Hơn 24 nghìn ca mắc sốt xuất huyết, 3 người tử vong

Thứ Tư, 05/04/2023, 18:37

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 24.252 ca mắc sốt xuất huyết và 3 người tử vong, trong đó tại Khánh Hòa (1 ca), Phú Yên (2 ca).

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong những tuần đầu tiên của năm 2023, số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao. Tuy nhiên, từ khoảng cuối tháng 2 đến nay, số ca mắc chững lại và có dấu hiệu giảm. Đã 5 tuần liên tiếp, nước ta không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, bệnh sốt xuất huyết diễn biến khá phức tạp, số ca mắc tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước. Điển hình là Trà Vinh, dù đang là mùa khô nhưng tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện 76 ổ bệnh sốt xuất huyết với 217 ca mắc, tăng gần 7 lần so cùng kỳ năm 2022.

Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Trà Vinh đã tiếp nhận 122 ca mắc bệnh sốt xuất huyết từ đầu năm tới nay, trong đó có 8 ca sốt xuất huyết Dengue với dấu hiệu cảnh báo, có 10 ca diễn biến nặng. Nhờ chủ động chuẩn bị cơ số thuốc, vật tư y tế, cùng với kinh nghiệm qua nhiều năm, các ca bệnh đều được điều trị khỏi.

Hơn 24 nghìn ca mắc sốt xuất huyết, 3 người tử vong -0
Các địa phương chủ động xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tại tỉnh An Giang, từ đầu năm 2023 đến nay đã ghi nhận 1.087 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 52 ca so với cùng kỳ năm 2022), không có ca tử vong. Tương tự, Hà Nội cũng ghi nhận 197 ca sốt xuất huyết (gấp hơn 19 lần so với cùng kỳ năm ngoái).

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết trước vào tháng cao điểm năm 2023, Bộ Y tế đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chủ động công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết trước, trong mùa dịch; các cấp chính quyền trong chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy; đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các biện pháp xử lý; các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo đầy đủ thuốc, trang thiết bị, máy móc điều trị; tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới...

Trần Hằng
.
.
.