Hút thuốc lá điện tử có thể gây co thắt máu ở tim
Những năm gần đây, bên cạnh các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi (thuốc lào) đang được quản lý theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, trên thị trường đã và đang xuất hiện các sản phẩm mới, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Hiện nay Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không quy định về các sản phẩm “thuốc lá điện tử”, “thuốc lá nung nóng”, vì vậy các sản phẩm này chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.
Nguy cơ gây bệnh ung thư, tim mạch
Theo đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, thuốc lá điện tử là thiết bị chạy bằng pin làm nóng dung dịch điện tử (tinh dầu) để tạo ra sol khí chứa chất tạo mùi, thường được hòa tan vào propylene glycol hoặc/và glycerine.
Thuốc lá điện tử có chứa nicotin là một hoá chất gây nghiện cao, gây tăng nhịp tim, co thắt mạch máu ở tim, tăng mạch và huyết áp. Nicotin còn ảnh hưởng đến sự phát triển và di căn của khối u và có khả năng thúc đẩy, hình thành các khối u. Nicotin ở liều thấp đã có thể kích thích hệ thần kinh trung ương và ngoại vi, gây kích thích, làm tâm trạng hưng phấn và tăng nhịp tim hoặc huyết áp; liều cao nicotin có thể làm hạ nhịp tim, hạ huyết áp và trầm cảm.
Hơn nữa, nicotin ảnh hưởng đến sự tăng sinh tế bào, stress oxy hóa (hiện tượng xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa các chất chống oxy hóa và gốc tự do, là nguyên nhân khiến sức khỏe suy giảm, các cơ quan trong cơ thể hoạt động kém hiệu quả), tế bào chết theo chương trình, đột biến DNA theo các cơ chế khác nhau, từ đó dẫn đến ung thư. Nicotin còn ảnh hưởng đến sự phát triển và di căn của khối u, đồng thời gia tăng sự đề kháng của khối u với hóa trị và xạ trị.
Bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho biết, ngoài nicotin, thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có glycerin, propylene glycol. Propylene glycol có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Glycerin khi được đun nóng và hóa hơi tạo thành acrolein, gây gây khô miệng và viêm đường hô hấp trên. Các chất độc hại được tìm thấy trong sol khí của thuốc lá điện tử như Ethylene Glycol, Diethylene Glycol, aldehydes, hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs), hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) như toluene, nitrosamine, hydrocarbon thơm đa vòng, chất đặc biệt gây ung thư.
Thuốc lá điện tử có chứa vitamin E axetat và tetrahydrocannabinol (THC), một chất kích thích hệ thần kinh có chứa trong cần sa, được cho là có vai trò quan trọng gây ra hàng nghìn trường hợp tổn thương phổi. Mặc dù vitamin E axetat an toàn khi được tiêu thụ dưới dạng thực phẩm hoặc mỹ phẩm, nhưng hậu quả của việc hít phải vitamin E axetat vẫn chưa được tìm hiểu đầy đủ. Hiện nay, một số quốc gia như Canada, Vương quốc Anh và một số tiểu bang ở Mỹ đã cấm vitamin E axetat.
Tác hại nghiêm trọng của thuốc lá nung nóng
Mặc dù cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều khuyến cáo, song thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử vẫn được giới trẻ sử dụng, bất chấp nguy hiểm tới tính mạng.
Đại diện Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cho biết, thuốc lá nung nóng là sản phẩm sử dụng thiết bị điện tử để nung nóng điếu thuốc (hoặc viên nén thuốc lá) đến nhiệt độ đủ để tạo ra “sol khí” (khói), có chứa nicotin - chất gây nghiện cao và các hóa chất, chất phụ gia và thường có nhiều hương vị.
Tổ chức Y tế thế giới đã có khuyến cáo thuốc lá nung nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Dù được nung ở nhiệt độ thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự như trong khói thuốc lá như: Acrolein (chất gây kích ứng đường hô hấp mạnh), glycidol, formaldehyde và acetaldehyde (chất gây ung thư), carbon monoxide, hydrocarbon thơm đa vòng và các kim loại (nhôm, titan, stronti, molypden, thiếc và antimon).
Hiện nay các sản phẩm thuốc lá nung nóng rất đa dạng, trong đó có nhiều sản phẩm kết hợp (lai) giữa thuốc lá nung nóng với thuốc lá điện tử, pha trộn, tẩm ướp dung dịch điện tử khiến cho việc kiểm tra và nhận biết khó khăn như sản phẩm thuốc lá mới sử dụng công nghệ hybrid, không đốt nóng trực tiếp sản phẩm thuốc lá mà kết hợp giữa dung dịch thuốc lá điện tử và nguyên liệu thuốc lá.
Đặc biệt, cơ quan chức năng cũng liên tục cảnh báo về thuốc lá điện tử chứa tinh dầu cần sa, gây nguy hại tới sức khoẻ khi thời gian vừa qua nhiều thanh thiếu niên phải nhập viện vì hút thuốc lá điện tử chứa ma tuý. Tại Bệnh viện Bạch Mai, các ca ngộ độc thuốc lá điện tử đều vào viện với biểu hiện co giật, kích thích, vật vã, ảo giác, loạn thần, hôn mê, tổn thương não và nhiều cơ quan khác.
Trước đề xuất thí điểm kinh doanh thuốc lá mới, trong các năm 2020-2022, Bộ Y tế đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấm hoàn toàn đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Theo bà Trần Thị Trang, Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế), thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang được kinh doanh bất hợp pháp nhưng tỉ lệ sử dụng đã có xu hướng gia tăng. Nếu cho phép kinh doanh thì sẽ có nguy cơ tăng mạnh, thu hút giới trẻ nhiều hơn và tạo ra một thế hệ nghiện nicotine mới. Việc cho phép thí điểm thuốc lá mới cũng dẫn đến việc khó có thể kiểm soát được các sản phẩm tương tự, đồng thời phải giải quyết các hậu quả và bệnh tật.
"Quan điểm của Bộ Y tế là không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới (bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) vì đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe" - bà Trang nhấn mạnh.