Liên tiếp phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ, cần làm gì để ứng phó?

Thứ Ba, 10/10/2023, 07:06

Chỉ trong thời gian ngắn, TP Hồ Chí Minh liên tiếp phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ, đã khiến người dân lo ngại, liệu ổ dịch có tồn tại trong cộng đồng? Tính đến nay, Việt Nam ghi nhận 15 ca đậu mùa khỉ, trong đó 2 ca du nhập (2022), 1 ca phát hiện tại Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 7 năm nay, còn lại lây nhiễm trong nước được ghi nhận từ cuối tháng 9 đến nay.

Theo báo cáo mới của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, vào ngày 6/10, TP phát hiện thêm 4 ca mắc mới đậu mùa khỉ, nâng tổng số ca bệnh tính đến thời điểm này lên 13 trường hợp. Trong số những ca mắc, có 1 ca được phát hiện tại Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 7/2023 và 2 ca xâm nhập; những ca còn lại phát hiện trong nội địa 2 tuần vừa qua.

Như vậy, đến thời điểm này, tại khu vực phía Nam đã ghi nhận 15 ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, trong đó TP Hồ Chí Minh 13 ca và 2 ca ở Bình Dương. Theo các chuyên gia dịch tễ, đậu mùa khỉ có nhiều con đường lây như tiếp xúc thân gần kéo dài (hôn, quan hệ tình dục, hít phải giọt bắn, dịch tiết… hoặc từ nguồn động vật hoang dã).

Liên tiếp phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ, cần làm gì để ứng phó? -0
Điều trị cho bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ ở Bình Dương.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ qua các trường hợp được báo cáo trong đợt bùng phát đậu mùa khỉ tại hơn 100 quốc gia trên thế giới vào năm 2022-2023, bệnh đầu mùa khỉ hiện nay có 2 đặc điểm quan trọng.

Đặc điểm thứ nhất là hầu hết bệnh xảy ra trên những người đồng tính nam (MSM), người song tính, những người có nhiều bạn tình hoặc người mới có bạn tình là nhóm có nguy cơ rất cao. Đậu mùa khỉ chủ yếu lây qua đường quan hệ tình dục.

Đặc điểm thứ hai là đa số bệnh nhân đậu mùa khỉ có phát ban, bóng nước xuất hiện ở bộ phận sinh dục do liên quan đến đường lây là quan hệ tình dục không an toàn, không dùng bao cao su bảo vệ.  Qua 2 đặc điểm mô tả trên, có thể thấy rằng, đậu mùa khỉ không dễ lây lan ra cộng đồng. Bệnh có cách lây gần giống HIV do tiếp xúc, cọ sát với mụn nước, quan hệ tình dục với người đang mắc bệnh.

"Bệnh lây lan trong cộng đồng hẹp, nên người dân cần bình tĩnh, không hoang mang, cần có kiến thức để hiểu biết phòng tránh. Đồng thời không nên chủ quan, nhất là ở những người trong nhóm nguy cơ cao, cần phòng bệnh bằng cách quan hệ tình dục an toàn, tránh tiếp xúc gần với người có nghi ngờ mắc bệnh…", PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) nhận định.

Do những đặc điểm mô tả trên, vào ngày 11/5/2023, WHO đã chính thức tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây lo ngại trên toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà dịch tễ cho biết, đậu mùa khỉ sẽ tự thải trừ hoàn toàn virus và lành bệnh nếu bệnh nhân có miễn dịch tốt. Bệnh sẽ diễn tiến nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng đối với người suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, xơ gan, đái tháo đường…

BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, đậu mùa khỉ đã lây lan ở phạm vi nhiều nước trên thế giới, do vậy, việc xâm nhập vào Việt Nam là khó tránh khỏi. Theo đó, các cơ sở y tế phải luôn sẵn sàng ứng phó khi có ca bệnh xuất hiện, thậm chí là tình huống sau này dịch lưu hành tại Việt Nam.

Về nghi vấn có ổ dịch đậu mùa khỉ trong cộng đồng hay không? Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cần phải điều tra dịch tễ một cách kỹ càng, bởi đây là bệnh không lưu hành ở Việt Nam, có nguồn gốc từ châu Phi và châu Âu. Vì vậy, điều tra dịch tễ kỹ xem các bệnh nhân trên có tiếp xúc với người nước ngoài và người từ nước ngoài về hay không. Hoặc có khả năng, người từ nước ngoài về đã khỏi bệnh, nhưng người tiếp xúc không biết, hoặc biết nhưng giấu không khai. Ngoài ra, cần giám sát ở cộng đồng xem có bệnh nhân nào mới không. Nếu chưa điều tra kỹ thì chưa kết luận được.

BS Nguyễn Trung Cấp cho rằng, về cơ bản, đậu mùa khỉ là bệnh dễ lây nhiễm. Tuy nhiên, độc lực của bệnh không quá mạnh, không có nguy cơ gây tử vong cao. Do vậy, bệnh được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B và cần thực hiện các biện pháp phòng, chống như các bệnh truyền nhiễm khác trong nhóm B, có đường lây tương tự. "Khi dịch chưa lưu hành ở Việt Nam, chúng ta cần cố gắng phát hiện sớm những ca mắc bệnh để khoanh vùng, cách ly sớm. Đồng thời, giám sát những người tiếp xúc gần để cách ly sớm. Đây là những biện pháp phòng, chống dịch đơn giản và hiệu quả nhất", BS Cấp nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, trong lúc này, ngành Y tế cần điều tra và giám sát chặt chẽ, tăng cường giám sát ở cửa khẩu, những người đi từ vùng dịch tễ về. "Quan trọng phải đánh giá nguy cơ, nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó, không để dịch rơi vào tình trạng mất kiểm soát, nhưng cũng không đầu tư quá tốn kém, gây lãng phí nguồn lực vì còn phải đang chống nhiều dịch khác. Đồng thời cũng đẩy mạnh tuyên truyền để người nghi ngờ mắc bệnh chủ động cách ly và đến cơ sở y tế thăm khám sớm nhất, tránh giấu bệnh, làm nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng".

Trần Hằng
.
.
.