Làm thế nào để cai thuốc lá thành công?

Thứ Bảy, 02/11/2024, 20:38

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, sau hơn 10 năm thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá, tỷ lệ hút thuốc lá chủ động ở người trưởng thành Việt Nam có giảm nhưng khá chậm, với tỷ lệ chung ở cả hai giới là 20,8%; tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành là 41,1% (2021), thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Hút thuốc lá chủ động và thụ động là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, gánh nặng bệnh không lây nhiễm bao gồm các bệnh chính là tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…đang gia tăng nhanh chóng, chiếm tới 81% nguyên nhân tử vong và 73% tổng gánh nặng bệnh tật.

cai nghiện (2).jpg -0
Nhiều người tìm tài liệu, phương pháp cai thuốc lá hiệu quả.

Hiện kiểm soát yếu tố nguy cơ là biện pháp hiệu quả nhất, cũng là quan trọng nhất để ngăn ngừa và kiểm soát bệnh không lây nhiễm. Sử dụng thuốc lá nằm trong nhóm các yếu tố nguy cơ hành vi hàng đầu cần kiểm soát.

Khói thuốc lá chứa nhiều loại hoá chất độc hại cho cả người hút và người không hút. Thậm chí, trong không khí chỉ có một ít khói thuốc cũng có thể gây hại. Trong hói thuốc lá có hơn 7.000 hoá chất khác nhau, trong đó, ít nhất 250 hoá chất độc hại, bao gồm: hydrogen cyanide, carbon monoxide, và ammonia. Trong số 250 loại hóa chất độc hại, có ít nhất 69 loại có thể gây ung thư.

Nhiều người nghiện thuốc lá 20-30 năm đã bỏ thuốc vài lần nhưng vẫn “tái nghiện”. Có người mặc bệnh mãn tính như đái tháo đường nhưng vẫn không bỏ được thuốc lá. Anh Phạm Văn Việt (40 tuổi, Thanh Hoá) chia sẻ: “Tôi đã cai thuốc 3 lần nhưng vẫn hút lại. Biết là có hại, đặc biệt với người mắc bệnh đái tháo đường như tôi, nhưng rất khó cai”.

Cai thuốc lá không còn là chuyện mới, nhưng với nhiều người lại khá khó khăn. Để cai thuốc lá được dứt điểm, thành công, ThS.BSCKII Vũ Thị Dịu, Phó trưởng Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện 19-8 khuyến cáo một số sản phẩm hỗ trợ cai thuốc lá như sau:

Người cai thuốc lá nên sử dụng miêng dán nicotine dán trực tiếp lên da mỗi ngày một lần và chỉ nên sử dụng vào ban ngày.

Sử dụng viên ngậm nicotine, điều trị thường kéo dài khoảng 12 tuần. Sau 1-2h sẽ ngậm 1 viên trong 6 tuần đầu tiên, 2-4h/1 viên trong tuần thứ 7-9 và cứ sau 4-8h trong tuần thứ 10-12.

Thuốc xịt mũi nicotine (loại xịt này chỉ bán theo đơn), cung cấp nicotine vào máu một cách nhanh chóng bằng một lần xịt vào mỗi mũi với liều lượng một hoặc hai lần trong 1h.

Thuốc hít nicotine (bán theo đơn), chất nicotine được giải phóng từ ống hít vào trong miệng.

Sử dụng dẹo cao su nicotine, mỗi hộp 48 miếng và nhai một miếng kẹo cao su sau 1h-2h, nhưng không quá 24 miếng mỗi ngày.

Người cai thuốc lá có thể dùng các loại thuốc nicotine như Bupropion (Zyban) là loại thuốc duy nhất được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận để hỗ trợ bỏ thuốc lá mà không có chứa nicotine. Bắt đầu sử dụng thuốc này trước từ 1 đến 2 tuần tính từ ngày bắt đầu bỏ thuốc lá và sử dụng trong 7-12 tuần.

Trần Hằng
.
.
.