Khám, chữa bệnh từ xa, giải quyết các ca bệnh khó ngay từ tuyến dưới

Chủ Nhật, 12/12/2021, 10:22

Trong đại dịch COVID-19, nền tảng hỗ trợ tư vấn Hội chẩn trực tuyến khám, chữa bệnh từ xa là giải pháp hiệu quả giúp người bệnh được tư vấn, chẩn đoán, hỗ trợ quá trình điều trị bệnh mà không cần trực tiếp đến bệnh viện để thăm khám, góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng, giúp người bệnh được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương, tiết kiệm rất nhiều chi phí trong quá trình điều trị.

Có những ca bệnh ở tận hải đảo xa xôi, chưa kịp đưa vào đất liền, nhưng bằng kết nối trực tuyến với bệnh viện tuyến trung ương, các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành đã hội chẩn, đưa ra quyết định can thiệp kịp thời, cứu sống người bệnh. 

Hội chẩn từ đất liền, cứu sống bệnh nhân ở Trường Sa

6 giờ sáng 8/12/2021, khi đang khai thác hải sản trên vùng biển cách đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa khoảng 30 hải lý, trong quá trình thu lưới, ngư dân Trần Văn Minh (SN 1986, Hoài Nhơn, Bình Định, lao động trên tàu cá BĐ 97832TS ) bị cây gỗ trên lưới văng ra, đập vào vùng thái dương bên phải, đã tự chữa trị nhưng không khỏi. Chiều 10/12, anh Minh được tàu cá đưa vào đảo Song Tử Tây cấp cứu trong tình trạng bị sưng nề vùng thái dương bên phải, đau đầu, buồn nôn và nôn nhiều, tiếp xúc chậm. Các y, bác sĩ bệnh xá đảo Song Tử Tây đã thăm khám, ngay sau đó xin hội chẩn với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BV 108). Qua hội chẩn từ xa, các chuyên gia, bác sĩ của BV 108 đã chẩn đoán bệnh nhân bị chấn thương sọ não do tai nạn lao động ngày thứ 3 và đã tổ chức điều trị: Cho bệnh nhân bất động, thở oxy 5lít/phút, truyền dịch, lợi tiểu bổ sung điện giải và theo dõi sát tri giác của bệnh nhân.

Sau khi được can thiệp kịp thời, sức khỏe của anh Minh tạm thời ổn định, đã giảm đau đầu và buồn nôn, chân, tay vận động bình thường. Đảo Song Tử Tây bố trí khu cách ly riêng để tiếp tục theo dõi, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân.

Đây chỉ là một trong số nhiều ca bệnh mà bệnh xá đảo Song Tử Tây xin kết nối hội chẩn từ xa với bệnh viện tuyến trên như BV 175, BV 108…để kịp thời cấp cứu ca bệnh nặng ngoài đảo xa. Có ca bệnh can thiệp ổn định, bệnh nhân sau đó được đưa vào đất liền để tiếp tục điều trị.

Trong đại dịch COVID-19, đặc biệt trong giai đoạn nhiều tỉnh, thành phải giãn cách xã hội, nhờ kết nối khám, chữa bệnh từ xa, nhiều người bệnh nặng được cứu sống ngay tại tuyến cơ sở, không phải lên tuyến trên. Mới đây nhất, 4 ca bệnh ung thư khó đã được các chuyên gia của BV K ở Hà Nội cùng đồng nghiệp tuyến dưới bàn thảo, hội chẩn từ xa để đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất. 4 ca bệnh này gồm: 1 bệnh nhân chẩn đoán ung thư vòm/ung thư vú tái phát tại BV Đa khoa (ĐK) Lào Cai; 2 bệnh nhân tại BVĐK Bắc Kạn; một bệnh nhân chẩn đoán ung thư đại tràng đang điều trị tại BV Ung bướu Bắc Giang.

Với trường hợp mắc 2 loại bệnh ung thư tại BVĐK Lào Cai, bệnh nhân vào viện vì đau đầu, ù tai, tê bì nửa mặt phải… Trước đó, tháng 12/2018, bệnh nhân được điều trị hóa chất, phẫu thuật ung thư vú phải tại BV K. Hiện tại không sờ thấy u, vú trái không u, nhiều hạch cổ, lớn 1,5cm.

Đánh giá ca bệnh này, PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc BV K nghĩ nhiều đến ung thư vòm, do bệnh nhân có các biểu hiện lâm sàng rõ ràng, từ ù tai, ngạt mũi. Đáng nói, bệnh nhân có xuất hiện nốt trên phổi. Vì thế, phải xác định được phổi nguyên phát hay thứ phát vì liên quan đến phác đồ điều trị. Nếu là thứ phát của vòm sẽ không thể hóa xạ đồng thời, trong khi nếu liên quan ung thư vú thì có thể.

Sau khi thảo luận, các bác sĩ kết luận cần sinh thiết kim để tìm cho được những nốt ở phổi là thứ phát hay di căn (di căn của ung thư vú hoặc vòm), vì liên quan trực tiếp đến chỉ định phương pháp điều trị cho bệnh nhân. Thế là, thay vì phải lên tuyến trên, bệnh nhân được chẩn đoán điều trị ở tuyến dưới. Theo BV K, việc hội chẩn trực tuyến các ca bệnh khó như trên được thực hiện thường quy tại bệnh viện.

4.jpg -0
Các bác sĩ Bệnh xá đảo Song Tử Tây đang kết nối hội chẩn từ xa với bác sĩ của BV 108 để cứu ngư dân Trần Văn Minh.

Mang lại lợi ích cho người bệnh

BV Đại học (ĐH) Y Hà Nội là bệnh viện đầu tiên thí điểm triển khai Chương trình khám, chữa bệnh từ xa –Teleheath. Sau 1 năm triển khai, lợi ích lớn nhất mà chương trình đem lại là các ca bệnh khó từ tuyến cơ sở được hội chẩn kịp thời, hạn chế di chuyển người bệnh lên tuyến trên có thể gây nguy hiểm cho người bệnh, để lỡ “thời gian vàng” cứu sống bệnh nhân.

Từ 2 BV ban đầu là BVĐK Mường Khương (Lào Cai), BVĐK Quảng Xương (Thanh Hoá), đến nay sau hơn 1 năm triển khai đã có hơn 200 cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã và 3 BV của Lào, Campuchia, Hàn Quốc tham gia Đề án Khám, chữa bệnh từ xa của BV Đại học Y Hà Nội. Trong năm 2021, điểm nhấn của Telehealth sẽ là phát triển giai đoạn 2. Các bác sĩ tư vấn thông qua hai hệ thống khám, chữa bệnh từ xa là hệ thống Tele Rad và hệ thống Tele ICU.

Các bệnh viện tuyến trung ương như Bạch Mai, Việt Đức, E, Nội tiết Trung ương... thường xuyên khám, chữa bệnh từ xa với tuyến dưới, đặc biệt hội chẩn những ca bệnh nặng, bệnh khó như đột quỵ, chấn thương sọ não, tim mạch… Có những ca nếu vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên sẽ làm lỡ mất “thời gian vàng” cấp cứu, qua hội chẩn từ xa, các chuyên gia đầu ngành đã hỗ trợ bác sĩ tuyến dưới chẩn đoán, can thiệp, đưa ra phác đồ điều trị…Nhờ đó nhiều bệnh nhân đã được cứu sống một cách ngoạn mục.

Trong chuyến công tác tới BVĐK Mộc Châu (Sơn La) gần đây, chúng tôi được biết, bệnh viện tuyến huyện này đã phẫu thuật cấp cứu được nhiều bệnh nhân bị chấn thương sọ não, người bệnh ra viện có cuộc sống cải thiện. Để làm được điều này, BV đã tham gia khám, chữa bệnh từ xa Telehealth với BV ĐH Y Hà Nội từ năm 2020. Lãnh đạo BV vui mừng chia sẻ: Hiện nay, những ca chấn thương sọ não đã làm được tại tuyến cơ sở mà không phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Đặc biệt hơn, nhờ khám, chữa bệnh từ xa, BV đã nuôi sống thành công nhiều trẻ sinh non, có trẻ chỉ 28 tuần tuổi, nặng 1kg.

Để "thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", thời gian qua, Bệnh viện K đã triển khai nhiều giải pháp nhằm rút ngắn khoảng cách chuyên môn giữa tuyến trên với tuyến dưới bằng nhiều hình thức như telemedicine, qua điện thoại, zalo, viber… Đối với những ca bệnh khó cần ý kiến chuyên môn của các chuyên gia BV K, qua hệ thống khám, chữa bệnh từ xa được ứng dụng, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ... chuyên gia đầu ngành ngồi ở Hà Nội có thể nhìn rõ nét các hình ảnh chiếu chụp lâm sàng, kết quả xét nghiệm để cùng thảo luận đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì khám, chữa bệnh từ xa vẫn còn khó khăn, đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc còn chưa đáp ứng được với yêu cầu. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về trình độ khám, chữa bệnh giữa tuyến trên và tuyến dưới vẫn là bài toán khó mà ngành y tế tiếp tục cần phải đào tạo, tập huấn “cầm tay chỉ việc” để nâng cao tay nghề, nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ tuyến cơ sở.

Minh Thư
.
.
.