Làm gì để giải tỏa áp lực "hậu COVID-19" cho học sinh?

Thứ Tư, 18/05/2022, 08:20

Tại Diễn đàn “Điều em muốn nói” do Hội đồng Đội Trung ương, báo Tiền Phong phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào Hà Nội, UBND quận Ba Đình lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội ngày 17/5, nhiều chuyên gia cho rằng, áp lực là điều luôn có trong cuộc sống để các em nỗ lực vươn lên.

Tuổi vị thành niên là giai đoạn các em phải đối mặt với nhiều áp lực, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 kéo dài. Tuy vậy, điều quan trọng là khi gặp chuyện hay rơi vào khủng hoảng tâm lý, các em cần được chia sẻ và có được sự hỗ trợ kịp thời để tránh được những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Ngoài những khó khăn chung mà học sinh gặp phải sau thời gian tạm dừng tới trường, phải chuyển sang học trực tuyến kéo dài do dịch COVID-19 như khả năng tập trung trong học tập, thực hiện các nhiệm vụ học tập chưa tốt, các chuyên gia  cũng chỉ ra rằng, khả năng quản lý cảm xúc của các em cũng có vấn đề. Một số em dễ nóng giận, căng thẳng và áp lực, nhất là khi không nhận được sự đồng cảm của bố mẹ. Các em chưa biết cách chuyển hóa những căng thẳng lo âu nên dễ tạo thành những suy nghĩ, hành động bột phát. Và trên thực tế, đã có những câu chuyện đau lòng xảy ra trong thời gian qua.

Theo bà Vũ Kim Nga, nhân viên tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111,  số liệu thống kê của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em cho thấy, kể từ khi xuất hiện đại dịch COVID-19 đến nay, số lượng trẻ gọi điện đến không gia tăng nhưng nội dung cuộc gọi đã nảy sinh nhiều vấn đề mới. Nếu như trước đại dịch trẻ gặp ít sang chấn tâm lý, ít trầm cảm hơn nhưng trong và sau dịch, nhiều trẻ đã gọi chia sẻ tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, trầm cảm. Nguyên nhân có thể do trẻ ở nhà quá nhiều, dẫn đến bí bách cộng thêm mâu thuẫn khó giải quyết trong các mối quan hệ với bố mẹ, người thân.

1.jpg -0
Sự thấu hiểu, chia sẻ của người thân, thầy cô, bạn bè sẽ giúp học sinh vượt qua căng thẳng, áp lực. Ảnh minh hoa.

Cũng có trường hợp khẩn cấp trẻ không tự giải quyết được vấn đề của mình, đã yêu cầu trợ giúp. Khi đó, đơn vị đã kết nối với chính quyền địa phương để đến làm việc với gia đình, can thiệp kịp thời các nguy cơ có thể xảy ra. Điều đáng nói, thời gian gần đây, Tổng đài nhận được nhiều cuộc gọi liên quan đến việc trẻ em bị bố mẹ bạo hành tinh thần. Một số trẻ cho rằng, phụ huynh không thấu hiểu con cái dẫn đến chửi mắng, sử dụng những từ ngữ khiến con tổn thương. Và tình trạng này đang có xu hướng gia tăng ở học sinh ở bậc THCS -THPT.

Cũng theo chia sẻ của bà Nga, tổng đài cũng đã tiếp nhận điện thoại của nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi dậy thì, tuổi vị thành niên, họ than phiền ngày càng không hiểu con muốn gì. “Qua câu chuyện chia sẻ chúng tôi thấy rằng, không ít người đang áp dụng cách mình được giáo dục từ xưa để dạy trẻ, không đặt mình ở độ tuổi của con để suy nghĩ trong khi các em ngày nay có sự nhạy cảm hơn. Vai trò của giáo viên cũng tác động rất lớn đến tâm lý của các em. Một số học sinh nói rằng, ở nhà chịu áp lực từ cha mẹ, đến trường lại lo lắng, áp lực từ một số thầy cô. Mặc dù hiện nay có rất nhiều kênh để hỗ trợ trẻ tuy nhiên các em có biết, tiếp cận hay không lại là chuyện khác”-bà Nga chia sẻ.

Là người may mắn khi có nhiều năm công tác trong lĩnh vực tư vấn, chăm sóc sức khoẻ vị thành niên, TS.BS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe trẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Từ những cuộc tiếp xúc, chia sẻ của nhiều bậc phụ huynh đưa con đến bệnh viện tìm sự tư vấn, hỗ trợ tâm lý, có thể thấy mong muốn của các em là sự thấu hiểu từ cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Điều này thoạt nghe thì dễ nhưng thực tế lại rất khó.

“Chúng tôi muốn các em hiểu rằng việc chia sẻ đôi khi rất khó khăn nhưng các em hãy tiếp tục chia sẻ thì thầy cô, cha mẹ mới hiểu và chia sẻ được với các em để các bên cùng hiểu nhau. Mong các em sẽ tham gia phối hợp để giúp cho mình có một sức khoẻ tinh thần thực sự khoẻ khoắn"- TS. BS Đỗ Minh Loan đưa ra lời khuyên.

TS. Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP. Hà Nội nhìn nhận: Diễn biến áp lực tâm lý sau dịch COVID-19 chỉ là nhất thời, quan trọng là tuổi học đường luôn phải đối mặt với nhiều áp lực, vấn đề là chúng ta nhìn nhận, phát hiện, giải quyết ra sao. Ông Sơn cho rằng, áp lực lớn nhất chính là từ gia đình khi cha mẹ nào cũng mong con giỏi giang. Điều này vô tình tạo áp lực cho con trẻ. Áp lực thứ hai là từ phía nhà trường khi trường nào cũng đều có quy chuẩn của mình và đòi hỏi học sinh phải đáp ứng. Tiếp đến là áp lực từ cuộc sống và áp lực từ bản thân các em. Vấn đề đặt ra là các em cần phải bình tĩnh, nhìn nhận vấn đề đầy đủ xem mình đang bị áp lực từ phía nào và tìm hướng giải quyết.

“Tôi khuyên các em, nếu là áp lực đến từ bố mẹ thì hãy mạnh dạn trình bày ý muốn với bố mẹ, nói 1 lần chưa được thì nói nhiều lần vì cuộc đời này không ai thương mình bằng bố mẹ. Bố mẹ là người gần gũi các em nhất, bố mẹ là người luôn yêu thương các con, tạo cơ hội cho con đạt ước mơ. Tại trường, các thầy cô giáo rất gần gũi, các em có thể chọn giáo viên để tâm sự, chia sẻ, hãy mạnh dạn nói suy nghĩ của mình để thầy cô lưu ý cũng như định hướng chúng ta tới cái tốt… Có một số học sinh cũng thừa nhận mình chịu áp lực trong học tập nhưng các em đừng cho mình quyền được sinh ra và bố mẹ phải phụng sự. Hãy để mình quyền yêu thương, chia sẻ với bố mẹ, thấy trách nhiệm của mình với sự vất vả của bố mẹ, với sự khó khăn vất vả của mẹ mỗi giờ cuối ngày”- TS Nguyễn Thanh Sơn nhắn nhủ.

Huyền Thanh
.
.
.