32 lượt điều chuyển thuốc cấp quốc gia giữa các cơ sở y tế; các cơ sở y tế đã chủ động thực hiện 27 đợt mua sắm thuốc để đảm bảo cung ứng thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Mặc dù vậy, thực trạng cung ứng vật tư y tế, hoá chất, sinh phẩm tại một số có sở y tế trên địa bàn vẫn còn khó khăn dẫn đến còn tình trạng thiếu một số vật tư y tế, hoá chất, sinh phẩm. Mặc dù tỉnh đã cho cơ chế để các cơ sở y tế chủ động thực hiện mua sắm nhưng vẫn còn một số đơn vị chưa chủ động hoặc chậm trễ trong việc tự mua sắm dẫn đến tình trạng thiếu thuốc. Ngoài ra, một số đơn vị chưa thực hiện công nợ theo đúng hợp đồng đã ký kết nên nhà thầu không cung ứng thuốc. Danh mục thuốc được sử dụng tại các Trạm y tế được thực hiện theo quy định tại các Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế còn hạn chế, chưa đa dạng nên người dân phải lên tuyến trên mới nhận được đầy đủ các thuốc, không thuận tiện cho người dân đi khám chữa bệnh ban đầu.

Song song với tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, ngành y tế Hà Tĩnh trong thời gian qua cũng đang “đau đầu” trong việc giải quyết tình trạng công nợ tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn phát sinh và kéo dài qua các năm. Một số trung tâm y tế sau khi thực hiện sáp nhập với Bệnh viện đa khoa tuyến huyện, số công nợ còn lớn, lên đến hàng chục tỷ đồng như Trung tâm y tế huyện Hương Khê là 15,3 tỷ đồng; Trung tâm y tế huyện Đức Thọ là 17,3 tỷ đồng...

Nguyên nhân được xác định là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các nguồn thu bị giảm mạnh, việc khắc phục hậu quả dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Nguồn thu không đảm bảo nên xảy ra tình trạng nợ các nhà cung cấp thuốc, vật tư, hóa chất và các dịch vụ khác. Nguồn kinh phí cấp ứng và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT từ cơ quan bảo hiểm xã hội, các bệnh viện ưu tiên sử dụng để chi trả tiền lương và các chế độ cho người lao động dẫn đến công nợ ngày càng lớn.

Trong đó, theo lãnh đạo Sở Y tế, nguyên nhân chính vẫn là do cơ chế thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT còn nhiều bất cập. Chi phí vượt trần, vượt dự toán, vượt tổng mức từ năm 2017 đến nay vẫn còn tồn đọng, chưa quyết toán dứt điểm và kịp thời, ảnh hưởng đến nguồn kinh phí hoạt động chi thường xuyên và thanh toán công nợ.

Thiên Thảo
.
.
.