Khi nào trẻ em Việt Nam được tiêm vaccine phòng COVID-19?

Thứ Tư, 15/09/2021, 07:53

Khi nào Việt Nam tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em? Đây là điều được nhiều bậc phụ huynh quan tâm, nhất là các tỉnh đang hứng chịu hậu quả của đại dịch.

Vụ việc bé gái 13 tuổi ở Cần Thơ được tiêm 2 mũi vaccine Pfizer phòng COVID-19 đã gây xôn xao dư luận trong mấy ngày qua. Gần đây, phụ huynh ở Hà Nội cũng xôn xao khi có thông tin tại một bệnh viện trên địa bàn tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. Vậy, khi nào Việt Nam tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em? Đây là điều được nhiều bậc phụ huynh quan tâm, nhất là các tỉnh đang hứng chịu hậu quả của đại dịch.

Trong đợt dịch thứ 4, trẻ em ở nước ta là đối tượng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi có nhiều em mắc COVID-19, thậm chí có trẻ sơ sinh vài tháng tuổi cũng trở thành F0. Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ đầu đại dịch đến nay, đã có hơn 15.000 trẻ em Việt Nam mắc COVID-19, chủ yếu tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh.

Tính đến đầu tháng 9, TP Hồ Chí Minh đã điều trị cho khoảng 14.800 trẻ em dưới 16 tuổi mắc COVID-19, trong đó có 12.000 em đã khỏi bệnh, còn hơn 2.800 ca đang điều trị. Có 13 trường hợp bệnh nhân là trẻ em tử vong, chiếm tỷ lệ 0,1%. Các trường hợp này hầu hết có bệnh lý nền, trong đó có trường hợp rất nặng như ung thư.

Khi nào trẻ em Việt Nam được tiêm vaccine phòng COVID-19? -0
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em đang là mối quan tâm của các gia đình.

Tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh điều trị cho một số ca bệnh COVID-19 là trẻ em bị béo phì, bệnh nguy kịch rất nhanh, tổn thương phổi nặng nề, suy hô hấp, phải thở máy, lọc máu, đối mặt với nguy cơ tử vong.

Tại Hà Nội, từ khi bùng phát đợt dịch thứ tư, số ca nhiễm trẻ em tăng lên nhanh chóng. Theo BS Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đã có hàng trăm bệnh nhi phải nằm viện điều trị vì mắc COVID-19 trong thời gian qua, trong đó có cả những em nhỏ mới chào đời.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và ghi nhận ở một số quốc gia, bệnh COVID-19 ở trẻ em thường nhẹ, nhất là trẻ nhỏ, nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng là thấp. Trong số các ca COVID-19 diễn biến nặng, trẻ em và vị thành niên dưới 18 tuổi chỉ chiếm 2-4,8%. Tuy nhiên, về mặt sức khỏe, trẻ em sẽ chịu những ảnh hưởng lâu dài nếu bị nhiễm bệnh. Đặc biệt, những trẻ em và thanh thiếu niên có bệnh lý nền, tình trạng nặng hơn nhiều nếu mắc COVID-19.

Có lẽ do lo lắng với virus SARS-CoV-2 biến chủng Delta nên vừa qua, nhiều bậc phụ huynh rất quan tâm tìm hiểu khi nào con em họ được tiêm vaccine. Và vì sao khi Việt Nam chưa tiêm vaccine cho trẻ em thì cháu bé 13 tuổi ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ đã tiêm 2 mũi vaccine?

Theo Giám đốc Trung tâm Y tế Cần Thơ Nguyễn Kim Hải trả lời trên báo chí, ở địa bàn có vài trường hợp dưới 18 tuổi đã tiêm vaccine phòng COVID-19, trong đó có bé gái 13 tuổi. Các trường hợp này là con em của cán bộ y tế, người nhà của nhân viên tham gia phòng, chống dịch. Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Kim Hải và nhân viên y tế phường Tân Lộc đã bị đình chỉ công tác để làm rõ trách nhiệm.

Mới đây, nhiều bậc phụ huynh ở Hà Nội cũng xôn xao thông tin một bệnh viện trên địa bàn TP tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. Sau khi xác minh, một số phụ huynh cho biết, đây chỉ là tin “fake”.

Những lo lắng và mong mỏi được tiêm vaccine để bảo vệ trẻ em trước COVID-19 là hoàn toàn chính đáng. Song, do vaccine phòng COVID-19 đều được nghiên cứu và cấp phép trong điều kiện khẩn cấp, nên hiện nay tại một số quốc gia việc tiêm thận trọng và kế hoạch tiêm vaccine cho đối tượng này chưa thể mở rộng.

Theo TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, ở tuổi càng trẻ, việc đáp ứng với vaccine càng mạnh nên việc thử nghiệm lâm sàng vaccine cho trẻ em phức tạp hơn và đòi hỏi sự quan sát, giám sát chặt chẽ hơn. Do đó, khi tính tới tiêm vaccine cho trẻ em, các nhà sản xuất phải có sự điều chỉnh hàm lượng, thậm chí điều chỉnh công thức để không gây ra phản ứng quá mạnh ở trẻ em và ở những người trẻ tuổi.

“Như vậy, vaccine cho trẻ cần phải nghiên cứu, thử nghiệm trong một quá trình lâu dài để đánh giá tác động đến trẻ em như thế nào, có ảnh hưởng tới gene, đến các tế bào đang trong giai đoạn sinh trưởng hay không, có làm biến đổi gì về nhận thức, vận động của trẻ không”, TS Thái nhấn mạnh.

Khi nào trẻ em Việt Nam được tiêm vaccine phòng COVID-19? -0
Trong đợt dịch thứ 4, nhiều trẻ em ở Việt Nam đã trở thành F0.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Y tế xây dựng phương án cụ thể về việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho học sinh. Điều này nhằm tiến tới cho học sinh đã được tiêm vaccine sớm có thểtrở lại trườnghọc như cách làm của một số nước.

Khi nào trẻ em Việt Nam được tiêm vaccine phòng COVID-19? Trao đổi với phóng viên Báo CAND về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế dự kiến cung ứng được 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đến hết tháng 4/2022 để hoàn thành mục tiêu. Nhưng hiện nay do điều kiện cung ứng, tiếp cận vaccine cả thế giới khó khăn, trong đó có Việt Nam, nên trong Nghị quyết 21 của Chính phủ và Quyết định 3355 của Bộ Y tế, trước mắt ưu tiên lực lượng tuyến đầu chống dịch và tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên.

“Tới đây khi vaccine về nhiều và về đầy đủ, lúc đó Bộ Y tế sẽ hướng dẫn tiêm cho đối tượng dưới 18 tuổi. Theo hướng dẫn, UBND tỉnh sẽ có quyết định tiêm cho trẻ dưới 18 tuổi”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói và cho biết thêm, quy trình triển khai tiêm sẽ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Dự án Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia, có sự tổng hợp kinh nghiệm của nước ngoài. Tuy nhiên, quy trình tiêm vẫn phải khám sàng lọc trước, em nào đủ điều kiện sẽ tiêm, em nào chưa đủ điều kiện thì chưa tiêm, hoặc đưa đến cơ sở điều trị để tiêm cho an toàn.

Trần Hằng
.
.
.