Hơn 90% trường hợp mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do hút thuốc lá
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trong các nguyên nhân gây tử vong và đứng thứ 5 về gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Có nhiều yếu tố gây bệnh COPD, song hút thuốc lá chiếm hơn 90% các trường hợp mắc bệnh.
Hút trên 20 điếu thuốc lá mỗi ngay có nguy cơ mắc bệnh cao
Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh COPD khá cao ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. BS Vũ Văn Thời, Khoa Nội, Can thiệp Tim mạch – Hô hấp, Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh COPD là tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính gây giảm chức năng thông khí ở phổi.
Các dấu hiệu bệnh COPD ban đầu có thể cảm thấy khó thở, đặc biệt là trong các hoạt động thể chất; thở khò khè; tức ngực; ho có đờm kéo dài; nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên; thiếu năng lượng. Sưng phù ở mắt cá chân, bàn chân hoặc chân. Sốt nhẹ và cảm giác ớn lạnh.
Những người mắc bệnh cũng có khả năng trải qua các đợt cấp trong đó các biểu hiện trên có thể trở nên tồi tệ hơn so với sự thay đổi thông thường hàng ngày và kéo dài ít nhất vài ngày. Trong những trường hợp nặng có thể phải nhập viện, điều trị kháng sinh, thở máy, corticoid… chức năng hô hấp giảm sút, thời gian sống còn bị rút ngắn lại.
Có 2 yếu tố có thể là nguyên nhân bệnh COPD như tình trạng thiếu hụt, khuyết tật về gen như thiếu hụt men alpha 1 antitrypsin.
Các yếu tố do ô nhiễm môi trường gồm: Khói thuốc lá, thuốc lào, khí thải, khí độc công nghiệp… Hút thuốc lá chiếm hơn 90% các trường hợp mắc bệnh. Khoảng 20-30% số người hút trên 20 điếu thuốc lá mỗi ngày sẽ có các biểu hiện sớm hoặc muộn của COPD.
Bệnh COPD đợt cấp do tiếp xúc bụi nghề nghiệp xảy ra ở khoảng 10% các trường hợp. Thợ mỏ, công nhân xây dựng, thợ dệt, công nhân làm việc tại các xưởng luyện kim, nông dân là những người thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố kích thích phế quản dẫn tới nguy cơ cao mắc bệnh.
Các yếu tố gây bệnh bao gồm: Khí độc, xi măng, các sản phẩm than đá, bụi silic và các chất kích thích sử dụng trong nông nghiệp.
Các yếu tố khác như nhiễm độc không khí không phải là nguyên nhân trực tiếp, tuy nhiên cũng có thể ảnh hưởng tới sự phát triển bệnh bao gồm như chứa yếu tố làm bệnh nặng lên về lâu dài và tăng nguy cơ tử vong ở những người suy hô hấp nặng.
Hãy từ bỏ thuốc lá
BS Vũ Văn Thời khuyến cáo, nếu không được phát hiện và can thiệp sớm, bệnh COPD có thể gây ra một số biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống người bệnh, thậm chí nguy hiểm tính mạng như tràn khí màng phổi, tâm phế mạn.
Khoảng 30% bệnh nhân chết vì suy hô hấp cấp và mạn tính, sau đó là suy tim (13%). Các nguyên nhân gây tử vong tiếp theo bao gồm nhiễm trùng hô hấp, nhồi máu phổi, rối loạn nhịp tim, ung thư phổi.
COPD là bệnh có khả năng gây tàn phế cao như tàn phế hô hấp (tình trạng khó thở và đau cơ sẽ làm giảm khả năng vận động), tàn phế về mặt xã hội (người bệnh sẽ có cảm giác như bị tách biệt khỏi xã hội, hoạt động thường ngày phải phụ thuộc người khác).
Để phòng tránh, BS Vũ Văn Thời cho rằng, không hút thuốc là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phòng ngừa và thay đổi diễn tiến ở tất cả các giai đoạn của bệnh kể cả ở mức độ chưa có triệu chứng hay mức độ rất nặng.
Hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như: Khí, hóa chất, khói độc hại, bụi. Nếu công việc buộc phải làm việc trong môi trường khói bụi thì cần có bảo hộ lao động để bảo vệ đường hô hấp đúng tiêu chuẩn.
Ngoài ra, tiêm phòng cũng là biện pháp được các chuyên gia khuyến khích sử dụng. Người lớn tuổi là đối tượng cần chú ý tiêm phòng để tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp, đặc biệt là tiêm vaccine phòng cúm và phế cầu. Viêm phổi do phế cầu khuẩn không chỉ nguy hiểm với trẻ nhỏ mà còn là nguyên nhân gây tử vong nhanh ở người cao tuổi, đặc biệt người có bệnh lý mạn tính ở phổi.
Bên cạnh đó, mỗi người cần tập thể dục đều đặn hàng ngày, tập các bài tập phù hợp với thể trạng, đặc biệt là các bài tập thở đúng cách, tốt cho hệ hô hấp.