Hiến máu là biểu tượng của tình yêu thương và lòng nhân ái
100 sinh viên Học viện CSND đến hiến máu trong lễ phát động Chủ nhật Đỏ lần thứ 17 - năm 2025. Chủ nhật Đỏ đã thu được hơn 400 nghìn đơn vị máu, phục vụ công tác cấp cứu và điều trị cho hàng trăm nghìn người bệnh trong suốt 16 năm qua.
Sáng 29/12, tại Đại học Bách Khoa (Hà Nội), Báo Tiền Phong phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức lễ phát động Chủ nhật Đỏ lần thứ 17 - năm 2025. Sự kiện thu hút sự tham gia của hàng nghìn sinh viên các trường đại học tại Hà Nội đến hiến máu.
Phát biểu khai mạc, nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng biên tập Báo Tiền Phong, Trưởng ban tổ chức Chủ Nhật Đỏ lần thứ 17 cho biết, trong suốt 16 năm qua, Chủ nhật Đỏ đã góp phần lan tỏa thông điệp “Hiến máu cứu người – Sinh mệnh của bạn và tôi”, thu hút sự tham gia ủng hộ của hàng triệu trái tim thiện nguyện, đóng góp hàng trăm ngàn đơn vị máu cho ngành Y tế. Đây không chỉ là những con số ấn tượng mà còn là những câu chuyện đầy xúc động về sự sẻ chia, về tình người, về lòng nhân ái trong cộng đồng.
"Năm nay, bước vào lần tổ chức thứ 17, Chủ nhật Đỏ mong muốn thúc đẩy nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa của việc hiến máu cứu người. Khi chúng ta hiến máu, đó không chỉ là hành động cho đi sự sống mà còn là biểu hiện cụ thể của lòng nhân ái, tình yêu thương và trách nhiệm đối với cộng đồng", nhà báo Phùng Công Sưởng chia sẻ.
Có mặt từ sớm, 100 sinh viên của Học viện CSND đăng ký hiến máu, trong đó nhiều bạn sinh viên đã hiến máu hơn 10 lần, có bạn tham gia hiến máu từ 2-3 lần.
Đại uý Triệu Duy Hoàng, công tác tại Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Tuyên Quang, hiện đang học tại Học viện CSND chia sẻ: "Đây là lần thứ 2 tôi hiến máu trong năm 2024. Trước đó, vào tháng 3, tôi hiến máu tại Công an tỉnh Tuyên Quang. Tháng 4 tôi xuống Hà Nội nhập học và đây là lần đầu tiên tôi hiến máu tại Thủ đô. So với các lần hiến máu trước thì lần này quy mô tổ chức lớn hơn, đông các bạn trẻ tham gia hơn".
Theo Đại úy Hoàng, anh không nhớ hết mình đã bao nhiêu lần hiến máu, trung bình mỗi năm anh hiến máu 2 lần. Đi cùng anh là đồng nghiệp công tác cùng đơn vị và cùng học tập tại Học viện CSND - Đại uý Nguyễn Bảo Trung. "Đây là lần hiến máu thứ 6 của em và là lần đầu tiên em hiến máu từ khi nhập học tại Học viện CSND", Đại uý Trung chia sẻ.
Cả hai chiến sĩ Công an đều cho biết, hiến máu là nghĩa cử cao đẹp, "một giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại", cứu giúp được một người là tích thêm được một việc thiện. Vì vậy, cứ khi nào đủ sức khoẻ, hai chiến sĩ lại đăng ký tham gia hiến máu cứu người.
Chờ đến lượt hiến máu, chàng sinh viên Phạm Thanh Tùng, Học viện CSND cho biết, mình đã hơn 10 lần hiến máu. Lần đầu tiên Tùng hiến máu khi còn là sinh viên Trường Trung cấp CSND 6, sau đó anh về công tác tại Công an TP Nam Định và tham gia hiến máu mỗi khi Công an tỉnh phát động. Kỷ niệm khiến chàng sinh viên nhớ nhất đó là cách đây vài năm, người nhà của một đồng nghiệp phải cấp cứu và cần máu khẩn cấp, nhưng trong kho máu của bệnh viện hết nhóm máu B.
Nhận được tin phát động hiến máu từ Câu lạc bộ hiến máu Nam Định, Tùng báo cáo đơn vị và đến bệnh viện hiến máu. Rất may mắn, người bệnh sau khi được tiếp nhận máu đã qua cơn nguy kịch, sức khoẻ tiến triển tốt. "Giúp người bệnh từ giọt máu của mình, em cảm thấy rất hạnh phúc. Hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp, vì vậy, khi người bệnh cần máu, bất cứ lúc nào, em cũng sẵn sàng m", Tùng chia sẻ.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, sự kiện Chủ Nhật Đỏ năm thứ 17 được tổ chức, Đại học Bách khoa Hà Nội vinh dự đồng hành đăng cai tổ chức lễ phát động năm thứ 9.
“Bên cạnh chú trọng đào tạo chuyên môn, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng khuyến khích sinh viên tham gia nhiều hoạt động xã hội, hướng tới các giá trị nhân văn cao đẹp. Động viên sinh viên hiến máu với mong muốn mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại. Hiến máu cứu người bệnh cũng là hạnh phúc của thầy trò”, PSG.TS Nguyễn Phong Điền chia sẻ.
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, chương trình Chủ nhật Đỏ đã ngày càng nhận được sự quan tâm, ủng hộ và hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong cả nước. Nếu như năm 2009, năm đầu tiên chương trình được tổ chức tại Hà Nội và tiếp nhận được 96 đơn vị máu thì đến nay, sau 16 năm, Ban tổ chức đã tiếp nhận được hơn 400.000 đơn vị máu và đã tổ chức tại hơn 50 tỉnh, TP.
“Đây là con số thực sự ấn tượng, là biểu tượng của tình yêu thương, lòng nhân ái, góp phần tô thắm nên truyền thống tương thân, tương ái đáng tự hào của dân tộc Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, vào một số thời điểm nhất định vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu máu, trong khi nhu cầu truyền máu ngày càng cao do nhu cầu chăm sóc y tế tăng cao. Do vậy, bảo đảm đủ máu cho nhu cầu cấp cứu và điều trị luôn là áp lực rất lớn cho ngành y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế mong rằng chương trình Chủ nhật Đỏ mang đậm ý nghĩa nhân văn cao đẹp sẽ ngày càng được nhân rộng để góp phần phát triển bền vững phong trào hiến máu tình nguyện trên cả nước. Đồng thời Thứ trưởng kêu gọi các cơ quan, đơn vị và người dân trong cộng đồng tích cực tham gia công tác tuyên truyền, vận động hiến máu và trực tiếp tham gia hiến máu để cùng nhau chung tay xây dựng một xã hội khỏe mạnh và nhân văn hơn, vì sức khỏe của chính chúng ta và vì sinh mệnh của nhiều người bệnh.